Bền bỉ một tình yêu Quan họ

17/09/2018 09:00:13

Nhiều người dân ở thôn Kim Đôi, Phường Kim Chân, TP Bắc Ninh thừa nhận rằng: Nếu như không có ông bà Thơm - Quyển có lẽ quan họ sẽ chẳng bao giờ hồi sinh nổi, chắc cũng chỉ chìm vào trong quá khứ thời gian như chưa bao giờ tồn tại...

Bền bỉ một tình yêu Quan họ
Một buổi diễn tập quan họ của CLB Măng Non thôn Kim Đôi, Phường Kim Chân, TP Bắc Ninh.Nhãn

Lật dở từng trang bản thảo chi chít chữ ghi chép những kí ức về quan họ cổ đã ngả màu thời gian, ông Nguyễn Văn Quyển, 77 tuổi, mái tóc hoa râm, sau mấy chục năm gắn bó với quan họ, cho biết, ông sinh ra ở làng Yên Mẫn, một làng quan họ cổ bao đời nức tiếng đất Kinh Bắc xưa. Tuổi trẻ của ông đắm chìm trong những lời ca, tiếng hát giao duyên và những ngày  đạp xe hết làng này đến làng khác ghi chép về quan họ.

Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Quyển, cũng lặn lội cùng chồng phục dựng quan họ. Bà kể: “Bấy giờ, tôi ở làng bên, nghe đâu bên làng Yên Mẫn có ông thầy giáo dạy quan họ hiền lành, tốt bụng và yêu quan họ lắm. Tôi mon men đến xin học. Mới đầu, thấy ông ấy thô vụng, lôi thôi tôi cứ đắn đó mãi. Thế rồi, vài lần đi hát đối đáp, hát giao duyên, tôi đâm ra cảm mến, nể phục và âm thầm thích ông ấy. Ông nói, ông thích quan họ và không muốn quan họ chết. Nên mong có người sẽ cùng gắng sức với ông thực hiện tâm nguyện cuối đời. Rồi chúng tôi đến với nhau. Sau ngày nên duyên chồng vợ, tôi đã đi học vi tính để chuyển những trang bản thảo viết tay vào lưu trữ ở máy tính. Phải mất gần 6 năm đánh vật với từng nốt nhạc, vợ chồng tôi mới hoàn thiện xong tập sách 400 bài hát đối đáp Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở dạng ký âm, hoàn thiện tập bản thảo chú thích một số từ ngữ, điển tích, truyện kể ở 1.000 bài dân ca Quan họ và vẫn đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện một số công trình nghiên cứu theo các chuyên đề khác nhau".

Nhìn những tài liệu ghi chép, sưu tầm về văn hóa quan họ của ông Quyển, bà Thơm mới thấy hết sự kỳ công, tầm vóc của sức người. Từ bấy đến nay, dù chưa thật sự được phổ biến rộng rãi nhưng nó là minh chứng sống động cho lòng tâm huyết, sự kiên trì, bền bỉ và một tình yêu bền chặt với di sản của quê hương.

Năm 2006, ông bà truyền dạy quan họ cho một số người cao tuổi trong xã và đến đầu tháng 8 vừa qua mới thành lập CLB Quan họ Măng non thôn Kim Đôi. Lúc đầu chỉ có 12 em tham gia CLB nhưng sau 3 tháng hoạt động đều đặn với hiệu quả tích cực, đến nay, CLB Quan họ Măng non đã thu hút gần 30 em học sinh ở 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kim Chân tham gia sinh hoạt đều đặn vào chiều Chủ nhật hàng tuần. Thật vui khi có em mới 5 tuổi, chưa thuộc hết bảng chữ cái nhưng đã thuộc khá nhiều bài dân ca Quan họ.

Không chỉ truyền dạy Quan họ miễn phí, ông bà còn tự “ móc tiền túi” ra để sao in và phát tặng tài liệu cho các em. Ông bà còn xây dựng quỹ khuyến học của CLB. Đối với  những em tham gia sinh hoạt tại CLB, em nào thuộc và hát được nhiều bài Quan họ, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện đạo đức ở trường sẽ được khen thưởng, động viên...

Trong câu chuyện, ông Quyển, cho biết, hai ông bà vẫn còn nhiều điều day dứt lắm. “Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất vào lúc này ấy là sức sống của quan họ, nhất là quan họ cổ, đang dần mai một đi. Cả người dạy và người học đều không mặn mà với nó nữa. Hơn 70 tuổi, nửa cuộc đời sống chết với quan họ, cũng chỉ mong giữ lại cho con cháu, nhưng xem ra vẫn còn mong manh. Tôi nghĩ, muốn quan họ có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc. Thì trước hết và lâu dài, cần phải có đội ngũ những người thật yêu say quan họ, hết mình với nó. Kế đó, chúng ta nên phổ cập quan họ trong sách giáo khoa, cấy kiến thức âm nhạc quan họ vào môi trường giáo dục. Cuối cùng, nên chăng có chiến lược đào tạo các lớp trẻ kế cận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Làm được như vậy, không những quan họ không bị mai một mà càng có chỗ đứng trong lòng dân tộc và bè bạn quốc tế”- ông Quyển nói.  

 Theo Minh Phúc (Daidoanket.vn)

TAGS