Ngay từ thuở nhỏ, John Jones đã có niềm đam mê thám hiểm. Chẳng ai ngờ, niềm đam mê của anh rồi lại hóa thành thứ lấy đi chính sinh mạng một cách bi kịch, tàn khốc. Cho đến nay, tai nạn của John Jones tại hang động Nutty Putty (Mỹ) là một trong số những câu chuyện nổi tiếng nhất, khiến ai nghe qua cũng không khỏi rùng mình xót thương cho nhà thám hiểm trẻ. Tai nạn của John để lại dấu ấn tới mức năm 2016, một bộ phim điện ảnh đã được thực hiện xoay quanh anh và 28 giờ cận kề tử thần mang tên The Last Descent.
28 giờ tuyệt vọng của nhà thám hiểm trẻ
Vụ tai nạn xảy ra vào năm 2009, khi John Jones 26 tuổi, đã có vợ và một đứa con kháu khỉnh.
Vài ngày trước lễ Tạ Ơn, anh cùng với 9 người chị em, bạn bè đã rủ nhau tới tham hiểm hang động Nutty Putty. Đây là một hang động nổi tiếng tại Mỹ, được phát hiện lần đầu năm 1960. Cuộc phiêu lưu này vốn dĩ sẽ chỉ là một trải nghiệm thú vị giúp kết nối mọi người. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng chờ đợi tại Nutty Putty chính là một cái bẫy chết người.
Sau khi bắt đầu thám hiểm khoảng 1 tiếng, John tìm đến một đoạn hang tên là Birth Canal. Để đi qua chiếc hang này, người thám hiểm phải chấp nhận nằm bẹp xuống đất, bò một cách cẩn thận. Tuy nhiên do nhầm lẫn, John lại bò tới một khúc hang chỉ có kích thước khoảng 45x18 - quá nhỏ so với hình thể cao lớn của anh. Thay vì quay đầu trở ra, John quyết tâm trườn qua hang này - và đó cũng là sai lầm lớn nhất của anh.
Phải cho đến khi phát hiện bản thân bị kẹt, John mới trở nên hoảng sợ. Anh không thể quay đầu, cũng không bò ngược trở ra được nữa. Thậm chí, cánh tay của John còn bị kẹt dưới người. Không gian nhỏ bé của chiếc hang cũng khiến phổi của John không thể lấy đủ không khí. Lúc này, người đàn ông bắt đầu vẫy vùng trong tuyệt vọng.
Vị trí mà John mắc kẹt nằm ở độ sâu 30 mét so với mặt đất. Phải mất hàng giờ, đội cứu hộ mới tới được chỗ của anh. Với sự tham gia của hơn 100 nhân viên cứu hộ, John đã được kéo ra vài mét, đủ để nhận được nước ăn, thức uống cầm cự.
Tuy nhiên, vấn đề trong hệ thống dây kéo đã xảy ra sau đó, làm John còn bị tuột sâu hơn vào bên trong hang. Lúc này, tình thế còn kinh hoàng hơn rất nhiều khi anh bị treo dốc đầu xuống ở góc 70 độ. Vì cơ thể của anh đã chiếm trọn khoảng trống trong hang, cứu hộ không thể đưa John ra ngoài.
Cơ thể của John kiệt quệ khi bị giữ trong tư thế dốc ngược quá lâu, làm áp lực máu dồn thẳng về não trong thời gian dài. Sau 28 giờ mắc kẹt, John tử vong do không thể chịu đựng thêm.
Cái chết đi vào lịch sử cho tới bộ phim ám ảnh về người đàn ông xấu số
Sau sự ra đi của John Jones trong hang động, chính quyền bang Utah đã đóng cửa hang động Nutty Putty vì cho rằng nó quá nguy hiểm. Thi thể của anh cũng mãi mãi nằm trong lòng đất cho tới bây giờ.
Cái chết của John Jones và cuộc giải cứu kỳ công cũng đi vào lịch sử như một trong số những vụ án chết trong hang động kinh hoàng nhất. Năm 2016, Hollywood đã chuyển thể câu chuyện của John thành bộ phim The Last Descent. Phim xoay quanh những khoảnh khắc đen tối, tuyệt vọng của John trong hang động, đồng thời là nỗi đau mà người thân của anh phải đối mặt.
The Last Descent có thời gian chiếu rạp ngắn tại Mỹ. Sau khi chiếu, bộ phim nhận về nhiều phản hồi tích cực ở mặt đạo diễn, diễn xuất và hình ảnh. Tuy nhiên, The Last Descent cũng bị "trừ điểm" vì nhịp phim khá chậm và thiếu gay cấn. Dẫu sao, tác phẩm vẫn được đón nhận khá tích cực bởi khán giả.
Theo HieuThuBa (Trí Thức Trẻ)