Vui chẳng tày gang mà buồn đầy mấy đận
Nếu trong âm nhạc, khán giả luôn thấy một Phương Thảo đằm thắm, dịu dàng, ngọt ngào sâu lắng, khắc khoải cho đến tận “Chàng vinh quy” cô mới bộc lộ sự đáo để, cá tính thì trong thơ, độc giả không khó để hiểu trọn vẹn về người đàn bà đa tình, truân chuyên nhưng khí chất đầy kiêu hãnh và sâu nặng.
Tập thơ “Đi hết xuân thì” (NXB Hội Nhà văn, 2018) có thể ví như những trang nhật ký tâm hồn của Phương Thảo. Bởi với Thảo, thơ là tình cảm riêng tư, thật nhất nên cô muốn sẻ chia một cách gần gũi, ấm áp nhất.
Lời tựa của tập thơ thay vì để ai đó viết về mình, Phương Thảo chọn cách tự bạch: “Xuân thì với ai đó là tươi đẹp, là rực rỡ, là ngắn ngủi thì với tôi Xuân thì là những gì tinh tuý, đậm đà, là được và mất của đời, là lý tưởng sống ở cuối mỗi vụ Xuân khi ta nhìn lại để biết gieo mầm cho những Xuân sau. Cuộc đời đàn bà vui chẳng tày gang mà buồn đầy mấy đận. Nếu chỉ biết trân quý hạnh phúc mà chôn giấu những niềm đau thì e là ta đã đánh rơi giá trị của bản thân. Bởi những mất mát mới là điều thiêng thiêng đọng lại trong ký ức và tâm khảm mỗi người! Hãy đi cho hết để cuối con đường nhìn lại, thấy Xuân mình đã khoe sắc mà vẫn còn Thì....”
Giải thích thêm, Phương Thảo cho biết, ban đầu tập thơ có tên là “Gái Nghệ” nhưng gần đến ngày in thì cô suy nghĩ lại và muốn thoát ra cái riêng, có phần mang tính địa phương nên Phương Thảo chọn “Đi hết xuân thì”.
Đó là tên một bài thơ dài 99 câu, được Phương Thảo viết trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, khi cảm xúc ùa đến. Khi đó cô viết trên điện thoại. Trong thơ cũng có câu Thảo tiết lộ đã “hai lần đò”. Một lần lên xe hoa có xe rước dâu, lần hai chỉ là mang mâm trầu sang thắp hương.
Trong tập thơ, có câu thơ “Sẽ còn màn kịch rất kinh/ Đó là sang đò lần ba…” Cô tâm sự: “Viết xong tôi vã hết cả mồ hôi rồi lăn đùng ra ngủ, lúc ấy như cởi bỏ được hết tấm lòng, cảm xúc rất khó tả, vừa thăng hoa lại vừa tĩnh tâm” .
Nghĩ đến “Đi hết xuân thì”, Phạm Phương Thảo tự nhận mình là “Thảo chân thật” và có phần hơi… đơ đơ. Giống như câu chuyện trong bài thơ “Đi hết xuân thì” được xem như “tự truyện” khá đầy đủ về cuộc đời, tình duyên của Phương Thảo, cô kể từ những năm 90, khi đấy Thảo mới 8 tuổi mà cô đã có suy nghĩ không lấy chồng nhưng phải có 4 người con.
Nhan đề “Đi hết xuân thì” không phải đã đi hết tuổi xuân mà là hãy đi cho hết tuổi xuân. Phạm Phương Thảo nghĩ dù đau khổ hay hạnh phúc thì vẫn phải đi cho hết, bỏ phí “giọt xuân” nào cũng đều hoài phí.
Thơ là cách sống thật với mình
Nhiều người bất ngờ với tập thơ này của Phạm Phương Thảo. Chính Thảo khi cầm trên tay những trang bản thảo rời rạc, cô cũng không tin ngày nào đó mình có thể cho ra mắt một tập thơ, dù Phương Thảo làm thơ trước cả khi đi hát và viết nhạc. Vậy liệu sau tập thơ này, cô gái xứ Nghệ đa đoan có dấn sâu vào con đường văn chương? “Trước kia, Phạm Phương Thảo nghĩ sáng tác nhạc chỉ cho vui nhưng sau đó thì thấy rất tốt cho công việc của mình. Năm Thảo lên16 tuổi, đã làm bài “Quê nhớ” vì nhớ nhà. Sau đó rất lâu mới có những bài thơ tiếp theo”- Thảo tiết lộ và khẳng định chắc nịch: “Phương Thảo không bước sâu vào địa hạt văn chương vì những gì mình làm được chỉ là “tay ngang”. Thơ của tôi chưa chắc đã chuẩn mực song đó là những cảm xúc thật, thật từ đáy lòng mình. Với tôi, âm nhạc là tri âm, còn thơ là tri kỷ”.
Phương Thảo nói rằng, làm ca sĩ biểu diễn trên sân khấu là những phút giây thăng hoa để phục vụ khán giả còn bước vào những trang thơ mới là cảm xúc thật nhất. Những câu chuyện thật của Thảo hiện ra qua văn bản thơ với mong muốn được chia sẻ giãi bày với mọi người một cách chân thật, đời nhất sau ánh đèn sân khấu.
Nói về sự khó khăn khi tay ngang sang làm thơ, Phương Thảo cho biết, vì thơ là những cảm xúc thật nên cô không thấy khó khăn trong việc sáng tác. Là người dễ có cảm xúc, cảm xúc yêu ghét, đủ thứ cảm xúc nên Thảo không giấu giếm. Thơ ghi lại cảm xúc của mình, là được sống đúng với chính mình.
Phạm Phương Thảo thừa nhận cô không giấu được bất kỳ điều gì cả nhưng mà nếu tung hê về sự đau khổ thì Thảo nghĩ không nên. Nếu gửi được vào trong thơ như cách này thì sẽ không có vấn đề gì cả. “Cuộc sống có giấu cũng chẳng được gì, vậy nên hãy cứ giãi bày để mọi người hiểu và gần nhau hơn”- Phương Thảo chia sẻ.
Đọc tập thơ “Đi hết xuân thì” của một “đồng hương xứ Nghệ”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự: “Tôi thường đọc thơ và thấy có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ như đàn ông thật. Nhiều bài thơ người ta đọc cứ nghĩ là đàn ông viết. Riêng Phương Thảo làm thơ rất nữ. Thơ của Phương Thảo có sự lay động, gần gũi của người phụ nữ. Điều đấy cũng làm cho tập thơ trở nên dịu dàng. Khi tôi đọc xong thấy sự dịu dàng, dịu dàng cả khi “chửi”. Cho nên là một người như Phương Thảo làm thơ mà nói về tình cảm một cách đẹp nhất, nhẹ nhàng nhất để đem ra chia sẻ là một điều đáng trân trọng. Ở những bài thơ lục bát, nếu Thảo quan tâm hơn đến sự gieo vần thì sẽ hoàn chỉnh hơn”.
Theo Hoài Thu (Daidoanket.vn)