Trong khi một vài đạo diễn sử dụng lịch sử như một chất liệu nền để phóng tác bộ phim của mình, một vài người khác lại có xu hướng trung thành với lối kể chuyện chi tiết và chính xác sự kiện đã xảy ra.
Không phải lúc nào khán giả cũng có cơ hội chứng kiến lịch sử chân thật qua màn ảnh, bởi để làm một bộ phim lịch sử "nguyên chất" mà vẫn gần gũi, mềm mại và đi vào lòng người quả thực không phải việc dễ dàng. Tuy nhiên 10 tác phẩm dưới đây đã làm được điều đó.
Tora! Tora! Tora! (1970)
Trận Trân Châu cảng được xem là một trong những sự kiện có tác động lớn nhất tới lịch sử Hoa Kì và Nhật Bản. Khán giả hầu như chỉ biết đến bộ phim "Pearl Harbor" (Trân Châu Cảng) nổi tiếng thế giới năm 2001, mượn bối cảnh chiến trận để kể câu chuyện tình yêu thời chiến, mà ít người biết đến "Tora! Tora! Tora" mới chính là bức tranh lịch sử chân thực được bộ 3 đạo diễn Richard Fleischer, Kinji Fukasaku, Toshio Masuda đưa từ trang sách lên màn ảnh.
Dự án này là một quyết định đột phá khi đưa cả 2 phía câu chuyện vào 1 tác phẩm, biến nó trở thành sản phẩm chung của 2 quốc gia. Các nhà làm phim đã kì công nghiên cứu và thu thập nhiều nguồn tài liệu để đảm bảo tính chính xác và khách quan của trận chiến.
"Tora! Tora! Tora" thuật lại diễn biến cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nhật Bản vào Cảng Trân Châu của Mỹ khi nước này chủ quan và thiếu đề phòng nhất. Tiêu đề của bộ phim "Tora! Tora! Tora!" là phiên âm tiếng Nhật để chỉ sự hoan hỉ thành công, đồng thời cũng có nghĩa là "con hổ".
A Night To Remember (1958)
Trước khi thế giới biết đến chuyện tình Rose - Jack của Kate Winslet và Leonardo Dicaprio trong "Titanic" - bộ phim thế kỉ do James Cameron đạo diễn, sự kiện đắm tàu bi thảm nhất trong lịch sử hàng hải đã từng được thuật lại từ năm 1958 trong "A Night To Remember".
2 bộ phim có sự khác nhau rõ rệt trong cách khai thác câu chuyện. Trong khi James Cameron cùng ngân sách khổng lồ nhấn chìm con tàu Titanic để ca ngợi tình yêu cháy bỏng của đôi nam thanh nữ tú, thì đạo diễn Roy Ward Baker lại dành khung hình để khắc họa chính xác một vài nhân vật quan trọng có mặt trên con tàu, sự bất hòa giai cấp và những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ đắm tàu ngay từ đầu theo phong cách phim tài liệu.
Đội ngũ sản xuất ""A Night To Remember" được giám sát bởi nhà sản xuất William MacQuitty (một trong những người nhìn thấy con tàu ban đầu được hạ thủy) đã sử dụng các bản thiết kế tàu thật để tạo ra bối cảnh chân thực, trong khi Sĩ quan Joseph Boxhall và cựu Giám đốc Cunard Harry Grattidge làm cố vấn kỹ thuật cho bộ phim.
Trong rất nhiều bộ phim về tàu Titanic, "A Night to Remember" từ lâu đã được các nhà sử học và những người sống sót trong vụ đắm tàu năm ấy đánh giá cao về độ chính xác, mặc dù không dành được nhiều yêu thương từ khán giả như chủ nhân giải Oscar "Titanic" (1997).
Apollo 13 (1995)
"Apollo 13" là phim điện ảnh tài liệu về không gian của Mỹ năm 1995 do Ron Howard đạo diễn. Kịch bản phim được William Broyles Jr, và Al Reinert chuyển thể từ cuốn sách "Lost Moon: The Perilous Voyage of Apollo 13" phát hành năm 1994 do Jeffrey Kluger và chỉ huy Apollo 13 Jim Lovell viết.
Phim kể lại vụ nổ tàu Apollo 13 trên hành trình thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng. Tai nạn bất ngờ đã khiến NASA dừng kế hoạch chinh phục vũ trụ để cứu 3 phi hành gia Lovell, Jack Swigert và Fred Haise trở về Trái Đất an toàn.
Nhờ sự hợp tác, hỗ trợ lớn từ phía NASA trong việc đào tạo diễn viên và cho mượn bối cảnh tàu, Howard đã có được những cảnh quay cực đắt giá cho tác phẩm của mình. "Apollo 13" nhận được sự khen ngợi của giới phê bình và 9 đề cử Oscar, bộ phim cũng thu về doanh thu phòng vẻ khủng tại thời điểm phát hành.
12 Years A Slave (2013)
Chân dung chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ là một trong những câu chuyện được nói đến nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giới điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung đã mất hàng thập kỉ để đấu tranh với định kiến xã hội và dũng cảm đưa sự thật ra trước công chúng. Khán giả có thể sợ hãi khi phải chứng kiến những hành động tàn bạo của người Mỹ trắng đối với người Mỹ đen được khắc họa quá đỗi trần trụi trong "12 years a slave".
