Trung tuần tháng 6, đạo diễn Việt Tú ra mắt Thuở ấy xứ Đoài mà theo anh cho biết là "vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam". Đây là vở diễn do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư. Thế nhưng, sau đó vở diễn bất ngờ bị hủy bỏ. Báo chí không nhận được bất cứ thông tin lý giải chính thức nào từ phía nhà đầu tư hay đạo diễn Việt Tú.
Đến cuối tháng 10 vừa qua, truyền thông nhận được thư mời ra mắt vở Tinh hoa Bắc Bộ (Hoàng Nhật Nam đạo diễn) từ công ty Sen Vàng và Tập đoàn Tuần Châu. Lý giải về sự thay đổi này, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, cho biết vở diễn do Việt Tú dàn dựng "không chạm đến trái tim người xem", do vậy dù đã bỏ ra nhiều tiền của, nhà đầu tư vẫn phải thay thế bằng kịch bản khác.
Điều được nhiều người quan tâm là trong khi ông Đào Hồng Tuyển tuyên bố ý tưởng sân khấu thực cảnh là của mình thì đạo diễn Việt Tú cũng khẳng định anh mới là người có ý tưởng sân khấu thực cảnh đầu tiên. Việt Tú đồng thời cũng tố nhà đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng và đang nợ tiền anh và một số nghệ sĩ khác.
- Trả lời chúng tôi, chủ tịch tập đoàn Tuần Châu khẳng định mình chính là người có ý tưởng cho một sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam và anh là một trong những đạo diễn được ông Đào Hồng Tuyển cho sang nước ngoài học về loại hình sân khấu này. Anh nói gì?
- Ý tưởng sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của tôi, việc định nghĩa nó và biến nó thành hiện thực tại Việt Nam cũng vậy. Tôi khẳng định 100% sự thật. Và Cục Bản quyền đã công nhận kịch bản Thuở ấy xứ Đoài là sân khấu thực cảnh đầu tiên từ tháng 8/2016.
Nếu là ý tưởng của ông Tuyển và ông biết điều mình muốn rõ như vậy tại sao trong hợp đồng cũng không hề có dòng chữ nào là Tập đoàn Tuần Châu đặt hàng tôi làm điều này.
Còn thông tin ông Đào Hồng Tuyển bỏ tiền để cho tôi sang nước ngoài học về sân khấu thực cảnh là ông Tuyển tự nghĩ ra. Đó là một chuyến đi khác và của một nhà đầu tư khác. Còn cá nhân tôi đã ấp ủ về sân khấu thực cảnh từ lâu, và tôi cũng đã tự đầu tư đi nhiều nơi trên thế giới để xem về mọi loại hình sân khấu trong suốt 15 năm nay.
- Vở thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" do anh đạo diễn đột ngột dừng lại dù đã có buổi ra mắt vào trung tuần tháng 6, Tập đoàn Tuần Châu thay thế bằng vở mới là “Tinh hoa Bắc Bộ”. Lý giải về điều này, ông Đào Hồng Tuyển cho biết vở của anh không chạm đến trái tim người xem. Anh nghĩ sao?
- Đây là phát ngôn đã động chạm đến uy tín nghề nghiệp của tôi. “Không chạm đến trái tim người xem” là cụm từ rất chung chung, nói như vậy cần phải kèm sở cứ, ít nhất phải có thống kê về mặt khán giả.
Tôi được biết ông Tuyển còn bảo vở Thuở ấy xứ Đoài giống một “bữa cơm ôi” phải bỏ đi. Nhưng trả lời trên báo hôm qua, ông Tuyển lại bảo sẵn sàng dành cho tôi một suất diễn bên cạnh vở diễn mới, nghĩa là ông muốn dùng lại “bữa cơm ôi” đã mang lại cho ông thất bại?
Còn vở mới là Tinh hoa Bắc Bộ, hãy để ý xem mọi người đang khen điểm gì của vở đó? Mọi người khen rất nhiều về thủy đình ở giữa sân khấu. Và đó là ý tưởng của tôi.
