Năm 1985, một lớp học tại bang California đã trở nên sang chấn tâm lý sau khi thầy giáo của họ lấy ra một chiếc TV. Mặc dù giờ học đã kết thúc, ông thầy Bart Schwarz nài nỉ các em học sinh hãy ở lại để cùng xem một bộ phim.
Những thứ có trong cuộn băng của thầy giáo là hàng loạt các hình ảnh vô cùng kinh dị. Hình ảnh giải phẫu người, uống máu, giật điện, và đáng khủng khiếp nhất là một phân đoạn ăn não khỉ nổi tiếng.
"Những người trên bàn ăn", học sinh Sherry Forget kể lại, "đánh con khỉ này rồi ăn não nó." Là một người yêu động vật, cô bé cho rằng bộ phim này vô cùng kinh khủng và xin ra về. Tuy nhiên, thầy Schwarz không cho phép và yêu cầu các học sinh phải ở lại cho đến cuối phim.
Bộ phim mà cả lớp đang xem khi ấy là Faces Of Death (Những Bộ Mặt Của Tử Thần). Bộ phim này còn có thể được coi là tác phẩm đáng sợ, gây sốc nhất lịch sử, vì nó sở hữu hàng loạt các phân cảnh giết người, giết động vật mà cho đến tận bây giờ, người ta vẫn tranh cãi là có thật hay không. Tác phẩm kinh dị này mở đầu với một nhà bệnh lý học, giới thiệu rằng những gì xảy ra tiếp theo chính là "bộ sưu tập" những hình ảnh được ông sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. "Trong suốt nhiều năm", ông ta mỉm cười, "tôi đã đúc kết một thư viện bao gồm những bộ mặt của tử thần."
Phong cách làm phim mô phỏng phim tài liệu chính là điều khiến Faces Of Death càng trở nên đáng sợ. "Chúng tôi xem phim và cứ nghĩ tất cả mọi thứ đều là thật", Sherry Forget kể với tờ Guardian. "Tôi đã vô cùng hoang mang: Tại sao họ lại quay những thứ như thế này? Họ làm thế để làm gì? Những người này bị sao vậy?", nữ sinh Diane Feese trả lời.
Sau khi những nữ sinh này kể lại cho gia đình, các phụ huynh đã kiện trường và được bồi thường 100.000 USD. Giáo viên Schwarz bị đình chỉ 15 ngày nhưng không bị đuổi việc.
Faces Of Death được thực hiện bởi đạo diễn John Alan Schwartz, lấy bí danh là Conan LeCilaire. Ông chịu ảnh hưởng từ nhiều bộ phim kinh dị, tài liệu trước đó liên quan tới chủ đề hành hạ, ngược đãi động vật. Chính vì thế, ông dần nảy ra ý tưởng thực hiện một bộ phim về con người.
Đạo diễn LeCilaire thuyết phục một người bạn là bác sĩ để ông được vào trong nhà xác và quay lại một số cảnh giải phẫu tử thi. Sau đó, ông nhào nặn nó với những đoạn phim bạo lực khác để trông như có người đã bị giết thật. Đồng thời, ông gửi thư đến nhiều tờ báo và các cơ quan tin tức khác để thu mua lại những đoạn video quá rùng rợn để được phát sóng trên TV.
Allan A. Apone - chuyên viên make-up cho Faces Of Death hé lộ rằng có khoảng 40% các thước phim trong phim là giả. Những cảnh này bao gồm cảnh ăn não khỉ nổi tiếng. Cảnh phim một người bị xử tử trên ghế điện thực chất được quay ở nhà một người bạn của đạo diễn, với chiếc ghế là giả và diễn viên sử dụng kem đánh răng để giả vờ sùi bọt mép.
Dẫu vậy, các cảnh phim thật sự của Faces Of Death cũng để lại sự kinh hoàng lớn trong tâm trí khán giả, điển hình như hiện trường một vụ tai nạn máy bay. Vì sự bạo lực không che đậy của mình, Faces Of Death bị cấm ở nhiều quốc gia. Một số bản băng VCR quảng bá rằng bộ phim này "bị cấm ở 46 quốc gia", mặc dù lời khẳng định này vẫn khiến nhiều người hoài nghi.
Faces Of Death rất được yêu thích tại Nhật Bản. Ra mắt năm 1978 tại đất nước này với tên gọi Junk, tác phẩm trở thành cú hit lớn. Phim thu về tổng cộng 35 triệu USD trên khắp thế giới, với kinh phí chỉ 450.000 USD. Tuy nhiên, thành công thật sự của Faces Of Death phải nhờ đến sự bùng nổ của thể loại băng VCR. Faces Of Death "cháy vé" tại các cửa hàng cho thuê băng đĩa, cùng lúc đó, bộ phim trở thành đề tài phẫn nộ của dư luận. "Cái tên đáng tởm nhất trong tất cả," trang Chicago Tribune viết, "là đống rác Faces Of Death".
Các luồng dư luận cáo buộc bộ phim sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực tới đối tượng khán giả trẻ. Năm 1986, Rod Matthews - một cậu bé 14 tuổi tại bang Massachusetts, đã lừa một người bạn vào rừng rồi đánh bạn đến chết bằng một cây gậy bóng chày. Về sau, Matthews thú nhận rằng cậu quyết định giết người sau khi xem Faces Of Death. 2 vụ án mạng tuổi teen khác cũng được cho là có liên quan tới bộ phim (mặc dù không có chứng cứ rõ ràng). Tuy nhiên, đạo diễn phim cho rằng "những kẻ ác dù thế nào vẫn sẽ làm điều xấu mà thôi".
Cho đến ngày nay, Faces Of Death vẫn được cân nhắc là bộ phim gây sốc nhất lịch sử điện ảnh, đáng lên án vì ảnh hưởng tiêu cực của nó tới người xem.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Theo Hieuthuba (Pháp Luật & Bạn Đọc)