Video: Trích đoạn 'ni cô Huyền Trang' trong Biệt động Sài Gòn
Khi 15 tuổi, Thanh Loan, cô gái Hàng Bông (Hà Nội) nghe theo chúng bạn rủ nhau đi thi tuyển diễn viên vào Đoàn kịch nói của Tổng cục chính trị.
Sau khi trúng tuyển, bà chính thức bước vào cuộc đời trong quân đội, để rồi sau đó đi lưu diễn phục vụ các tuyến lửa với tư cách diễn viên kịch nói.
Sau này Thanh Loan chuyển công tác sang làm phát thanh viên của truyền hình Quân đội - Công an. Ở đây bà có nhiều điều kiện đi đóng phim hơn.
Trong một lần đi công tác Sài Gòn bà đã gặp đạo diễn Long Vân, khi đó đang tuyển diễn viên cho phim Biệt động Sài Gòn. Nhìn vẻ đẹp dịu dàng, thần thái điềm tĩnh của Thanh Loan, đạo diễn này đã mời bà vào vai ni cô Huyền Trang.
Nhận lời tham gia, Thanh Loan đã phải mất bốn năm ròng bay ra bay vào Hà Nội - Sài Gòn để thực hiện bộ phim.
- Đây là bộ phim màu nhiều tập đầu tiên của Việt Nam, thời đó có điều kiện làm phim trong thời gian rất dài. Diễn viên chúng tôi cũng có nhiều thời gian đi thâm nhập thực tế.
Tôi đã có một tuần ở trong chùa với sư Diệu Thông (nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang). Bà đã hướng dẫn tôi cách đi đứng, nói năng, cách tụng kinh, gõ mõ của nhà sư.
Trong phim đã hư cấu nhân vật ni cô Huyền Trang sau này mới đi tu, thực ra ngoài đời bà Diệu Thông đã đi tu từ nhỏ, vì yêu nước, thương dân mà quyết định tham gia cách mạng.
Chúng tôi còn được gặp các chiến sĩ biệt động Sài Gòn như vợ chồng biệt động - du kích Củ Chi là ông Tư Chu (vào phim là Tư Chung) và bà Ngọc Mai (trong phim tên cũng như thế).
Tôi đặc biệt ấn tượng và nhớ câu nói của anh hùng Bảy Thậm: "Nơi ẩn náu an toàn nhất là trái tim đàn bà". Thời gian đó, những chiến sĩ biệt động có thể tồn tại được là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân.
Từ diễn viên Quang Thái (vai Tư Chung), Hà Xuyên (Ngọc Mai), Thúy An (vai cô bán cháo) đến tôi (đóng ni cô Huyền Trang) đều cảm thấy rất xúc động, thấm thía khi gặp những người chiến sĩ này. Nhờ vậy mà việc hóa thân dễ dàng hơn.
* Trước khi gặp các chiến sĩ biệt động Sài Gòn bà hình dung họ là những con người như thế nào và ấn tượng sau khi gặp?
- Trước khi gặp tôi nghĩ họ như những điệp viên trong tiểu thuyết, đẹp trai, phong độ, uyên bác. Sau này gặp mới thấy họ là những người lính vô cùng giản dị, dễ thương.
Như ông Tư Chu trong phim được xây dựng hình tượng là nhà tư sản rất đẹp trai, nhưng ngoài đời lại là người có vóc dáng nhỏ nhắn, giống với một thầy giáo hơn.
Có những chiến sĩ biệt động da sạm đen vì họ hoạt động trong vỏ bọc người đi buôn bán, đạp xích lô. Tôi đã không ngờ vì họ quá đỗi bình dị, mộc mạc.
Tôi thực sự xúc động vì những con người đó đã lao vào cuộc chiến không biết sống chết ra sao. Họ sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Họ sống hồn nhiên lắm vì họ có niềm tin vượt qua tất cả.
* Thật kì lạ khi chính những con người nhỏ bé, bình dị nhất lại làm nên những điều lớn lao phải không thưa bà?
- Đúng như vậy, họ nói với tôi khi họ sắp bị lộ, cận kề cái chết, đôi khi sự nhanh trí, thông minh chưa phải tất cả, còn cần cả sự may mắn. Nhiều người đã thoát chết trong gang tấc nhờ những may mắn thần kì.