Tác phẩm của đạo diễn Steve McQueen đã khai thác những vấn đề nhạy cảm mà nhiều bộ phim về nô lệ trước đây chưa thực sự làm được. "12 years a slave" không những được công chiếu rộng rãi trên toàn cầu mà còn giành 3 giải Oscar. Phim là hơi thở của quá khứ, là tiếng nói trung thực của lịch sử mà những thế hệ sau khao khát được tìm về.
Spotlight (2015)
"Spotlight" công chiếu năm 2015, hơn nửa thập kỉ sau khi những sự kiện trong phim xảy ra ở đời thực. Bộ phim theo chân nhóm "Spotlight" của The Boston Globe - đơn vị phóng viên điều tra báo chí hoạt động liên tục lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, và cuộc điều tra về các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em trên diện rộng một cách có hệ thống ở khu vực Boston do nhiều linh mục Công giáo thực hiện.
Tác phẩm của đạo diễn Tom McCarthy dựa trên một loạt các bài viết điều tra của nhóm Spotlight đã từng mang về cho họ giải thưởng Pulitzer báo chí năm 2003. "Spotlight" đã giành được Giải Oscar cho Phim hay nhất, cùng với Kịch bản gốc hay nhất từ tổng số 6 đề cử. Không chỉ tập trung truyền tải lại vụ án, bộ phim còn chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất để xây dựng chính xác bối cảnh lịch sử thông qua tạo hình nhân vật và đạo cụ trong phim.
All The President's Men (1976)
Chọn một đề tài chính trị gai góc và phức tạp để làm phim, buộc đạo diễn Alan J. Pakula phải cẩn trọng trong từng chi tiết câu chuyện. "All the President's Men" khắc họa lại vụ bê bối chính trị Watergate gây chấn động nước Mỹ năm 1976, khiến tổng thống Richard M. Nixon bị hạ bệ. Kịch bản phim được William Goldman triển khai, bám sát vào những ghi chép của 2 phóng viên điều tra tờ Washington Post - Carl Bernstein và Bob Woodward. Tác phẩm sau đó được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ lưu giữ vì có giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử.
Zodiac (2007)
David Fincher nổi tiếng là vị đạo diễn tham vọng và tài ba với một sự nghiệp đồ sổ các tác phẩm lớn, "Zodiac" chỉ là một trong số đó. Bộ phim kinh dị kì bí do James Vanderbilt viết dựa trên các ghi chép của Robert Graysmith, kể câu chuyện truy lùng Zodiac Killer, một kẻ giết người hàng loạt khủng bố khu vực vịnh San Francisco vào cuối những năm 1960, chế nhạo cảnh sát bằng những bức thư mật mã, quần áo dính máu gửi đến các tờ báo.
Đạo diễn và biên kịch đã phải dành 18 tháng để tiến hành điều tra, nghiên cứu các vụ giết người của Zodiac. Bộ phim được truyền cảm hứng từ "All The President's Men" vinh dự được xếp thứ 12 trong danh sách những phim hay nhất thế kỉ 20.
"Zodiac" không đưa ra kết luận hài lòng để xoa dịu khán giả, Thay vào đó, nó bao hàm những sự thật ngoài đời thực của câu chuyện, khắc họa đậm nét nhân vật. Điều này giúp David Fincher được ca ngợi như một nhà kể chuyện lịch sử trung thực nhất và mang về giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất.
The Assassination Of Jesse James By The Coward Robert Ford (2007)
Bỏ qua tiêu đề cực dài, "The Assassination Of Jesse James By The Coward Robert Ford" mang đến cái nhìn hoàn toàn khác về những gì khán giả đã quen thuộc với những bộ phim viễn Tây. Tác phẩm của Andrew Dominik ít súng đạn và bạo lực, thay vào đó tập trung hơn vào các chi tiết xung quanh nhân vật, trang phục, đối thoại và động cơ của họ. Bộ phim với sự tham gia của Brad Pitt có thể không tạo tiếng vang như một dự án đột phá, nhưng xét về tính chính xác trong lịch sử thì nó hoàn toàn chiến thắng.
Phim chuyển thể từ cuốn tài liệu năm 1983 cùng tên của Ron Hansen, khai thác mối quan hệ căng thẳng giữa Jesse James (Brad Pitt) và Robert Ford (Casey Affleck), thuật lại các sự kiện dẫn đến vụ giết người trong lịch sử.
The Lion In Winter (1968)
"The lion in Winter" khoác áo lãng mạn thời trung cổ, nhưng lại khắc họa chính xác tình hình chính trị căng thẳng và phức tạp vào thời điểm đó.
Bộ phim chính kịch kịch sở của Anh lấy bối cảnh Giáng sinh năm 1183 tại lâu đài của Vua Henry II và dinh thự chính ở Chinon, Touraine, trong Đế chế Angevin thời trung cổ, kể về những xáo trộn chính trị, tranh giành ngôi vương và những mâu thuẫn cá nhân giữa gia đình hoàng gia Vua Henry II.
"The Lion In Winter" tôn trọng những sự thật lịch sử và vẫn thành công vang dội về mặt thương mại. Phim giành 3 giải Oscar và từng được remake trên truyền hình vào năm 2003.
Theo Trúc An (Nguoiduatin.vn)