Nói rằng Về Nhà Đi Con có một cái kết "viên mãn" thì có lẽ chưa đúng. Vì tập 85 của phim khép lại với khá nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết đồng thời, để lại một vài hạt sạn khó hiểu khiến tuyến kịch bản tập cuối còn bị thủng lỗ chỗ.
Tập 85 của series phim truyền hình được dàn dựng trông khá là sơ sài. Số lượng tình tiết thực trong tập cuối, chỉ chiếm một nửa thời lượng phim. Nửa còn lại là bài thuyết trình đầy cảm xúc đến từ... nhạc nền và giọng đọc thuyết minh của Ánh Dương (Bảo Hân). Tính ra, tập cuối từng được công bố là sẽ dài 34 phút, nhưng từ phút 28 đến 32 đã bị biến thành... bài độc thoại của Ánh Dương. Chưa kể 2 - 3 phút giới thiệu phim, vậy chỉ còn lại tầm 25 - 27 phút thời lượng thực.
Đã vậy, 27 phút thời lượng thực của phim lại còn xuất hiện một số hạt sạn cho thấy sự dàn dựng sơ sài. Gây cảm giác là kết thúc của phim được thực hiện khá... qua loa và cẩu thả.
1. Nhiều nhân vật bỗng dưng biến mất
Đầu tiên là cô Hạnh (Thúy Hà) bán hoa. Người bạn tâm giao của ông Sơn (NSƯT Trung Anh) giờ đã đi đâu về đâu? Con cô ra sao? Không thấy tập cuối đả động gì đến người đàn bà quan trọng này, mặc dù trong đoạn "thuyết trình" của mình, Dương so sánh sự xuất hiện của cô Hạnh giống như một sự theo dõi của mẹ dành cho các con gái. Vậy có nghĩa là cô Hạnh chỉ là thế thân của bà Bích, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì bà... biến mất?
Khải (Trọng Hùng) trở lại chớp nhoáng rồi lại biến mất nhanh như một cơn gió thoảng. Mang anh chàng này về làm gì rồi sau đó không giải đáp rằng anh đã đi về đâu? Rồi còn chị Linh (Phùng Khánh Linh) - bạn thân của Thư và Dũng (Anh Vũ) - bạn thân của Vũ đâu? Số phận hai người ra sao sau khi Thư và Vũ nên đôi? Dũng có thật sự yêu Thư không hay đây chỉ là một chiêu trò của anh chàng giúp bạn mình cua lại vợ bầu? Không một ai thèm nhắc đến hai "công thần khai quốc" này cho khán giả biết cả.
Một thứ nữa cũng biến mất khỏi tuyến kịch bản tập cuối, đó là tình trạng mối quan hệ của Huệ (Thu Quỳnh) và ông Quốc (Tuấn Tú). Hơn nửa thời lượng tập 85 phung phí vào cảnh uống bia, cười phớ lớ của ba bố con ông Sơn, Vũ và ông Quốc mà không thèm đi sâu vào tình trạng của Huệ. Đến cảnh cuối của phim, ông Quốc vẫn chỉ có thể giới thiệu là "bạn của Huệ". Bạn gì? Đành lòng rằng sang phần ngoại truyện, có thể Huệ và ông Quốc sẽ đến với nhau. Nhưng tập cuối ít nhất phải dành cho hai người này một cảnh quay, trong đó có tia hy vọng tích cực cho tình cảm giữa hai người chứ. Để mặc ông Quốc khổ sở, tự giới thiệu mình là "bố của thằng Bảo, bạn của Huệ" rồi nhảy qua phần ngoại truyện luôn chẳng khác nào bắt khán giả phải.. hiểu ngầm về tình trạng quan hệ giữa Huệ và Quốc. Đó là lỗi nhảy cóc trong khâu kể truyện. Không ai phải "hiểu ngầm" cái gì trên phim cả mà các biên kịch phải kể ra rõ ràng bằng kịch bản.
2. Cảnh Dương tiễn chân Bảo đâu rồi?
Một trong những phân đoạn bị mất tích một cách khó hiểu trong tập cuối đó là cảnh Dương phải đưa Bảo ra sân bay, tiễn anh chàng đi du học. Ấy thế mà phim chỉ dừng lại ở cảnh Dương gọi... facetime cho Bảo trên đường ra sân bay rồi.. hết luôn. Ai từng có bạn thân đi du học hẳn sẽ hiểu, cảm giác đưa tiễn bạn mình ra sân bay đau khổ và tiếc nuối nhiều đến cỡ nào. Cảnh Dương bịn rịn chia tay Bảo ở sân bay sẽ là một phân cảnh khá cảm động. Ấy thế mà lại không xuất hiện trong phim.
