Khác với phim hiện đại, nơi mà diễn xuất có thể phần nào che lấp những hạn chế về ngoại hình, phim cổ trang lại đặt ra những yêu cầu vô cùng khắt khe về nhan sắc. Chính vì vậy đã có những câu chuyện dở khóc dở cười khi có rất nhiều nữ diễn viên dù không phải là mẫu người sở hữu vẻ đẹp cổ điển vẫn cố chấp nhận những vai mỹ nhân kinh điển, và điều này đã khiến họ trở thành tâm điểm của những chỉ trích từ khán giả.
Tần Hải Lộ
Lệ Cơ - người đàn bà xinh đẹp và hiểm độc nhất thời Xuân Thu có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành nên Hiến Công rất thích. Nàng bị xem là người đẹp mang đến tai họa và được cho là nguyên nhân của cuộc tranh chấp quyền lực tại nước Tấn sau khi Hiến Công qua đời. Và còn được biết đến với cái tên Tứ đại yêu cơ, tức những người phụ nữ đẹp mê hoặc các vua chúa, khiến cho các triều đại Tiên Tần bị sụp đổ.
Thế nhưng, vai diễn Lệ Cơ lại là một vết đen mà Tần Hải Lộ muốn quên đi trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Vốn dĩ ban đầu, vai diễn Lệ Cơ thuộc về nữ diễn viên Hàn Quốc Lee Chae Yeon. Tuy nhiên, do sự thay đổi đột ngột về phía Lee Chae Yeon, Tần Hải Lộ đã trở thành sự lựa chọn thay thế vào phút chót. Điều này càng khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng và thất vọng cộng thêm với việc nhan sắc của Tần Hải Lộ còn cách rất xa hai từ “mỹ nhân”. Hình ảnh của Tần Hải Lộ trong vai Lệ Cơ trở thành đề tài chế giễu trên các diễn đàn, mạng xã hội, khiến cô phải chịu không ít áp lực trong thời gian dài.
Ngô Thần Quân
Phong Vân (hay Phong Vân hùng bá thiên hạ) là bộ phim võ hiệp, thần thoại nổi tiếng một thời với sự tham gia đóng chính của Triệu Văn Trác, Hà Nhuận Đông, Tưởng Cần Cần, Ngô Thần Quân, Đào Hồng. Trong số các nhân vật nữ, Khổng Từ do Ngô Thần Quân thủ vai lại trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi. Khác xa với hình ảnh mỹ nhân tuyệt sắc trong nguyên tác, người khiến cho ba nam chính đều đem lòng si mê, Khổng Từ trên màn ảnh lại bị khán giả nhận xét là có ngoại hình kém sắc, không phù hợp với vai diễn.
Nguyên nhân của sự chỉ trích này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, tạo hình nhân vật của Ngô Thần Quân bị đánh giá là quá đơn giản, thậm chí có phần thô kệch so với các nữ diễn viên khác trong phim. Thứ hai, diễn xuất của Ngô Thần Quân cũng chưa thực sự thuyết phục, khiến nhân vật Khổng Từ trở nên thiếu sức sống và không để lại ấn tượng sâu sắc.
Vương Lạc Đan
Ngay khi Đại Hán hiền hậu Vệ Tử Phu lên sóng, tạo hình của Vương Lạc Đan trong vai nữ chính đã trở thành tâm điểm chú ý của khán giả. Dù không đến nỗi xấu, nhưng vẻ đẹp của cô lại khá nhạt nhòa so với các nhân vật nữ phụ khác. Thậm chí, nhiều khán giả còn nhận xét rằng Trần A Kiều hay Bình Dương công chúa còn sở hữu nhan sắc vượt trội hơn hẳn.
Điều này càng khiến khán giả bất ngờ hơn khi so sánh với hình ảnh Vệ Tử Phu trong lịch sử. Theo miêu tả, bà là một mỹ nhân tuyệt sắc, vừa đoan trang dịu dàng lại vừa quyến rũ. Tuy nhiên, trên màn ảnh, Vương Lạc Đan lại thể hiện một hình tượng Vệ Tử Phu khá đơn điệu, với biểu cảm thường xuyên buồn bã. Điều này đã khiến nhiều khán giả cảm thấy hụt hẫng và cho rằng cô không phù hợp với vai diễn này.
