Showbiz Việt cuối năm 2017 rơi vào cảnh lục đục chưa từng có. Ồn ào quanh việc hàng loạt ca sĩ lên tiếng phản đối Chi Pu đi hát còn chưa kết thúc thì những phát ngôn gây sửng sốt mới lại nổ ra từ chuyện Miu Lê.
Fan hâm mộ được dịp tổng tấn công lẫn nhau. Còn những khán giả không phe nhóm chỉ biết ngán ngẩm khi những thứ đáng xem, đáng nghe thì hiếm hoi mà nhìn đâu cũng chỉ thấy cãi vã, mắng mỏ, miệt thị, hạ thấp giữa những người được gọi là đồng nghiệp.
Người khai ngòi nổ có lẽ là Hương Tràm. Quán quân The Voice phiên bản Việt mùa đầu tiên từ nói bóng gió trong một dòng trạng thái trên trang cá nhân đã chuyển sang nói thẳng về việc Chi Pu đi hát, rằng: "Thật không hiểu tại sao cô ấy vẫn tiếp tục làm điều đó? Tôi không thể hiểu nổi."
Nặng lời hơn, Văn Mai Hương bức xúc: "Một sự sỉ nhục cho những người làm nghề chân chính như tôi". Uyên Linh thì hóm hỉnh: "Tôi chưa nghe Chi Pu hát, nhưng nói thật tôi cũng chẳng muốn nghe, nói rõ hơn là nghe không nổi đâu".
Cá biệt có ca sĩ Minh Quân sau nhiều năm im hơi lặng tiếng trong showbiz bỗng nhiên kêu gọi Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải cấp thẻ hành nghề cho những nghệ sĩ chân chính để ngăn ngừa việc những người không biết hát như Chi Pu ngang nhiên đứng trên sân khấu.
Hương Tràm, Văn Mai Hương hay Uyên Linh có đủ tư cách nhận xét Chi Pu hay không? Có.
Bởi họ là những ca sĩ chuyên nghiệp, là những người đã có nhiều năm đứng trên sân khấu, được khẳng định bằng những giải thưởng, những danh hiệu cùng hàng loạt những sản phẩm âm nhạc có giá trị chuyên môn bền vững chứ không phải những bản hit nhất thời.
Nhưng việc công khai "ném đá" Chi Pu có phải là cách ứng xử hay giữa những người đang hít thở trong cùng bầu khí quyển showbiz Việt?
Vì sao Hương Tràm hay Văn Mai Hương lại bức xúc đến vậy trước hiện tượng Chi Pu? Họ lo lắng cho tương lai của nhạc Việt ư?
Họ lo lắng khán giả sẽ bị ô nhiễm âm thanh ư? Hay họ lo lắng những ca khúc của họ sẽ bị những MV "không nghe nổi" của Chi Pu đàn áp trên các bảng xếp hạng? Nếu đó là lý do thì sự lo lắng của họ đã thừa thãi rồi.
Chi Pu đi hát là quyền của cô ấy. Cô ấy không ép ai nghe nhạc của mình. Người nghe nhạc là fan của Chi Pu. Họ có quyền yêu thích và ủng hộ thần tượng của mình bất chấp hay dở. Ai nghe cứ nghe, ai không nghe thì cứ không nghe.
Khán giả không hề tầm thường như nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đang lớn tiếng chỉ trích. Bởi nếu khán giả tầm thường, show của Thanh Lam, Tùng Dương, Mỹ Linh, Hồng Nhung... làm gì có ai nghe.
Cũng như vậy, fan của Hương Tràm hoặc những ai thích giọng hát của Hương Tràm sẽ khó có thể yêu thích giọng hát của Chi Pu nên Hương Tràm chẳng có gì phải ngại. Một Chi Pu chứ mười Chi Pu thì cũng thế mà thôi.
Nói như ca sĩ Duy Mạnh thì "nhạc Việt lúc nào chả thượng vàng hạ cám". Lỗi chẳng ở Chi Pu. Có khi lỗi còn nằm ở Hương Tràm. Bởi một giọng hát "khủng" như cô mà chỉ quanh quẩn với "Em gái mưa" thì tầm thường quá.
Nếu những ca sĩ có thực lực như cô dành thời gian tâm sức đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc đẳng cấp hơn thay vì nhấp chuột vào clip Chi Pu hát rồi bức xúc nguyên ngày, thì biết đâu tỉ lệ vàng – cám trong showbiz đã có sự thay đổi tích cực.
Song, dường như, sự kiêu hãnh của những nghệ sĩ có thực lực trong showbiz lớn đến mức họ không đủ rộng lượng để chấp nhận hay quan tâm một cách có chừng mực đến những đồng nghiệp có xuất phát điểm và khả năng thấp kém hơn mình.
Đó là lý do mà Chi Pu chưa hết nóng thì Miu Lê đã được bỏ thêm vào "lò lửa".
Không thể phủ nhận, một "producer" tài ba như Dương Cầm có đầy đủ điều kiện để không thừa nhận tư cách ca sĩ của Miu Lê.
Cũng như một ca sĩ có đến 20 năm cầm mic và dư năng lực để có thể dạy dỗ các ca sĩ trẻ "đáng tuổi cháu" như Nguyễn Ngọc Anh hoàn toàn đủ trình độ phát ngôn về Miu Lê, Chi Dân, Only C. Nhưng phát ngôn như thế nào lại là một câu chuyện khác.
