Thông tin “Bắc kim thang” qua ải kiểm duyệt mà không mất một cảnh nào khiến khán giả trở nên hồ nghi nhưng cũng không khỏi tò mò. Làm thế nào một bộ phim kinh dị hứa hẹn sẽ mang tới nhiều bất ngờ cho điện ảnh Việt trong năm nay có thể an toàn ra rạp mà vẫn giữ được nguyên bản sự kinh dị của nó? Câu trả lời đã được lý giải khi bộ phim được công chiếu sớm vào tối 24/10.
Chắc hẳn khán giả vẫn còn nhớ “Thất sơn tâm linh” đã được chào đón như thế nào vào hồi đầu tháng 10, khi mà phim càng bị cắt thì càng được khán giả lên tiếng ủng hộ. Sở dĩ “Thất sơn tâm linh” gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm duyệt bởi phim động chạm đến vấn đề tâm linh, mê tín dị đoan khá nhạy cảm, bên cạnh đó phim còn chứa nhiều cảnh bạo lực đẫm máu, cảnh khỏa thân nóng bỏng của các diễn viên nữ… Nhưng như một lực hấp dẫn, những thứ càng bí ẩn càng trở nên lôi cuốn. Và sự thành công của “Thất sơn tâm linh” đã phần nào giúp công chúng chú ý hơn vào dự án “Bắc kim thang” ra mắt 2 tuần sau đó.
Không truyền tải nội dung tâm linh nặng nề hay cảnh máu me rùng rợn, “Bắc kim thang” đi theo kịch bản tâm lý - kinh dị. Sự kinh dị của phim chủ yếu đến từ cách khai thác tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, những màn hù dọa bất ngờ kèm tiếng động và âm thanh chói gắt để khiến khán giả giật mình - cách làm quen thuộc của thể loại này mà chúng ta dễ thấy trong bất kì bộ phim khác. Tuy nhiên nếu chỉ có từng nấy ngón bài kinh dị thì bộ phim sẽ chẳng đáng xem, “Bắc kim thang” gây tò mò chủ yếu từ bài hát chủ đề - cũng là tên phim, và nội dung đưa khán giả vào mê cung thật giả - vật lộn đi tìm câu trả lời thực cho đến phút cuối.
“Bắc kim thang” vốn là bài đồng dao quen thuộc với nhiều thế hệ, bài hát cửa miệng của đám trẻ từ Bắc vào Nam, nhưng lại ít ai biết đến ý nghĩa thực sự của ca khúc này. Khi cái tên “Bắc kim thang” xuất hiện trên tấm poster một phim kinh dị chiếu rạp, người ta lại nhanh chóng suy luận ca khúc này chắc hẳn gắn với một truyền thuyết ma quỷ, đặc biệt khi xem xong trailer của phim. Nhưng để thực sự xem phim thì khán giả không thể là những người đồn đoán mà cần biết chắc chắn về ý nghĩa ca khúc đó.
“Bắc kim thang” là câu chuyện cảm động về tình bạn của chú bán dầu và chú bán ếch. Chuyện kể, 2 người bạn nhà ở trên một cù lao ven sông cách xa khu dân cư nên mỗi lần đi chợ đều phải đi qua 1 cây cầu mộc. Một hôm anh bán ếch đi bắt ếch ban đêm, vô tình nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của le le và bìm bịp phát ra từ 1 cái bẫy trên đồng, chúng van xin anh bán ếch hãy cứu chúng đi rồi có ngày nhất định sẽ trả ân. Vốn bản tính hiền lành, anh bán ếch lập tức thả 2 con vật. Thoát bẫy, mấy hôm sau le le và bìm bịp đến tìm anh bán ếch để cảnh báo một tai họa sắp xảy ra, chúng nghe thấy 2 con ma da dưới sông bàn nhau lấy mạng anh bán dầu va anh bán ếch để hóa kiếp đầu thai.
Phép thuật ứng nghiệm trong vòng 7 ngày nên 2 anh phải tránh chớ có đi chợ vào lúc rạng sáng. Vì không tin lời bạn, cho là mê tín dị đoan mà anh bán dầu đã té ngã xuống sông vào ngày cuối cùng yểm phép của ma da. Anh bán ếch hay tin chạy đi vớt xác bạn mình làm tang lễ. Thấy ân nhân cứu mạng đau khổ vì mất bạn, le le và bìm bịp mới đánh trống thổi kèn cùng tiễn đưa. Dù giờ đây cách xa 2 thế giới nhưng tình cảm của 2 người bạn vẫn bền chặt, gắn bó keo sơn như dây lang dây bí cột trên cây kim thang.