Trần Nghiên Hy
Khi nhắc đến Tiểu Long Nữ, hình ảnh của Lưu Nhược Đồng và Lưu Diệc Phi luôn hiện lên trong tâm trí khán giả. Họ đã khắc họa thành công một Tiểu Long Nữ thoát tục, tiên khí ngời ngời. Ngược lại, Trần Nghiên Hy lại để lại nhiều tiếc nuối khi vào vai nhân vật kinh điển này.
Tiểu Long Nữ vốn là một tuyệt sắc giai nhân, mang vẻ đẹp thanh thoát, trong trẻo như sương sớm mai. Cô là hiện thân của sự thuần khiết, một bông hoa tuyết trên đỉnh núi cao, chỉ có thể ngắm nhìn từ xa. Tuy nhiên, Trần Nghiên Hy lại mang đến một hình ảnh Tiểu Long Nữ quá đỗi đời thường với gương mặt tròn trịa. Vẻ đẹp của cô phù hợp hơn với những vai diễn trong phim học đường, nơi cô có thể trở thành "tình đầu quốc dân".
Viên San San
Trong Nữ Nhân Của Hoàng Đế, Viên San San đảm nhận vai diễn Vu Diệu Qua, một nhân vật được lấy cảm hứng từ mỹ nhân Ngu Cơ nổi tiếng trong lịch sử. Tuy nhiên, ngay từ khi xuất hiện, tạo hình của cô đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Khuôn mặt của Viên San San, với những đường nét xinh đẹp vừa đủ chứ không thực sự phù hợp với hình tượng một mỹ nhân cổ điển, đặc biệt là khi so sánh với những miêu tả về vẻ đẹp tuyệt trần của Ngu Cơ trong sử sách.
Châu Đông Vũ
Vai diễn Thượng Cổ trong Thiên Cổ Quyết Trần là nữ thần duy nhất và là người thừa kế tương lai của thần giới. Tuy nhiên, sự lựa chọn Châu Đông Vũ vào vai diễn này đã gây ra nhiều tranh cãi. Hình tượng Thượng Cổ vốn là một tuyệt sắc giai nhân, cao quý và uy nghiêm. Thế nhưng, trên màn ảnh, Châu Đông Vũ lại không thể hiện được vẻ đẹp thần tiên ấy. Với gương mặt được cư dân mạng cho rằng không phù hợp với cổ trang, cách Châu Đông Vũ đi đứng, thậm chí cả biểu cảm trên khuôn mặt đều thiếu đi sự uyển chuyển và thanh thoát vốn có của một tiên nữ.
Không chỉ ngoại hình, diễn xuất của Châu Đông Vũ cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Những phân cảnh cần thể hiện sự cao quý, uy nghiêm của một vị thần, cô lại tỏ ra khá gượng gạo và thiếu tự nhiên. Diễn xuất cường điệu, biểu cảm quá đà khiến nhân vật Thượng Cổ trở nên thiếu sức sống và không để lại ấn tượng sâu sắc.
Lạt Mục Dương Tử
Dù Dữ Phượng Hành nhận được nhiều sự quan tâm, vai diễn U Lan của Lạt Mục Dương Tử lại gây thất vọng lớn. Trong nguyên tác, U Lan được mô tả là đệ nhất mỹ nhân với nhan sắc bùng nổ, đôi mắt "đưa đẩy" kiêu kì lại có chút muốn được chở che. Khoảnh khắc U Lan bị thú cưỡi của Hành Chỉ dọa sợ, nép mình vào lòng Thẩm Ly được khán giả trông đợi trên phim.
Ngoại hình của Lạt Mục Dương Tử có phần mũm mĩm, nhỏ con, gương mặt càng không có nhan sắc như mỹ nhân "khuynh quốc khuynh thành", xứng tầm đệ nhất nữ thần thiên đình như trên trang sách.
Theo Ngọc Hà (Phụ Nữ Mới)