Sau khi tuyên bố "Tôi không biết Chi Dân, Only C là ai" và "nhạc cỡ Chi Dân, Only C mà cũng nổi tiếng, đúng là như cái chợ", Nguyễn Ngọc Anh ngay lập tức bị khán giả phản pháo. Cô nhận về đúng câu hỏi tương tự: "Nguyễn Ngọc Anh là ai, tôi không biết".
Tất nhiên, vị khán giả không biết Nguyễn Ngọc Anh là ai kia phải tự đi tra google thôi. Nếu vị đó chỉ nghe Miu Lê hát thì tất nhiên khó có thể biết Nguyễn Ngọc Anh là ai.
Và Nguyễn Ngọc Anh cũng cần tra google để biết Chi Dân, Only C là ai, họ đã đạt những thành tích gì và vì sao họ lại nổi tiếng.
Tương tự như vậy, Miu Lê cần tra google để biết Dương Cầm là ai. Anh ấy đã làm nhà sản xuất của những show diễn lớn nào, các danh ca cỡ Khánh Ly, Tuấn Ngọc, các Diva cỡ Lam – Nhung – Linh – Hà, Tấn Minh, Tùng Dương... đã tín nhiệm anh ấy ra sao.
Còn nếu Miu Lê tra google mà chỉ ra đàn piano thì cô cần xem lại kĩ năng tra cứu và kiến thức về đời sống âm nhạc đương đại tại Việt Nam thay vì đắc chí với việc Dương Cầm kém nổi tiếng hơn mình.
"Anh là ai, tôi không biết, anh đi ra đi", Miu Lê đã viết như vậy trên trang cá nhân ngay sau khi bị Dương Cầm "tạt gáo nước lạnh vào mặt". Miu Lê chỉ biết đến đàn piano thôi và cô ấy đã nói thẳng nói thật. Cũng như Nguyễn Ngọc Anh nói thẳng nói thật là không biết Chi Dân lẫn Only C.
Và cũng như Chi Dân nói thẳng nói thật là không biết Nguyễn Ngọc Anh. Họ không biết nhau. Việc không biết nhau trong một showbiz mênh mông vàng cám không phải là một cái tội.
Song, giữa thời đại của những cú nhấp chuột, cố tình không biết về nhau là một thái độ rất đáng... quan tâm. Nó dễ được hiểu thành sự coi thường lẫn nhau, miệt thị sâu cay nhau hơn là một sự dửng dưng việc ai nấy làm, tên ai nấy sáng.
Và thế là thâm cung nội chiến showbiz cứ thế nổ ra.
Dương Cầm đã xin lỗi về phát ngôn quanh Miu Lê. Nhưng giá như ngay từ đầu anh bớt đi một chút cực đoan với những ca sĩ trẻ có đam mê lớn hơn năng lực.
Là một nhà sản xuất, Dương Cầm hẳn chẳng lạ gì việc hàng chục, thậm chí hàng trăm người hát dở vẫn cứ là ca sĩ, thậm chí nổi tiếng, thậm chí giàu có nhờ ca hát.
Nguyễn Ngọc Anh nhiều năm hoạt động tại Sài Gòn và tham gia các gameshow, cô đâu lạ gì vàng cám ở cái chợ showbiz Việt.
Nhận xét về những đàn em theo cách thẳng tưng như Dương Cầm, Nguyễn Ngọc Anh hay như Hương Tràm, Văn Mai Hương không sai nhưng nó không đúng ở vị thế của "đàn anh, đàn chị".
Đàn anh, đàn chị thì luôn cần sự bao dung, rộng lượng, sẵn sàng chỉ bảo, sẵn sàng nhường bước và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự thấp kém tạm thời.
Họ cũng cần chấp nhận mọi dòng chảy quanh mình, chấp nhận mọi sở thích của khán giả và tôn trọng thị trường như nó vốn có thay vì thể hiện vị thế và lòng kiêu hãnh vị kỉ của bản thân, lấy đó làm cớ cho sự khắt khe, cho thái độ phủ nhận cực đoan đến hẹp hòi.
Khán giả thì vẫn cứ vậy thôi. Nếu họ có nghe Miu Lê hay Chi Pu, hay "Anh không đòi quà" thì có thể chỉ vì họ tò mò, hay đơn giản hơn nữa là vui tai thì nghe thôi.
Họ có thể chẳng phải fan Chi Pu, cũng không phải fan Hương Tràm, không thích nhạc Only C mà cũng chẳng thích nhạc Dương Cầm. Nhưng họ vẫn biết những cái tên đó là ai vì họ tra google.
Các sao Việt cũng nên như vậy. Dành thời gian để tra google, để biết nhau, hiểu nhau và chấp nhận sự tồn tại của nhau.
Khi đã chấp nhận sự tồn tại của nhau, họ sẽ bớt đi những quan tâm thiếu chừng mực và phí thời gian vào những thứ khác mình, những người khác mình, dành thời gian đó cho lao động nghệ thuật phục vụ khán giả của mình.
Và nếu có ai lỡ miệng hỏi "anh là ai, tôi không biết", thì hãy học cách Mai Ngô đề nghị "Hãy google search tên tôi". Dại gì mà đáp trả tương tự để phơi bày sự thiếu hụt kiến thức công nghệ tối thiểu của mình ra trước công chúng.
Theo H.H (Helino)