Ra mắt gần 1 tuần, MV đam mỹ, kinh dị mang tên Canh Ba của Nguyễn Trần Trung Quân - Denis Đặng vẫn đang chễm chệ ở vị trí Top 2 Trending YouTube với gần 9 triệu lượt xem và hàng trăm ngàn bình luận đa số khen ngợi.
Tiếp nội nội dung MV Tự Tâm, Hoàng Thượng dùng mọi cách để hồi sinh Bạch Liên nhưng thất bại. Si tình đến mất hết lý trí, Hoàng Thượng đã tổ chức lễ cưới với xác Bạch Liên khiến của hoàng cung sợ hãi, khán giả cũng rùng mình không kém.
Sản phẩm âm nhạc này tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý của khán giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mới đây Canh Ba đã bị nhiều cư dân mạng chỉ trích vì cho rằng Denis Đặng đạo nhái bộ truyện nổi tiếng xứ Đài mang tên Phích Lịch Bố Đại Hí.
Cung Vô Hậu trong Phích Lịch Bố Đại Hí có tạo hình lạnh lùng, bên mắt phải có giọt huyết lệ, khoác trên mình bộ cổ phục màu đỏ tươi như máu. Theo một số cư dân mạng thì tạo hình nhân vật của Denis Đặng giống đến 90% so với nhân vật trong Cung Vô Hậu.
Không né tránh hay im lặng trước phản ứng của cư dân mạng, mới đây Denis Đặng đã chính thức lên tiếng giải thích cho tạo hình của nhân vật Bạch Liên trong Canh Ba.
Denis Đặng chia sẻ: 'Đã có nhiều tranh cãi và vu khống về việc đạo nhái hình ảnh của Bạch Liên với trang phục từ nhân vật Đài Loan - Cung Vô Hậu. Với vị trí làm sáng tạo Denis cũng có những tìm hiểu và nghiên cứu của riêng mình trong những sản phẩm nghệ thuật .
Trong buổi họp báo cả 2 sản phẩm Denis đã từng chia sẻ:
"Canh Ba" cũng như "Tự Tâm" lấy hình tượng văn hóa Á Đông làm chủ đạo và gợi cảm hứng cổ trang Việt Nam (chưa bao giờ là lên tiếng là sát sử và đúng 100% sử thi Việt Nam cả), mà trong đấy các hình ảnh biểu tượng như hoa sen, mặt trăng,... đều cực kì thông dụng, không phải của riêng ai. Denis sẽ cố gắng đưa vào nhiều chi tiết văn hóa Việt trong MV này: nghi thức tang lễ của người Việt, hình ảnh chiếc võng cưới, chiếc đèn dầu, quả trứng hột vịt lộn hay hình ảnh chiếc áo giao lĩnh, áo dài xẻ 4 tà... Tất cả đều được nghiên cứu để đưa vào một cách có cân nhắc, để đảm bảo độ mĩ thuật thú vị và thu hút, gần gũi với các bè quốc tế song song với nhiệm vụ gợi được phần nào nét văn hoá Việt với bạn bè quốc tế. Đó là thế giới riêng mà Denis tạo ra.
- Đầu tiên, dạng thức mũ của Bạch Liên lấy cảm hứng từ hai loại mũ quan lại của Á Đông: mũ lương quan (thông dụng ở cả Việt - Trung - Hàn) và mũ bình đính (tiêu biểu của Việt Nam thời Lê Trung Hưng) chứ không phải chỉ riêng Cung Vô Hậu mới có. Tuy nhiên, về tình huống của Canh Ba đó là một lễ cưới nên tất cả đều phải mặc hỉ phục (màu đỏ là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên để cân đối với văn hoá người Việt, Denis đang sử dụng pha thêm màu xanh và vàng trong hỉ phục giống người Việt xưa nhưng màu đỏ của chiếc mũ giữ nguyên).
- Thứ hai, Cung Vô Hậu sử dụng phục trang là một chiếc áo giao lĩnh (hai vạt đan chéo) cùng một chiếc áo khoác ngoài dạng đối khâm (hai vạt song song) màu đỏ, điểm tô phục sức và các loại phụ kiện cầu kì. Trong khi hai vạt chéo của Bạch Liên là áo giao lĩnh (cổ phục Đại Việt do Nam Văn Hội quá phục dựng) không sát cổ, nằm thõng về phía bên dưới.
Phía dưới phần bình luận, nhiều khán giả lên tiếng bênh vực, động viên và khen ngợi sáng tạo của Denis Đặng:
- Thật ra sau vụ này cũng phải cảm ơn antifan, vì nhờ họ mà mọi người đều biết được các anh có kiến thức sâu rộng và tìm hiểu kĩ như thế nào về văn hoá cũng như phong tục của nước mình. Nhờ có các anh mà em được mở mang kiến thức rất nhiều.
- Denis, chị biết em và ekip rất tỉ mỉ, chăm chút từng khuôn hình và fan của em cũng là những người rất văn minh, người ủng hộ em nhiều hơn những người chỉ chăm chăm vào việc tấn công tinh thần. Vậy nên hãy mạnh mẽ.
- Văn hoá luôn có sự giao thoa và học hỏi lẫn nhau. Nhưng đủ tinh tế để giữ cho mình những nét độc đáo riêng thì không phải ai cũng làm được. Anh và cả ekip đã làm rất tốt điều đó
- Tác phẩm anh Denis tạo ra luôn có sự tâm huyết và sáng tạo. Em chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Các nền văn hóa phương Đông có sự giao thoa với nhau và có nhiều biểu tượng hay hình ảnh na ná nhau, không những trang phục mà còn trong mỹ thuật, kiến trúc, văn học... Nhưng nhìn kỹ sẽ có những nét riêng của từng dân tộc. Nhưng một số người chưa nhìn nhận thấu đáo đã vội phán xét.
TH (SHTT)