Biết được tường tận nội dung của bài đồng dao chính là đã giúp khán giả hiểu được 60% nội dung chính tác phẩm của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Tinh ý hơn, nó còn giúp gỡ được nút thắt và tìm ra đáp án chính xác của phim khi quá nhiều giả thiết được đưa ra làm người xem rối trí. “Bắc kim thang” xoay quanh nhân vật Thiện Tâm (Trịnh Tài), quay trở về nhà sau 6 tháng nằm viện do tai nạn. Vì là cháu đích tôn của dòng họ nên lần trở về này đồng thời cũng là cơ hội tiếp nhận gia tài ông nội để lại cho mình. Tuy nhiên, kể từ khi trở về nhà, nhiều chuyện khác lạ liên tiếp xảy ra, đặc biệt là sự biến mất đầy bí ẩn của cô em họ Hai Lầm (Minh Hy) và lời kể mỗi lúc một khác của các thành viên trong gia đình đã khiến Thiện Tâm hoài nghi và quyết tìm ra sự thật cho bằng được.
Bộ phim đan xen hình ảnh giữa hiện tại và quá khứ theo một lộ trình gợi mở tình tiết hợp lý và hấp dẫn. Những cảnh hù dọa kinh dị không quá ám ảnh mà chủ yếu khiến người xem giật mình. Bù lại, không khí kì bí được dàn phủ đều khắp phim trong ngôi nhà đậm chất miền Tây Nam Bộ giữ được khán giả ngồi trên ghế với trạng thái căng thẳng cao nhất trong suốt gần 90 phút.
Phim không đi vào lối mòn u tối, ánh sáng được điều chỉnh phù hợp giữa các cảnh phim để tạo sự bí ẩn, sợ sệt, nhưng không quá tối đến phát bực khiến người xem phải căng mắt cũng không nhìn rõ. Mặc dù đưa ra rất nhiều giả thiết cho sự mất tích của Hai Lầm, mà qua lời kể và diễn xuất của nhân vật nào cũng thấy có sự hợp lý, nhưng đạo diễn cũng rất tinh tế cài cắm những chi tiết theo kiểu dấu vết cho người xem lần tìm ra sự thật. Nếu tập trung và xâu chuỗi tốt, bạn sẽ không quá bất ngờ khi bị đánh úp vào cú twist lật bài cuối phim.
Cách chọn diễn viên của Trần Hữu Tấn cũng góp phần khiến “Bắc kim thang” ghi điểm. Chất miền Tây Nam Bộ được củng cố thêm bởi dàn diễn viên lão làng, dày dặn kinh nghiệm diễn xuất, tạo cho phim một background tin cậy. Trong khi đó, 2 nhân vật linh hồn của phim lại được giao vào tay 2 diễn viên trẻ mới toanh. Sự lựa chọn này vừa đem đến cảm giác mới mẻ, tò mò lại tăng thêm gấp bội kì vọng với khán giả. Có thể thấy Minh Hy và Trịnh Tài tuy đều trẻ nhưng không hề bị non và đều là những gương mặt triển vọng của điện ảnh Việt trong tương lai.
Vẫn là câu chuyện “trọng nam khinh nữ” trong văn hóa phong kiến phương Đông, nhưng có vẻ như đạo diễn “Bắc kim thang” đã biết cách sử dụng vừa đủ chất liệu đó cho bộ phim của mình để giúp nó sinh động và chân thực. Nó là cái cớ hay để khơi dựng kịch bản, chứ không phải đề tài để phim sa đà đến tận cùng vào bi kịch thân phận một phụ nữ. Vì thế khúc cua của phim có thể ban đầu sẽ đem lại cảm giác hơi vấp, nhưng về sau khán giả sẽ nhận thấy nó là một cái kết dễ chịu và dễ chấp nhận hơn những nhận định ban đầu.
“Bắc kim thang” công chiếu trên toàn quốc từ 25/10.
Trúc An (SHTT)