Bom tấn của Lưu Diệc Phi cuối cùng đã chính thức phát sóng sau bao sóng gió trì hoãn (từ tháng 3 đến tháng 9/2020), tiếp tục đà tiến trên trào lưu live-action của Disney, “Mulan” được đầu tư một khoản kinh phí siêu khủng (200 triệu đô) để làm cho ra làm. Sau một vài phim hoạt hình chuyển thể điện ảnh không mấy thành công và nhận nhiều chê bai trước đó, rõ ràng nhà sản xuất đã chú ý chăm chút hơn cho sản phẩm lần này. Bỏ qua diễn xuất còn gây nhiều tranh cãi của Lưu Diệc Phi, “Mulan” không chỉ tái hiện nhân vật nữ anh hùng được yêu thích thập niên 90 mà còn đổi mới đến mức đáng ngạc nhiên khiến cho bộ phim nhận về nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình. Một vài đột phá dưới đây sẽ minh chứng cho điều đó.
Bình đẳng giới là giai điệu chủ đạo
"Mulan" dù là một sản phẩm của Disney, nhưng cũng là một bức tranh thu nhỏ về lịch sử Trung Hoa, nên truyện phim ban đầu rất tôn trọng các yếu tố văn hóa, tư tưởng trong xã hội cũ. Khoảng cách giữa các nhân vật, các thế hệ trong "Mulan" (1998) được ngăn chia bởi ranh giới rõ ràng, tính cách con người được khắc họa thuần túy, về cơ bản giúp cho bản phim hoạt hình trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn với người xem. Đặc biệt là khi phân nửa khán giả của nó là đối tượng thiếu nhi chứ không chỉ dành cho người lớn.
Trong "Mulan" bản gốc, chân dung người cha là điển hình cho hình ảnh một người đàn ông thời phong kiến bảo thủ, hà khắc, gia trưởng, xem nhẹ phái yếu. Ông chỉ mong con gái đến tuổi trổ mã có thể sớm tìm được một đám mối ổn thỏa, sau đó kết hôn và về nhà chồng thực hiện bổn phận phụ nữ. Mộc Lan xinh đẹp nhưng ương bướng bị xem như nỗi xấu hổ của gia đình, khiến người cha luôn tỏ ra thất vọng. Ông dành cho con gái mình định kiến khắc nghiệt và chỉ thay đổi điều đó khi cô chứng tỏ được bản thân mình ở cuối phim.
Tuy nhiên trong phiên bản live-action 2020, mối quan hệ giữa Mộc Lan và ông Zhou (Tzi Ma) đã được xây dựng tốt hơn theo xu hướng thời đại đề cao bình đẳng giới. Ông đã đối xử với con gái công bằng như với con trai, huấn luyện cô bé với tinh thần mạnh mẽ. Điều này chỉ trở nên bất lợi khi Mulan đến tuổi trưởng thành và mẹ cô đau khổ nói với chồng rằng sẽ khó lòng tìm được người nào vừa vặn với con gái. Ông Zhou nghe lời vợ và đồng ý đưa con đến gặp bà mai. Nhưng bản chất Mộc Lan vốn được nuôi dạy để trở thành chiến binh giống cha mình, ông Zhou sau đó mới nhận ra con gái đã đủ lông đủ cánh để tự quyết định đời mình. Bối cảnh dù rất cũ nhưng bộ phim đã mang một tinh thần rất mới.
Đề cao sức mạnh nội tại, loại bỏ yếu tố tâm linh
Mushu là một biểu tượng của "Mulan" bản hoạt hình, đại diện cho tín ngưỡng tâm linh của người châu Á, thể hiện sự gắn bó tinh thần giữa các thế hệ, con cái hiếu thảo với tổ tiên, tổ tiên phù hộ cho con cái. Mushu còn mang đến cho "Mulan" sự hài hước và những tiếng cười cần thiết của một bộ phim hoạt hình.