- Anh có bằng chứng gì để khẳng định hình thức thể hiện trong đó có ý tưởng thủy đình nặng 10 tấn được đẩy lên từ dưới nước là của mình, trong khi toàn bộ cơ sở vật chất là do phía ông Đào Hồng Tuyển đầu tư?
- Không chỉ thủy đình mà tất cả không gian sân khấu, tức hình thức thể hiện của sân khấu thực cảnh đó đều là ý tưởng của tôi. Nếu nhà đầu tư có hết ý tưởng, thì họ bỏ tiền thuê tôi làm gì.
Ai muốn xem bản vẽ, bằng chứng xin mời đến gặp tôi, vì những dữ liệu đó không thể nào chia sẻ trên mạng được. Tôi chịu trách nhiệm về những gì mình nói.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng như ông Đào Hồng Tuyền cho rằng với tư cách nhà đầu tư, tức đơn vị bỏ tiền, hoàn toàn có quyền dừng vở diễn nếu như họ không thích. Quan điểm của anh thế nào?
- Tôi không biết khái niệm không thích ở đây được đặt trên quan điểm nào. Nhưng tại sao trong 3 buổi diễn thử cách đây vài tuần, toàn bộ website, fanpage giới thiệu vở Tinh hoa Bắc Bộ lại dùng toàn bộ hình ảnh, trailer của Thuở ấy xứ Đoài.
Thứ nữa, không thích hay thích lại là một chuyện khác. Nhưng ở đây ông Tuyển chủ yếu tuyên bố là Thuở ấy xứ Đoài không đạt yêu cầu và do vậy phải thay thế bằng Tinh hoa Bắc Bộ.
- Theo như ông Tuyển trả lời báo chí thì "Thuở ấy xứ Đoài" mới chỉ là kịch bản, và mới diễn thử chứ chưa diễn chính thức. Và bây giờ tập đoàn Tuần Châu mới chính thức giới thiệu vở thực cảnh đầu tiên là "Tinh hoa Bắc Bộ"?
- Đã bán vé thu tiền sao có thể gọi là thử. Thuở ấy xứ Đoài đã diễn 10 buổi, trong đó có nhiều buổi bán vé. Như vậy, không phải là diễn thử. Quảng cáo lụa Việt nhưng lại bán lụa Trung Quốc, khi dư luận phát hiện, có thể trả lời là “Tôi bán thử” được không?
Nói đến tiền thì đừng nói chữ thử. Việc này là một cách hợp pháp hoá vụng về tính chính danh của sản phẩm ra đời sau và đang tạo ra cho dư luận sự ngờ vực.
- Rõ ràng có một thực tế là ông Đào Hồng Tuyển đã phải đầu tư nhiều tiền của cho vở thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" do anh đạo diễn. Nhiều người cho rằng cực chẳng đã ông Tuyển mới phải dừng lại. Liệu có hay không câu chuyện từ chính anh, anh đã có hành động gì đó quá đáng buộc phía nhà đầu tư phải "thay ngựa giữa đường"?
- Bây giờ nói gì cũng là thừa, ở thời điểm hiện tại tập đoàn Tuần Châu đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào chính thức. Cần nói thêm là dự án của ông Tuyển còn đang nợ tiền của tôi và những nghệ sĩ khác.
Còn lại, tôi chỉ xin kể câu chuyện thế này, mọi người hãy tự phán xét lý do thực sự đằng sau một vở diễn đã ngừng lại. Đó là hợp đồng giữa tôi và phía Tuần Châu mang tính chất cộng sinh, nghĩa là tôi có ý tưởng, còn bên kia là nhà đầu tư. Tôi sẽ nhận 40% tiền thù lao, còn 60% còn lại tôi sẽ quy đổi thành việc được hưởng 10% từ tiền bán vé cho đến hết vòng đời sản phẩm.
- Ý tưởng cộng sinh đó là của anh hay phía nhà đầu tư đưa ra?
- Là của tôi, vì đó là start-up, khi khởi đầu chưa ai nhìn ra tiềm năng của nó. Tôi đã đề nghị như vậy vì đó chính là mô hình của thị trường giải trí thế giới. Và bên Tuần Châu đã đồng ý. Thử hỏi nếu ý tưởng và mọi thứ như ông Tuyển nói thì họ có đồng ý cho tôi được hưởng 10% kia không.
