Đêm nhạc không thể thiếu bài đầu tiên đánh dấu sự kết hợp của Bằng Kiều và Minh Tuyết Giờ thì anh đã biết (Thái Thịnh) - một bản rock ballad giàu năng lượng khác với các màn kết hợp trữ tình nam nữ thường thấy thời đó khiến cho cặp song ca lập tức được chú ý.
Do số lượng bài làm nên tên chung hơi nhiều nên Bằng Kiều và Minh Tuyết phải phối thành các liên khúc nhạc xưa, nhạc của những năm 2000 và "nhạc nay". Họ cùng nắm tay nhau hát Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân) và Xem như em chẳng may (Trung Ngon) và có màn bè phức điệu bùng nổ về cuối khiến khán giả phấn khích.
Ngoài ra Minh Tuyết còn đơn ca Ai chung tình được mãi (Đông Thiên Đức) với phong cách thổn thức vốn có. Trong khi Bằng Kiều tỏ ra rất tâm huyết trong làm mới Một đêm say (Thịnh Suy) với đầy đủ các sắc thái của acoustic và dàn nhạc.
Nói chung khán giả tỏ ra rất khoái khi chứng kiến những giọng ca gạo cội hát những bài hát phổ cập của hôm nay. Kể cũng đáng nghe khi thế hệ 7X lại có cách trình diễn nội lực, hết mình khác hẳn với sự nhỏ nhẹ của lối hát đang thịnh hành trong lớp ca sĩ trẻ - mà Nguyên Hà là một đại diện diện tiêu biểu.
Sân khấu lớn đang khá nồng nhiệt đón chào những bản hit của các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, cũng bắt đầu “chấp nhận” những giọng ca mới như Uyên Linh, Trung Quân Idol rồi Lân Nhã, Hà Nhi… bên cạnh thực đơn quen thuộc với những diva, divo.
Những giọng ca trẻ đem lại một làn gió mới, tất nhiên không phải lúc nào cũng đủ mạnh để có thể làm đối trọng với các đàn anh đàn chị giàu kinh nghiệm. Có thể mỗi bên đang giữ những thẩm mỹ riêng trong làm nghề và điều đó không tệ.
Lính mới vẫn phải tìm cách đo được “nhiệt” của khán giả mà mình đang “phục vụ”. Và không phải ai cũng đủ linh hoạt, bản lĩnh cũng như tài năng để làm được điều đó. Khi gặp đối tượng khán giả mới, họ chỉ có giọng hát để làm quen. Nếu không sớm chinh phục để có những người hâm mộ mới, giọng ca trẻ rất dễ bị các anh chị không chỉ lấn át mà còn “cướp hit” luôn.
Vì thế việc được giọng ca gạo cội hát bài của mình cũng đáng lo. Trừ khi chủ nhân đã tìm đủ các cách để khai thác hết các tiềm năng hit của mình. Vì thế thỉnh thoảng có vụ nghệ sĩ trẻ “xù lông” khi có người hát hit của mình lại không xin phép là điều dễ hiểu.
Khán giả ngoài hâm mộ ca sĩ rõ ràng còn dành sự cuồng nhiệt cho bài hit. Họ sẽ hát theo bất cứ bài nào họ thích và thuộc, không quá quan trọng ai hát. Chẳng hạn Minh Tuyết hát chưa hẳn đã hợp với Ai chung tình được mãi nhưng vẫn được khán giả hưởng ứng bằng dàn đèn pin điện thoại. Cũng tương tự với những bản chuẩn là hit của người hát như Cơn mơ băng giá - Bằng Kiều hay Tình thôi xót xa - Lam Trường.
Lam Trường có mặt trong đêm nhạc với tư cách là “người tình âm nhạc” đầu tiên của Minh Tuyết trong bài Em đâu biết - được giới thiệu là nhạc ngoại được Lam Trường đặt lời Việt.
Minh Tuyết kể bài hát có tên này vì khi nhà sản xuất của hãng Kim Lợi là nhạc sĩ Minh Vy (anh rể của cô) hỏi bài tên gì thì cô đáp: “Em đâu biết đâu”. Minh Vy lấy luôn câu trả lời đó làm tên. Đó là thời mà ca sĩ được o bế, được trả tiền để hát mà không phải lo phối khí, thu âm hay quay MV... gì cả.
Không khí phấn khích Tình thôi xót xa mang lại đưa chúng ta về một thời “oanh liệt” của nhạc Việt với sự nổi lên của Lam Trường, Phương Thanh… Vai trò của họ đáng ghi nhận trong thời kỳ bản lề của Vpop: từ hoàn cảnh bị nhạc Hoa (lời Việt) lấn át cho đến khi có những bản hit thuần Việt được khán giả đón nhận cuồng nhiệt cho đến tận bây giờ.
Khi giai điệu quen thuộc ấy vang lên, người ta không khỏi “xót xa” về vụ lùm xùm liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ - thời đó còn là khái niệm hết sức mới mẻ. Có thể hiểu việc đặt lời Việt cho nhạc ngoại khi đó thịnh hành và trở nên tự nhiên đến mức một số nhạc sĩ cảm thấy chỉ cần viết lời trên một giai điệu sẵn có đã có thể đứng tên tác giả được rồi.
Nhìn lại thì thấy giai đoạn chuyển tiếp này được ghi dấu không chỉ bằng những bài hát đình đám giúp ca sĩ gây dựng sự nghiệp mà còn cả những tên tuổi đáng tiếc đã “ngã xuống” gây tổn thất cho đại cục.
Vpop đã tiến những bước dài kể từ thời phải “nhập” ca khúc cho đến hôm nay đã “xuất khẩu” dù vẫn theo đường mạng xã hội chưa được chính ngạch cho lắm.
Việc được ca sĩ nước ngoài hát bài của mình nhất là lại hát chùa xem ra cũng chỉ được tiếng mà mất miếng. Vì cứ xem Lam Trường, Minh Tuyết... đều có thời kỳ “sống” bằng các bài nhạc Hoa lời Việt, kể cả Bằng Kiều cũng có Tình đơn phương 2. Rồi Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương một giai đoạn còn nổi như cồn bằng nhạc Thụy Điển hay Ukraine... khán giả Việt đâu cần để ý ai là người chủ nhân bài hát gốc.
Vì vậy việc trước mắt mà Vpop cần làm lúc này là phải khiến cho thế giới gọi đúng tên bài hát, tên ca sĩ như kiểu See tình hay Hoàng Thùy Linh chứ không phải chỉ nhảy theo "Tingting tangtang" cho vui rồi lại quên ngay.
Theo N.M.Hà (Tiền Phong)