Nhạc Trúc Phương, Lam Phương là bolero văn minh
Danh ca Bảo Yến luôn thẳng thắn. Chị đã nói thẳng quan điểm của mình về dòng nhạc bolero và các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc đó. Thực ra, Bảo Yến nói hoàn toàn có cơ sở.
Bảo Yến một thời là ca sĩ nổi tiếng cả về thanh và sắc. Ảnh: TL. |
Những người quan tâm đến âm nhạc, nhất là dòng nhạc phổ thông này cũng sẽ thấy chẳng có gì đáng bàn khi Bảo Yến vinh danh Lam Phương, Trúc Phương. Hai vị nhạc sĩ này hoàn toàn xứng đáng. Tôi tin rằng, sẽ có những người trong nghề có chung suy nghĩ với chị.
Trên thực tế, Trúc Phương và Lam Phương luôn được coi là những nhạc sĩ đầu tiên của dòng nhạc và có đóng góp chung cho nền âm nhạc đại chúng Việt Nam thế kỷ 20. Họ xứng đáng được nhắc tới như những bậc thầy của dòng nhạc vốn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng công chúng.
Không chỉ đơn giản, dễ nghe như nhìn nhận chung về dòng nhạc, thông qua ca khúc của hai nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương còn dễ nhìn thấy phần sâu lắng, khổ đau, dằn vặt và có cả những suy ngẫm, chứa đựng những nét tinh tế nhất định. Đồng thời có nhiều bài mang hơi hướm nhạc trữ tình.
Chính vì vậy, những ca khúc của hai vị nhạc sĩ này luôn nhận được sự đón nhận từ người nghe. Họ thuộc cả giới bình dân cũng như một bộ phận tầng lớp trí thức và các tầng lớp khác trong xã hội ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và trên toàn quốc sau này.
Bản thân tôi cũng yêu thích một số ca khúc của hai ông. Nhất là ca khúc của Lam Phương. Cho nên, nếu phải dùng mấy từ ngắn nhất để phân biệt với các ca khúc khác cùng thuộc dòng bolero thì có thể dùng hai chữ "văn minh".
Cũng từ cảm nhận cá nhân, qua những gì danh ca Bảo Yến thể hiện trong các ca khúc, tôi thấy, chị là một con người sống thiên về tình cảm, nội tâm và có chiều sâu. Thế giới tâm hồn chị là một cõi riêng ít ai chạm tới, chỉ có thể cảm nhận thông qua âm nhạc.
Từ đấy cho tôi thấy rằng, trong mắt Bảo Yến, nếu có một cụm từ tôn xưng là “ông hoàng nhạc bolero” thì người ấy phải là Trúc Phương hay Lam Phương, Vinh Sử không có chỗ. Điều đó không khiến tôi ngạc nhiên. Nó phù hợp với thế giới tâm hồn của Bảo Yến. Nó cũng có chung nhận định với những khán giả yêu mến giọng hát của chị cũng như một bộ phận công chúng yêu nhạc bolero.
“Vua” trong lòng khán giả
Bên cạnh những ca khúc được tạm dùng từ "văn minh" như trên, một phổ biến với bolero là các bài mang tính dân dã kiểu thấy gì, nghe gì, thích gì, nghĩ gì viết nấy. Không nhất thiết phải tuân theo quy luật, khúc triết, ca từ mỹ miều, có chiều sâu...
Nhạc sĩ Vinh Sử là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như Nhẫn cỏ cho em, Nhành cây trứng cá, Gõ cửa trái tim, Quên cây cầu dừa... Ảnh: TL. |
Những ca khúc kiểu này có thể dùng hai từ bình dân theo đúng nghĩa đen. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là bừa bãi, vu vơ và ai cũng có thể viết được. Phải là người có biệt tài, có năng khiếu trội bật, hoặc nói theo cách nghệ sĩ phía Nam hay dùng là được Tổ nghề thương thì mới có thể sáng tác được những ca khúc đi vào lòng người.
Đồng thời, muốn sáng tác được một bài có đủ sức lan tỏa để công chúng ghi nhận phải được thẩm thấu qua thời gian từ chính người nghe. Vì chính công chúng mới là người quyết định sự sống còn của tác phẩm.