Nhiều khán giả yêu thích "Mulan" vì Mushu, nhưng đó là câu chuyện của 22 năm về trước. Bản phim live-action cần những đột phá mới mẻ khác, và thật may mắn Disney đã không tái tạo Mushu bằng kĩ xảo điện ảnh màu mè. Quyết định loại bỏ Mushu đồng nghĩa với việc tăng thêm sức mạnh cho Mộc Lan. Nữ chiến binh 2020 không còn cần một người bạn tưởng tượng để động viên tinh thần khi ra trận mạc, bản thân cô đã được trang bị ý chí và lòng dũng cảm từ chính người cha của mình.
Cảnh báo giới hạn của “bình đẳng giới”
Nhân vật phản diện trong "Mulan" bản hoạt hình thành thực mà nói chỉ để hù trẻ con và cũng khá một chiều. Trong khi "Mulan" 2020 đã nâng cấp nhóm phản diện lên một tầm cao mới. Nàng Hoa Mộc Lan sẽ phải cùng lúc đối mặt với 2 kẻ ác là Bori Khan (Jason Scott Lee) và Xian Lang (Củng Lợi).
Bori Khan bị ám ảnh về việc báo thù và khao khát quyền lực, khi nghĩ rằng cả gia đình mình đã mất mạng dưới tay Hoàng Đế (Lý Liên Kiệt). Xian Lang là một phù thủy quyền năng đang ấp ủ một kế hoạch kinh hoàng sau khi bị lưu đày và ruồng bỏ vì sự khác biệt của mình.
Vai diễn Xian Lang của Củng Lợi được xem là đắt giá trong phim, nó giống như một lời chú thích, một thông điệp cảnh báo về tương lai của Mộc Lan. Chủ đề lớn của bộ phim là danh dự và cân bằng, trong quá trình trưởng thành, Mộc Lan có thể dần tạo ra cân bằng bằng cách cởi áo chiến binh để trở thành một người vợ bình thường như hiệp ước sinh tồn của vũ trụ. Tuy nhiên sẽ ra sao nếu cô tham vọng nhiều hơn, muốn áp đảo đàn ông thay vì bình đẳng với họ? Đến đây, Xian Lang sẽ chính là câu trả lời.
Mặc dù đề cao sức mạnh của người phụ nữ, nhưng bản thân bộ phim vẫn tự đặt ra giới hạn cho sự bình đẳng của mình. Nó giống như một đòn đánh thực tại để công chúng nhận thức rằng thế giới vẫn có những quy luật không thể thay đổi hoặc ít nhất chưa thể thay đổi ở hiện tại. Cuộc giải phóng phụ nữ sẽ còn là cuộc chiến lâu dài trong tương lai.
Tình yêu nam nữ không thực tồn tại trong nhân vật phi giới tính
Một trong những nhân vật mang tính biểu tượng khác trong "Mulan" bản gốc chắc hẳn là Shang Li, người chỉ huy đem lòng yêu mến Mộc Lan khi họ còn cùng chung quân ngũ. Shang Li vẫn là nhân vật tuyệt vời trong nguyên tác và có ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa LGBT. Trong bản điện ảnh, Shang Li không còn đơn thuần là tướng chỉ huy của Mộc Lan, nhà sản xuất chia anh ta thành 2 nhân vật: Tướng chỉ huy (Chân Tử Đan) và Chen Honghui (Yoson An).
Honghui là người Mộc Lan dành cảm tình, cặp đôi đã cùng nhau tạo mối liên hệ sâu sắc trong phim, khiến khán giả rất mong chờ khoảnh khắc đột phá ở một vài phân cảnh đặc biệt, tuy nhiên cuối cùng mối quan hệ này đi đến kết thúc mà không có nụ hôn từ biệt. Có vẻ như Mộc Lan cảm thấy khó xử và do dự khi theo đuổi tình yêu với tư cách một người phụ nữ, mặc dù chi tiết này đặt ra vài nghi vấn không cần thiết về xu hướng giới tính của nhân vật chính. "Mulan" tuy vậy vẫn mang đến một kết thúc có hậu, đó là khi nhân vật chính toại nguyện vì tìm được chính mình, và chinh phục khát vọng của bản thân.
"Mulan" hiện phát trực tuyến trên kênh Disney + đồng thời sẽ phát hành tại Trung Quốc, Singapore và Thái Lan vào ngày 11/9.
Trúc An (Nguoiduatin.vn)