Họ cũng tồn tại được là nhờ có người dân che chở. Có anh biệt động khi bị địch vây ráp đã chạy vào nhà một cô nữ sinh. Cô ấy đã che chở, giả vờ nhận anh là bạn trai của mình…
Họ là những người hoạt động đơn tuyến, họ phải tự định đoạt số phận của mình để hoàn thành công việc. Phải là những người có bản lĩnh ghê gớm mới có thể làm được những công việc như vậy.
* Biệt động Sài Gòn đã cho bà một vai diễn để đời, vai diễn này có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc đời bà?
- Bộ phim đã để lại trong tôi nhiều day dứt, dằn vặt về số phận những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Thời đó nếu không có sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, của những người chiến sĩ biệt động, không có ê-kíp làm phim hết mình vì điện ảnh thì đã không có được bộ phim như thế.
Tôi vẫn rất xúc động vì sau hơn 30 năm bộ phim này được gọi là phim kinh điển, cứ đến ngày lễ là phim lại được chiếu. Người ta vẫn nhận ra ni cô Huyền Trang dù năm nay tôi ngoài 60 tuổi rồi.
* Bà vào quân ngũ từ năm 15 tuổi, cuộc sống thời đó của bà ra sao?
- Tôi là con gái Hà Nội nhưng khi vào bộ đội đã quen với sự rèn luyện khắc nghiệt, gian khổ. Năm 1969 tôi ở đoàn kịch nói của Tổng cục chính trị đi biểu diễn khắp nơi như tuyến lửa khu 4, đường Chín Nam Lào, tuyến lửa Quảng Bình, quân khu Xiêng Khoảng, Mường Xén...
Tôi dù là diễn viên nhưng vẫn hát, múa đủ cả. Chúng tôi phục vụ những tuyến sau, nơi bộ đội bị thương được đưa về trạm xá.
Tôi không thể nào quên những lần phải ăn gạo trộn xăng dầu. Đường hồi đó toàn ổ gà, ổ trâu, xăng dầu ngấm cả vào gạo trên xe. Đến chết cũng không quên mùi vị của những hạt gạo đó.
Thời đó chẳng ai sợ chết đâu. Mọi người yêu thương, chia nhau từng mẩu lương khô. Khi hòa bình con người có nhiều lo toan hơn, đất nước nhiều thay đổi, mọi thứ không con như xưa. Tôi có chút nuối tiếc vì thời gian khó con người gắn bó hơn.
Tôi tiếc nhất là những năm 1969-1970 đang ở quân đội phục vụ chiến trường, nên không được tham gia hai phim Chị Nhung và Không nơi ẩn nấp. Sau này chuyển sang làm phát thanh viên của truyền hình Công an thì mới đi đóng phim thuận lợi hơn.
* Cuộc sống của bà có thay đổi nhiều sau vai diễn ni cô Huyền Trang? Cuộc sống của một ngôi sao điện ảnh thời đó có bị nhòm ngó nhiều như bây giờ?
- Thời đó người hâm mộ họ tôn trọng diễn viên, họ ngưỡng một từ xa, không làm gì thái quá và cũng không cuồng nhiệt như bây giờ.
Có thời gian tôi chuyển sang học đạo diễn, không đi đóng phim nữa thì có nhiều tin đồn thất thiệt là tôi đã chết thôi (cười).
* Bà cảm thấy mình hợp với vai trò nào hơn?
- Khi không đi diễn nữa tôi không thấy thiếu hụt. Tôi thấy mình hợp với vai trò đạo diễn. Sau này tôi còn phải làm nhiệm vụ quản lý, phó giám đốc Điện ảnh Công an.
Về hưu, tôi là phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Chi hội truyền hình Công an. Công việc của tôi đến giờ vẫn gắn với phim ảnh, như vậy là vui rồi.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Diễn viên Thanh Loan xuất thân là diễn viên kịch nói, sau này trở thành diễn viên điện ảnh.
Trong sự nghiệp của mình bà đóng gần 20 phim nhựa.
Những phim bà đã tham gia: Người về đồng cói, Bài ca ra trận, Bản đề án bỏ quên, Tuổi thơ dữ dội, Phương án ba bông hồng…
Vai diễn "để đời" của bà là ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn.
Sau này bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, giữ vai trò phó Giám đốc Điện ảnh Công an. Hiện bà là phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội.
Bà đang sống hạnh phúc cùng chồng và các con tại Hà Nội.
Thanh Loan tự nhận là một người có cuộc sống may mắn, nên khi về hưu bà dành nhiều thời gian làm từ thiện để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Theo Ngọc Diệp (Tuổi Trẻ)