Phim chi chít sạn… khán giả tắt tivi
Là một trong những người tán đồng ý kiến của độc giả Yến Lê qua bài viết “Càng xem 'Bão ngầm' càng thấy nhạt, tình tiết dài dòng gây ức chế”, bạn Nguyễn Uy Hung chia sẻ: “Có tập tôi xem thấy nhảm quá nên tắt tivi”.
Điều này chắc không lạ với khán giả truyền hình theo dõi “Bão ngầm” khi nhiều người bức xúc về sạn trong phim. Độc giả biệt danh “Bưởi Vẫn Ngọt” đặt câu hỏi: “Chi tiết ông Đức khi vào thăm Hùng trong bệnh viện (tập 55) đã 2 lần gọi Thuỷ là Lam, không hiểu do sơ suất hay ông Đức đã biết về lai lịch của Lam?”.
Bạn Song Cai cũng bức xúc với sạn này: “Phim làm khá ẩu, còn những tình tiết sạn không đáng có. Ví dụ ở tập 55, Hạ Lam đóng vai trợ lý tên là Thủy, ông trùm lại gọi tên thật Hạ Lam, nói chuẩn bị đi công tác Sài Gòn. Ông trùm mà biết Thủy là Hạ Lam thì chắc cô ấy "bay màu" rồi”.
Bạn Công dân chia sẻ: “Có lẽ phim này cũng nên dừng lại ở con số 53 tập được rồi… Những hạt sạn về sau của phim càng nhiều hơn, đời thuở nào giang hồ dám ngang nhiên theo dõi ngược lực lượng công an và công an phải trốn tránh, chạy vào ngõ thoát thân để giang hồ đâm xe vào người dân và đánh người dân như vậy?”.
Trong khi đó, Phi Yen phân tích: “Không những nhạt, nhàm, nhảm mà nhiều tình tiết ko chuẩn chuyên môn! Một ông cảnh sát điều tra ma túy có năng lực chuẩn bị cơ cấu vị trí Trưởng phòng của 1 sở mà bị bạn gái giận một chút đã đi uống rượu tới mức say bét nhè, không ý thức được và lên giường với nữ đồng nghiệp? Một ông trùm ma túy cấp liên quốc gia mà tuyển em dâu - trợ lý cực dễ dãi rồi giao toàn những báo cáo quan trọng để... phục vụ điều tra! Đúng là hài”.
Tương tự, một khán giả khác nêu ý kiến: “Phim hình sự mà đưa quá nhiều tình tiết tình cảm vào thì kệch cỡm là phải rồi. Các diễn viên trẻ cách diễn thô cứng, kiểu cách gượng gạo không phù hợp với từng tính cách nhân vật. Các vấn đề dường như được giải quyết quá đơn giản khi muốn đưa ai vào đâu là vào được ngay, muốn xỏ mũi ai là xỏ được ngay, bất chấp những kẻ cáo già lâu năm như ông trùm hay trợ lý của ông ta.
Với mỗi nhân vật cụ thể, dường như không có sự ngụy trang hay che giấu cần thiết mà chỉ cần lướt qua đã thấy hết bản chất qua từng hành động nhỏ nhất. Việc sắp xếp thân phận của trinh sát khi xâm nhập vào tổ chức tội phạm được thu xếp quá đơn giản, dựa vào các mối quan hệ cá nhân của các cháu non trẻ và được cả hệ thống chấp nhận dễ dàng và các tình huống được xử lý mang tính chất ứng phó nhất thời theo từng chi tiết cụ thể.
Chuyên môn y khoa dường như cũng không có sự tư vấn của chuyên gia khi bệnh ở trẻ em khiến phải nhập viện thường xuyên lại là căn bệnh lãng xẹt không có trong y văn và không gặp ở trẻ em. Căn bệnh "viêm phổi mãn tính" chưa bao giờ có trong y văn nay lại xuất hiện ngay ở một đứa trẻ và có thể được chữa trị rất đơn giản. Tóm lại, kịch bản kém chất lượng về chi tiết. Chỉ thích phong cách phá cách của các diễn viên lớn tuổi trong phim này”.
Các chiến sĩ công an xem phim… suy nghĩ thế nào?
Đó là câu hỏi độc giả Vấn Trần đặt ra khi chia sẻ góc nhìn của mình với VietNamNet: “Tôi rất đồng ý với ý kiến trên của bạn Yến Lê. Thực sự một phim mang đậm dấu ấn nghề nghiệp đặc thù của ngành đặc thù thì không cho phép có những con người như vậy trong phim. Nội dung phim cần rõ ràng, tính cách nhân vật phải thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ công an. Không hiểu những người chiến sĩ công an xem xong phim sẽ suy nghĩ thế nào?”.
Độc giả Hai thì “chỉ thấy hay và hấp dẫn khi lãnh đạo công an tỉnh làm viêc và xử lý tình huống. Còn công tác điều tra trinh sát không hợp lý. Nhất là mấy nữ công an, người giật người yêu, người phát sinh cảm tình với đối tượng. Cách xử lý tình huống 2 nữ công an này như trẻ con”.