- Có thông tin cho rằng vào tháng 6 anh đã tự ý ra mắt tác phẩm và mời báo chí mà chưa có sự đồng ý của nhà đầu tư, đó là một trong những lý do khiến mâu thuẫn giữa hai bên bị đẩy lên cao. Anh nói gì?
- Quyền công bố tác phẩm thuộc về tác giả. Hôm ra mắt với sự xuất hiện của báo chí, tôi thấy ông Tuyển là người vui nhất, sau buổi đó ông còn mời tôi ở lại để liên hoan cùng hội đồng duyệt và một số khách mời quan trọng. Thế nên nếu lý do đó được đưa ra, theo tôi là không chấp nhận được.
- Ông Đào Hồng Tuyển tiết lộ rằng nếu anh thay đổi kịch bản thì sẽ tiếp tục cho anh làm vở. Phía tập đoàn Tuần Châu sẽ có hai suất diễn, tức là diễn cả "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Thuở ấy xứ Đoài" trong ngày?
- Mọi người nghĩ xem chuyện đó có thể xảy ra được không?!
Ông Đào Hồng Tuyển cho biết dù đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của nhưng kịch bản thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" vẫn phải dừng lại vì chất lượng không đạt yêu cầu. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Kim Dung - Tổng giám đốc công ty Sen vàng - đơn vị sản xuất vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ do Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn và Thuở ấy xứ Đoài do Việt Tú đạo diễn là hai tác phẩm độc lập. Bà Dung cho biết vở Tinh hoa Bắc Bộ đã được đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả. "Cục Bản quyền cũng khẳng định đây là hai kịch bản hoàn toàn khác nhau", bà Dung nói.
Về việc Tinh hoa Bắc Bộ vẫn có sự tồn tại của thủy đình nặng 10 tấn như trong vở Thuở ấy xứ Đoài, bà Kim Dung khẳng định thủy đình nằm trong không gian của sân khấu thực cảnh do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư, chứ không phải dành riêng cho Thuở ấy xứ Đoài. Theo bà Dung không gian sân khấu đó có thể dùng cho nhiều vở.
"Không gian đó giống như nhà hát, do vậy có thể dựng nhiều vở khác nhau. Theo như phía Tập đoàn Tuần Châu, vở Thuở ấy xứ Đoài của Việt Tú đã dừng lại sau khi thử nghiệm và chưa có buổi diễn chính thức. Tinh hoa Bắc Bộ mới là vở thực cảnh được diễn kéo dài tới 5-10 năm".
Về tranh cãi vở nào mới là vở thực cảnh đầu tiên, bà Dung tuyên bố: "Vở nào diễn cả năm trời sẽ là vở thực cảnh đầu tiên".
Trước đó, trả lời câu hỏi của Zing.vn, ông Đào Hồng Tuyển khẳng định ý tưởng sân khấu thực cảnh là của ông, chính ông đã cho Việt Tú cùng nhiều nghệ sĩ sang nước ngoài để học về loại hình sân khấu này. Theo ông Tuyển kịch bản Thuở ấy xứ Đoài của Việt Tú phải dừng lại vì "chưa chạm đến trái tim khán giả".
"Tôi đã bỏ hàng chục tỷ để trả lương cho Việt Tú và ê-kíp nhưng tôi bỏ hết, không dùng lại bất cứ thứ gì của kịch bản đó. Cũng tiếc chứ vì rất nhiều tiền nhưng không có cách nào khác. Và bây giờ, tôi mời mọi người xem một kịch bản mới là Tinh hoa Bắc Bộ", ông Đào Hồng Tuyển nhấn mạnh.
Về phía ông Hoàng Nhật Nam - đạo diễn của vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, ông Nam xác nhận với Zing.vn là có nằm trong đoàn nghệ sĩ được phía tập đoàn Tuần Châu cho sang nước ngoài học về sân khấu thực cảnh.
Theo Lê Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)