Ca khúc bolero dân dã thường rất đơn giản, như người ta kể cho nhau nghe một câu chuyện nào đó cao hơn cách nói diễn đạt ở chỗ có giai điệu. Điều tưởng chừng đơn giản đó lại phù hợp với tâm tư, tình cảm và nhu cầu trong đời sống hàng ngày của những người thuộc tầng lớp nhân dân lao động phổ thông trong khi, tầng lớp này lại chiếm số đông trong xã hội.
Chính họ là người nghe và góp phần lan toả những ca khúc mà họ thấy phù hợp, yêu thích. Và thông qua các sáng tác của mình, Vinh Sử là cái tên đáp ứng những điều như vậy. Cho nên, chính khán giả của Vinh Sử đã tôn xưng ông là "ông vua nhạc sến".
Vậy Vinh Sử có xứng đáng không? Có! Ông xứng đáng được nhận từ chính những người đã yêu mến tới mức ngưỡng mộ ông. Thế thì Vinh Sử có đóng góp cho âm nhạc không? Có. Vì ông đã lấp một khoảng trống trong nhu cầu của người nghe nhạc trong một thời điểm. Những sáng tác ấy tiếp tục sống cùng thời gian.
Ở góc độ khác, danh ca Bảo Yến bằng sự yêu mến và tri ân, cũng có “toàn quyền” coi vị trí “ông vua nhạc bolero” là Trúc Phương, Lam Phương, đồng thời “phế truất” Vinh Sử trong lòng chị. Nhưng chị không thể tước đi danh hiệu ấy trong lòng công chúng, những người yêu sáng tác của Vinh Sử. Có nghĩa là những danh hiệu, hay các vị trí chỉ đúng với người/nhóm người này, chưa chắc đã đúng với người/nhóm người kia, điều đó hết sức bình thường.
Vẫn là nhạc bình dân
Khách quan mà nói, cùng với hai vị nhạc sĩ đàn anh được người trong nghề trân trọng Trúc Phương, Lam Phương, Vinh Sử cũng là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới dòng nhạc bolero. Cho dù không hâm mộ ca khúc Vinh Sử nhưng ông là một trường hợp đặc biệt, nên tôi cũng dành thời gian để tiếp xúc.
Nhạc sĩ, Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long. Ảnh: QL. |
Qua một vài trò chuyện luôn có một câu hỏi “Bolero nghĩa là gì?”. Câu trả lời thật gần gũi, tựa như câu nói dân dã ngoài đường phố, trong giao tiếp hàng ngày, nghĩa là: “Bổ lại rẻ”. Tuy nhiên, câu nói này lại mang một hàm ý không hề đơn giản như cách trả lời và thậm chí có thể chính người trả lời cũng không biết về ý nghĩa của nó. Nó chính là những gì cô đọng nhất, có thể coi là một triết lý, hay nói đơn giản hơn là quan điểm, phương châm sáng tác. Nó bao trùm lên toàn bộ các sáng tác của Vinh Sử.
Chính vì vậy, nếu nói trong sáng tác Vinh Sử “đi theo” hay “học hỏi” các nhạc sĩ đàn anh thì chính xác hơn so với từ “ăn theo”. Bởi lẽ, dù đi theo nhưng Vinh Sử vẫn có những nét riêng. Dẫu vậy, trong nghệ thuật không có đúng sai tuyệt đối. Vấn đề là phải đặt nó đúng nơi, đúng chỗ.
Như vậy, để có cái nhìn khách quan hơn với ý kiến của danh ca Bảo Yến và nhạc sĩ Vinh Sử, thông qua câu chuyện này, cần nhìn nhận, về phương diện thẩm mỹ nghệ thuật, ít nhất bolero được phân hai tầng, một tầng hàm chứa sự văn minh nhất định và một tầng hết sức dân dã. Tạm gọi là “văn minh” và “bình dân”.
Có điều từ khi bolero được Việt hóa từ nguồn gốc điệu nhảy ngoại nhập thành một điệu nhạc được gọi theo tên gốc và tên Việt hóa, sau đó có thêm các điệu nhạc khác khiến bolero mang dáng dấp là một dòng nhạc Việt, thì bolero đã là đại diện nhạc đại chúng bình dân. Bình dân có nghĩa phổ cập, ai, tầng lớp và học thức nào cũng có thể nghe được. Nên dù có văn minh thì cũng là “văn minh” trong bình dân hay “bình dân” trong bình dân.
Theo Nguyễn Quang Long (Zing.vn)