Là người làm trong ngành công an, độc giả Bùi Toản bày tỏ: ''Tôi là một sĩ quan cao cấp trong ngành công an đã nghỉ hưu. Khi xem "Bão ngầm" từ những tập đầu tới tập 25, không biết do kịch bản hay đạo diễn hoặc cố vấn nghiệp vụ mà thấy trong phim có nhiều tình tiết rất vô lý và thiếu tính nghiệp vụ. Đặc biệt là cách xưng hô trong phim như kiểu "xã hội". Ví dụ: Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh mà thường xuyên nói về cán bộ dưới quyền mình là "thằng" nọ thằng kia thì hầu như không bao giờ có ở đời thực. Với những trường hợp như vậy, lẽ ra kịch bản hay đạo diễn có thể sử dụng "cậu X" hay "ông Y"... thì nó phản ánh đúng văn hóa giao tiếp của lãnh đạo cấp cao trong ngành công an''.
Bạn Chulieu Chulieu chia sẻ: “Đang xem hay, háo hức, bỗng nhiên xuất hiện tình tiết yêu đương làm mất đi hình ảnh Hải Triều. Rồi sự trơ trẽn của nữ cảnh sát khiến phim nhạt nhẽo… mất đi tính hấp dẫn, không còn ngóng xem như những tập đầu”.
Trananh Le phân tích cặn kẽ những hạt sạn trong kịch bản, nội dung cốt lõi của bộ phim cũng như tình tiết vô lý từ từng nhân vật: “Tôi xem đến tập 50 thì không muốn xem nữa. Không hiểu nội dung các tác giả phim và tiểu thuyết muốn truyền tải đến khán giả là gì? Liệu bộ phim có mang tính giáo dục và mang tính Chân - Thiện - Mỹ của nghệ thuật? Liệu các nhân vật trong phim có phản ánh hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân? Bỏ qua các nhân vật công an phản diện như: Thượng tá Tuất, đại úy Lâm, chúng ta điểm qua một vài nét chấm phá của các nhân vật chính diện:
- Hải Triều: vô kỷ luật, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống: bức xúc với người yêu rồi lên giường với đồng nghiệp; không yêu Hải Yến nhưng cũng chẳng dứt khoát.
- Hạ Lam: không có một chút bản lĩnh nào, yêu Hải Triều khi còn chưa biết anh ta là ai? Lại yêu tiếp đối tượng mình đang tiếp cận là bác sĩ Hùng mà cũng chưa hiểu hết về anh ta. Con gái kiểu đó có phải là sống dễ dãi, buông thả hay không?
- Ông Hoạch, ông Hà: không nắm bắt được cấp dưới như Tuất, Lâm… Biết Tuất quan hệ với đại gia Quách Đại Đức … cũng không hề có động thái kiểm tra, giám sát gì? Nếu lực lượng công an như vậy sao có thể lập những chiến công?
Tôi cũng không hiểu tiểu thuyết Bão ngầm theo trường phái nào: văn học cách mạng, văn học hiện thực phê phán hay văn học lãng mạn…? Không hiểu tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm này là gì nên tôi quyết định không xem nữa cho đỡ bực mình”.
“Phim hình sự hay hiếm thấy”
Hoàn toàn trái ngược với những ý kiến “nhặt sạn” hay chê trách kể trên, một bộ phận không nhỏ khán giả VietNamNet lại ủng hộ “Bão ngầm”. Bạn đọc từ địa chỉ email ***@gmail.com bày tỏ: “Với tôi đây là bộ phim hình sự hay hiếm thấy trên truyền hình Việt Nam. Các cảnh quay đạt trình độ kỹ thuật rất cao, không phô như nhiều bộ phim khác.
Bộ phim lột tả rất chân thực mà ít nhân cách hoá các nhân vật đều mỹ mãn nhưng không thực tế như đa số các phim khác, khiến nhân vật trở nên quá giả tạo, cảm thấy thất vọng. Tóm lại phim rất hay. Xin cảm ơn nhà biên kịch, đạo diễn, các kỹ thuật viên quay phim, diễn viên... đã cho chúng tôi được xem bộ phim hình sự hay nhất từ trước tới nay”.
Tán đồng ý kiến này, độc giả Hồ Bích khẳng định: “Phim hay và hấp dẫn đấy chứ! Màn ảnh và đời thực sẽ có cái khác nhau, nghệ thuật có hư cấu mới thu hút được người xem”.
Bạn đọc địa chỉ email: sangtaovicuocsong@gmail... viết: ''Tôi nhận thấy bài viết của độc giả và cùng nhiều comment của các bạn khác toàn thấy chê bộ phim mà không thấy một lời nào khen. Tôi ý kiến ngược lại đó là bộ phim rất hay. Nếu các bạn cảm thấy bộ phim tệ không bắt buộc phải xem các tập còn lại để đỡ khó chịu và những khán giả yêu thích khác tiếp tục xem''.
Độc giả có số điện thoại 84983010... lên tiếng ủng hộ bộ phim: ''Trong phim có nhiều diễn viên của cả nước từ Nam đến Bắc tham gia diễn xuất, rất nhiều người có cảm tình với các diễn viên trong phim ví dụ như diễn viên Cao Thái Hà trước khi nhận vai diễn thì chị đã ra Hà Nội để tham gia lớp võ thuật 3 tháng để phục vụ cho vai mà chỉ đảm nhận.. và rất nhiều diễn viên khác đã làm tròn vai diễn xuất sắc của mình...''.
Bất cứ bộ phim giờ vàng nào cũng phải đối mặt với những khen - chê từ khán giả. Nguyên nhân bởi góc nhìn của mỗi người khác nhau! Chỉ hy vọng các nhà sản xuất phim, các đạo diễn, diễn viên… đều cầu thị trước những góp ý của người xem để phim càng hay, càng chất lượng!
Theo Lê Cúc (VietNamNet)