Dạ cổ hoài lang
Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên, có sự tham gia của Hoài Linh, Chí Tài cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ngay khi vừa công bố dự án và trailer, khán giả đã "sốt xình xịch" với Dạ cổ hoài lang.
Người ta mong chờ một Hoài Linh không đóng hài nhảm, sau khi đã quá nhàm chán với thể loại phim hài Tết. Sự thành công của vở kịch gốc cũng là lý do chủ yếu để mọi người "ngóng" ngày Dạ cổ hoài lang ra mắt.
Thế nhưng khi phim ra rạp, khán giả chia làm hai luồng dư luận rõ ràng. Một bên khóc cười cùng bộ phim, bên còn lại nhận xét rằng Dạ cổ hoài lang chưa khiến người ta dâng trào cảm xúc. Đề tài của bộ phim nói về sự cô đơn và lạc lõng của những người già tại Mỹ, không thể hòa nhập với cuộc sống nơi đây và vô hình chính giữa gia đình mình. Sự mâu thuẫn thế hệ đã khiến mọi người xa cách.
Thế nhưng, bối cảnh quá tù túng của phim đã khiến nội dung không thể truyền tải cảm xúc đến khán giả. Mạch truyện không liên tục cũng làm Dạ cổ hoài lang kém hấp dẫn với người xem.
Sắc đẹp ngàn cân
Sau thành công của Em là bà nội của anh, khán giả Việt mong chờ dự án remake Sắc đẹp ngàn cân sẽ làm nên chuyện. Tại xứ kim chi, phiên bản gốc của bộ phim đã đạt doanh thu 42 triệu USD, so với 4 triệu USD kinh phí sản xuất, trở thành phim ăn khách thứ ba trong năm 2006. Phim được đề cử nhiều giải thưởng tại Hàn Quốc, nữ diễn viên Kim Ah Joong cũng trở thành gương mặt gây chú ý sau vai diễn này.
Khi dự án remake tại Việt Nam được công bố và vai chính giao cho Minh Hằng, nhiều người đã hy vọng Sắc đẹp ngàn cân có thể xuất sắc ngang bản gốc. Thế nhưng, sự lựa chọn làm phim an toàn của đạo diễn James Ngô đã tạo ra một sản phẩm trung thành tuyệt đối với bản gốc. Điều này khiến những khán giả đã xem bản gốc cảm thấy Sắc đẹp ngàn cân không có gì quá đột phá. Khác biệt nhận thức về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ của Việt Nam và Hàn Quốc cũng khiến bộ phim không thể giữ nhiệt như lúc tung trailer.
Cô Ba Sài Gòn
Ngay khi Ngô Thanh Vân tung ra những hình ảnh đầu tiên, khán giả đã hy vọng nhiều về một bộ phim thuần Việt, đậm chất Sài Gòn xưa. Hiệu ứng Cô Ba Sài Gòn tạo nên khi ra mắt ở LHP Busan (Hàn Quốc) càng khiến khán giả mong chờ bộ phim này.
Thế nhưng việc quảng bá quá nhiều về Sài Gòn xưa lại là "con dao hai lưỡi" với Cô Ba Sài Gòn. Khán giả kỳ vọng nhiều nhưng nhận được hơi ít khiến cảm tình dành cho bộ phim cũng bị giảm bớt.
Cô Ba Sài Gòn chọn chủ đề về chiếc áo dài Việt - đề tài hiếm được đưa lên màn ảnh. Thế nhưng câu chuyện trong phim lại quá giản đơn, vay mượn yếu tố nước ngoài nhiều hơn là phục dựng một Sài Gòn xưa lên phim.
Mẹ chồng
Từ teaser trailer đầu tiên, phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng đã gợi cho khán giả một bộ phim kiểu "thế gia nội chiến" vô cùng mới mẻ, ly kì. Dàn diễn viên trong phim toàn những cái tên "xịn" như Thanh Hằng, Diễm My, Ngọc Quyên, Lan Khuê, Midu… khiến phim càng gây sốt hơn nữa.
Nhưng khi ra rạp, sự "tham" của đạo diễn đã khiến Mẹ chồng trở thành một câu chuyện kém rành mạch. Các nhân vật trong phim có nhiều đất diễn nhưng đều khai thác chưa tới, dàn trải. Cộng thêm những hạt sạn về nội dung khiến Mẹ chồng trở thành bộ phim gây thất vọng với nhiều người.
Theo Chi Chi (iOne.net)