Nhã Phương đóng vai Lam - nữ chính của bộ phim. Ảnh: ĐPCC |
6 năm trước Đà Nẵng chưa có cầu Rồng
Bối cảnh tập 1 của Zippo, mù tạt và em ghi “Đà Nẵng sáu năm trước” nhưng trong phim lại có sự xuất hiện của cầu Rồng và Iphone 5s khiến nhiều khán giả thắc mắc. Ai cũng biết, cầu Rồng là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn, chính thức thông xe vào tháng 3 năm 2013 trong khi Iphone 5s có mặt trên thị trường vào tháng 9 cùng năm.
Khán giả Hoàng Anh hài hước bình luận trên fanpage của bộ phim: “Sáu năm trước mà Đà Nẵng đã có một cây cầu có hình thức giống cầu Rồng tới 100%”, còn một cư dân mạng có nickname Ngọc Cường thắng thắn chia sẻ: “Lấy bối cảnh thời gian như vậy là chưa hợp lý vì 6 năm trước chưa hề có Iphone 5s như một số diễn viên sử dụng và tất nhiên Đà Nẵng cũng chưa thể có cầu Rồng”.
Đà Nẵng cách Hội An như thể 1km
Việc nhân vật Lam – nữ chính của bộ phim do Nhã Phương thủ vai hàng ngày đạp xe đạp đi học ở thành phố Đà Nẵng rồi lại trở về Hội An thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, tức chỗ trọ để bán dưa muối cũng được cho là không hợp lý. Thực tế, Hội An cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, nơi có nhiều trường đại học tới 30 km chứ không phải một vài cây để có thể đi xe đạp hàng ngày.
Trong cổng bình luận của một tờ báo mạng điện tử, độc giả Trần Văn Sơn khẳng định: “Không ai học ở Đà Nẵng lại đi trọ ở Hội An, do vậy chi tiết này rõ ràng là không hợp lý”. Một khán giả khác lại bình luận trên trang cá nhân: “Khoảng cách từ Đà Nẵng đến Hội An tương đối xa, việc Lam đi đi về về làm mình có cảm giác như hai địa danh này chỉ cách nhau khoảng 1km”.
Các diễn viên trong phim đều nói giọng Bắc. Ảnh: ĐPCC |
Bối cảnh miền Trung, diễn viên đều nói giọng Bắc
Bối cảnh phim được quay tại miền Trung nhưng việc toàn bộ diễn viên của phim đều nói giọng Bắc cũng khiến nhiều người xem có cảm giác không thật. Vì thực tế các trường Đại học Đà Nẵng chủ yếu là sinh viên trong địa phận thành phố hoặc những tỉnh miền Trung lân cận.
Đặng Huyền, một khán giả trung thành của phim truyền hình Việt bình luận với Zing.vn: “Việc lấy bối cảnh ở miền Trung mà diễn viên đều nói giọng Bắc, từ sinh viên cho đến người dân địa phương là điều không hợp lý”. Còn cư dân mạng có nickname Mai Mít chia sẻ: ‘Bình thường, nếu bối cảnh miền Bắc thì diễn viên sẽ nói giọng Bắc, bối cảnh miền Nam thì diễn viên sẽ nói giọng nói giọng Nam để khán giả không cảm thấy bất cập. Theo cá nhân mình, diễn viên quần chúng đóng vai người dân địa phương trong phim thì phải nói giọng miền Trung mới hợp lý”.
Lồng tiếng thiếu tự nhiên
Lồng tiếng là yếu tố nhận nhiều phản hồi trái chiều nhất trong phimZippo, mù tạt và em sau 3 tập phát sóng. Ngay phần mở đầu của tập một khán giả dễ dàng nhận thấy việc lồng tiếng cho Hồng Đăng thiếu tự nhiên vì dễ thấy khẩu hình của diễn viên rất nhỏ trong khi âm thanh phát ra lại lớn hơn hẳn.
Khán giả Tâm Bảo bình luận trên fanpage Zippo, mù tạt và em: "Mình không thích lắm về lồng tiếng, giọng cứ na ná nhau làm cho ngữ điệu bị gương”, . Còn nickname Hoa Xuyến Chi thắng thắn nhận xét: “Mình thấy phim hay nhưng giọng lồng tiếng nghe rất khó chịu và thiếu tự nhiên”. Khán giả Tú Nguyễn gay gắt hơn: “Thời buổi nào rồi mà còn lồng tiếng như thế này, thu âm trực tiếp là xu hướng của phim truyền hình hiện nay rồi”.
Ngay phần mở đầu tập 1, khán giả phàn nàn về giọng của nhân vật Sơn do Hồng Đăng thủ vai. Ảnh: ĐPCC |
Chia sẻ với Zing.vn, NSƯT Trọng Trinh – đạo diễn của phim Zippo, mù tạt và emcho biết: “Việc tập 1 của phim ghi bối cảnh của phim là Đà Nẵng 6 năm trướcnhưng lại có Cầu Rồng là chuyện bình thường. Nhiều bộ phim trong và ngoài nước cũng như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu thời điểm quá khứ (tức năm 2016) là 6 năm trước trong bộ phim, còn thời gian hiện tại trong phim là bối cảnh tương lai (tức năm 2022)”. Còn về câu chuyện lồng tiếng, diễn viên Vinh Kiên – người đóng vai Duy “thối” trong phim chia sẻ: “Sở dĩ không thu tiếng trực tiếp vì đoàn làm phim muốn thống nhất tiếng của hai lớp nhân vật, ví dụ như Hồng Đăng và Bình An cùng đóng vai Sơn thì cả 2 người sẽ do một người lồng tiếng”. |
Theo Khuê Tú (Zing.vn)