"Bà Tưng khoe kiến thức" là những người có hiểu biết và thích sử dụng ngôn ngữ để làm đau người khác.
Như một hiệu ứng dây chuyền, ngay sau đó có rất nhiều cô gái trẻ khác cũng chọn cách này để hy vọng được nổi tiếng nhưng không tạo được hiệu ứng như mong muốn.
Không phải vì các cô không đẹp, cũng chẳng phải các cô “thiếu trước hụt sau” mà bởi lẽ thời của “Bà Tưng khoe thân thể” đã qua.
Tiếm ngôi đó, những “Bà Tưng khoe kiến thức” lù lù xuất hiện. Lẽ dĩ nhiên người mới cũng chẳng khác gì người cũ ở độ táo bạo, chịu chơi và... chịu khoe.
Bằng con mắt và sự hiểu biết nhất định của bản thân về thời trang, âm nhạc và thế giới showbiz, họ lần lượt biến NSƯT Thành Lộc, Vân Hugo, Hari Won, Lý Nhã Kỳ, người mẫu Hà Anh, ca sĩ Thủy Tiên, Đông Nhi, Tóc Tiên... thành đề tài để nhận xét, đánh giá.
Nếu Thủy Tiên bị chê mặc đồ ngày càng xấu, Vân Hugo mặc váy như bà ngoại của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch thì Đông Nhi lại được “cất nhắc” lên chức bà ngoại của Ông Cao Thắng chỉ vì một chiếc váy vàng lòe xòe.
Trong khi đó, Hari Won, Tóc Tiên đang “hot”, chạy sô điên đảo không kịp thở bỗng bị phán thẳng tưng: không nên đi hát.
Chắc người trong cuộc nghe được cũng sầu.
Chưa dừng lại ở đó, trong khi nhận xét, cả ba còn thường xuyên cười cợt sặc sụa một cách rất... khả ố. Chính cách hàng xử thiếu chuyên nghiệp đã làm "Những kẻ lắm lời" càng trở nên vô duyên và phản cảm hơn bao giờ hết.
Nghe mớ âm thanh ấy, tôi trộm nghĩ, có khi họ chẳng cần nói gì, chỉ cần nhìn ảnh nghệ sĩ và cười như họ vẫn thế cũng đủ để khiến những cái tên nổi tiếng phải chạnh lòng.
Nên nhớ, Những kẻ lắm lời không phải là chương trình đầu tiên đưa ra những nhận xét về lối sống, sự nghiệp, gu thẩm mỹ... của nghệ sĩ. Nhưng, nó là chương trình đầu tiên để sự dễ dãi trở thành tinh thần xuyên suốt.
Những “Bà Tưng khoe kiến thức” ấy quá khắt khe với người khác trong khi lại quá dễ dãi với chính mình. Họ ngang nhiên dụng từ ngữ như một thứ vũ khí gây tổn thương cho người nổi tiếng một cách không áy náy.
Đành rằng, khi hoạt động trong giới giải trí, Đông Nhi, Tóc Tiên hay Thủy Tiên đều phải học cách chấp nhận những phản hồi của dư luận. Nhưng, chẳng ai có quyền bắt họ chấp nhận những nỗi đau.
Những kẻ lắm lời thô bạo đến mức một người vốn kín tiếng, làm ngơ trước những ồn ào của showbiz như Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng phải thốt lên: “Please stop the show! Don’t hurt others by “your bad languague" (tạm dịch: Làm ơn dừng chương trình lại! Đừng làm đau người khác bằng lời nói thô tục của bạn)”.
Tất nhiên, khi viết tới những dòng này, tôi vẫn nhớ Những kẻ lắm lời không phải là một chương trình truyền hình.
Nó chỉ là một sản phẩm trau chuốt được tung lên mạng internet trước là để thỏa mãn ý tưởng của người nghĩ ra, sau đó là phục vụ cho những đối tượng quan tâm.
Format này không lạ, thế nên với những kẻ sinh sau đẻ muộn, việc gây chú ý là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là lý do khiến Những kẻ lắm lời trước còn hiền lành, có lý lẽ, lâu dần bỗng trở nên phi lý và lộng ngôn.
Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai yêu cầu những “Bà Tưng khoe kiến thức” phải khoác lên mình chiếc áo đạo đức bởi nó chắc chắn quá cũ kỹ và rộng rãi với chính họ.
Theo Bông Hoa (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)