Mới đây, biên kịch 'Hương vị tình thân' - Trịnh Khánh Hà đã đăng tải lên trang cá nhân những dòng cảm xúc dài về nhân vật bà Xuân - người đang bị khán giả 'ném đá' nhiều nhất khi theo dõi bộ phim.
Dưới đây là nguyên văn chia sẻ của biên kịch.
Mấy hôm nay, mọi người bàn luận nhiều về câu chuyện từ thiện của mẹ Xuân, mình cũng muốn nói 1 chút về nhân vật này, nhưng không phải chuyện từ thiện!
Mẹ Xuân được chúng mình xây dựng, là 1 người phụ nữ nông nổi, ngây thơ, cả tin, thiếu hiểu biết. Mẹ Xuân, như mọi người đã nói, có rất nhiều điểm xấu để cho người ta ghét, nhiều khi mẹ bị ghét cũng đáng đời quá cơ. Nhưng mẹ Xuân có đáng thương không, mình nghĩ là có, chí ít là chúng mình có thương mẹ, và có mong muốn một ngày mẹ sẽ được khán giả thương phần nào bên cạnh sự trách cứ và phê phán đương nhiên.
Với nhiều người, thì mẹ Xuân đúng là "sướng quá hóa rồ", mẹ không phải đi làm, nhà mọi việc có giúp việc lo, chồng làm ra tiền sẵn sàng chu cấp đầy đủ cho mẹ cuộc sống giàu sang, các con của mẹ đều thương mẹ chiều mẹ, nhưng, hiểu mẹ thì không. Đúng hơn, là hiểu nhưng bỏ qua. Thương, nhưng không trân trọng. Chiều, để né sự phiền phức mà mẹ mang lại. Mẹ Xuân có cảm nhận được điều đó không, chắc là có. Vì cảm nhận, nên càng cố chứng minh vai trò, chứng minh sự quan trọng của mình. Nhưng đương nhiên, mẹ không có năng lực để làm việc đó. Mẹ càng chứng minh, thì càng sai nhiều hơn, càng đáng ghét hơn. Và mẹ càng khổ tâm hơn!
Đương nhiên, mình không nghĩ rằng mẹ chồng, chồng, hay con của mẹ Xuân phải có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho mẹ khi mẹ không tự làm điều đó. Cuộc sống của chính mình mà, không lo thì đòi hỏi ở ai đây. Mình chỉ muốn chia sẻ một chút, về nỗi niềm của mẹ Xuân. Có ai trong chúng ta muốn là người dốt nát kém cỏi đâu, có ai muốn phải dựa dẫm vào người khác đâu, nhưng hàng ngày, chúng ta đều gặp những chuyện bất lực, và đối diện với cả bất lực của người khác. Vậy đó, cuộc sống điều không như ý thường nhiều hơn điều mà ta có thể đắc ý. Nói nỗ lực thì dễ, nhưng nỗ lực thế nào, thì không phải ai cũng đủ năng lực để làm.
Khiến mẹ Xuân nhận ra mình kém cỏi, không giúp gia đình hạnh phúc hơn, khiến mẹ Xuân nhận sai, không giúp không khí gia đình hòa thuận hơn. …Vì bản chất của quan hệ gia đình, không phải là chuyện rạch ròi của đúng sai, cũng không phải là chuyện của công bằng tuyệt đối mà cần sự cân bằng giữa cho và nhận, sự hài hòa giữa mong muốn của mỗi người, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng sự khác biệt. Đừng sợ Phương Nam vất vả, hãy đợi cô ấy gõ cửa được trái tim mẹ Xuân, thì chắc chắn điều cô ấy nhận được, sẽ nhiều gấp trăm lần những thứ cô ấy đã cho đi. Hãy tin mẹ Xuân, giống như chúng ta tin vào sự bao dung của mình, đừng vội sợ thiệt thòi.
Chia sẻ của biên kịch khiến nhiều khán giả suy ngẫm về nhân vật bà Xuân - người bị 'ném đá' nhiều nhất trong Hương vị tình thân. Trong những tập gần đây, khán giả thậm chí hả hê khi bà Xuân bị đánh hội đồng, bị bạn thân lừa gạt và cho rằng đó là 'nghiệp' mà bà Xuân phải trả. Tuy nhiên, sau tập 34 lên sóng tối qua, nhiều khán giả cũng tỏ ra thương bà Xuân hơn khi chứng kiến sự cô đơn, lạc lõng và bất lực của bà.
Phía dưới bài đăng, nhiều khán giả để lại bình luận khen ngợi biên kịch là bênh vực bà Xuân:
- Em thấy mẹ Xuân đáng thương mà, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Thiếu hiểu biết k đc tiếp xúc nhiều. Bạn thì lại toàn bạn đểu...
- Em thương mẹ Xuân nhất phim.
- Thật là sự bao dung chẳng bao giờ là thiệt. Em đã bao dung mẹ Xuân ngay từ khi người ta còn ném đá và bây giờ em thấy mình đúng.
- Đọc xong chia sẻ của Khánh Hà, mình đã hiểu hơn về cụ Dần và chị Sâm ạ! Mình nghĩ cả hai người đều là đáng thương hơn đáng trách vì một người toàn túm tóc mẹ Xuân đánh khi lên cơn; một người làm gián điệp tố cáo mẹ Xuân cũng vì bị đe doạ.
TH (Nguoiduatin.vn)