Khán giả một lần nữa, lại phải hiểu ngầm rằng Dương đã lên xe tắc-xi và đưa Bảo ra sân bay. Rồi đôi "chim ri" của Về Nhà Đi Con sẽ phải bịn rịn khóc chia tay nhau mà chẳng ai biết. Nhưng vấn đề là, lỡ có tình huống nào đó xảy ra khi đôi bạn từ biệt thì sao? Biết đâu Bảo và Dương quyết định... đi ăn kem, hay Bảo quên hộ chiếu phải chạy về nhà lấy phải bị trễ chuyến bay v.v... gì đó chẳng hạn. Không đưa phân đoạn chia tay lên phim, chẳng khác nào bắt khán giả phải tự tưởng tượng, và cũng chẳng có một lời xác nhận nào từ phía ekip luôn. Có lẽ Bảo thực chất đã không hề đi du học hay như thế nào đó, chẳng ai biết. Đó là một cú "nhảy cóc thời gian" khá quen thuộc khi các nhà sáng tạo nội dung phim bị thiếu thời gian trên màn ảnh. Giống như hồi Gạo Nếp Gạo Tẻ kết phim cho cả dàn nhân vật nhảy cóc 3 - 4 năm rồi sau đó, cả bộ phim dài hơn 100 tập kết thúc ở bên một... bãi biển.
3. Cảnh cầu hôn siêu sơ sài của Vũ
Cách dàn dựng, xây dựng lời thoại trong đoạn cầu hôn của Vũ cũng là một hạn sạn và cho thấy sự sơ sài trong phần xây dựng cốt truyện. Giống như chỉ muốn bày ra đoạn này cho... có, nhanh nhanh cái chân lên để còn nhảy đến đoạn đám cưới kết phim vậy.
Vũ (Quốc Trường) đã "quảng cáo" với Thư là anh lên kế hoạch, lừa Thư ra bãi biển để cầu hôn. Ấy vậy mà đến bó hoa anh cũng không chuẩn bị được, phải đi... hái vội bên lề đường. Nhìn bó hoa dại, được túm thành một nhúm xơ xác trông đến chán. Trời nắng, thế là Vũ chạy đi... mượn cái dù của một cô gái vô danh bên bờ biển. Nhẫn đính hôn thì... xài lại cái đã mua từ ngày xưa.
Tính ra, ngoài việc gài cho Thư ra bãi biển, Vũ đâu có chuẩn bị gì ngoài tiện tay nhét cái hộp nhẫn vào túi trên đường chạy ra chỗ hẹn? Chi tiết này một mặt, thể hiện sự thiếu lòng thành của Vũ khi muốn cầu hôn lại Thư. Mặt khác, lại thể hiện sự thiếu chuẩn bị của đoàn phim khi ra hiện trường. Giống như vì thiếu hoa, thiếu dù nên các biên kịch đành ra tay "chế" ra hai - ba tình huống, câu thoại để bào chữa cho sự sơ sài trên màn ảnh.
4. Đám cưới loạn xạ, tân cổ "vô duyên" của Vũ và Thư
Một hạt sạn thể hiện sự sơ sài trong khâu tổ chức của tập cuối Về Nhà Đi Con nữa, nằm ở cách tổ chức cái đám cưới của Thư và Vũ. Đồng ý là Vũ và Thư muốn tổ chức gọn nhẹ cho đơn giản, thế nhưng khách mời chỉ vỏn vẹn có... tám người (kể cả ông Quốc). Chị Linh, người có công chửi Nhã tiểu tam tanh bành và Dũng - người có công giúp Thư và Vũ trở lại với nhau thậm chí còn không xuất hiện. Lẽ nào hai người này đã không được mời (bạn thân gì kỳ), còn ông Quốc là "bạn của Huệ" thì lại được mời đến dự?
Dresscode của các khách tham dự bữa tiệc cũng rất là vô duyên. Không hiểu đám cưới lần hai của Thư - Vũ được tổ chức theo phong cách Âu hay Á mà khách mời ăn mặc loạn xạ. Bà Giang (NS Ngân Quỳnh) thì mặc đầm đỏ, một sự kết hợp khó hiểu giữa phong tục cưới Việt Nam với chiếc váy dự tiệc kiểu châu Âu. Ông Luật, chị Huệ, và bố Sơn thì mặc đồ trắng, theo phong cách đám cưới châu Âu. Dương và Thư thì mặc đồ... đen không hiểu là phong cách cưới hỏi của vùng nào. Đặc biệt, Thư - cô dâu thì mặc váy đen, còn chú rể thì mặc vest màu... xanh da trời. Không ăn nhập gì với nhau cả. Ông Quốc tới muộn lại còn mặc vest màu... xanh đen?
Bữa tiệc nhẹ nhàng, khách mời là thông gia hai họ đến tham dự cùng nhau nhưng dường như chả ai thống nhất được nên mặc quần áo màu gì mặc dù ai nấy đều ý thức rõ là mình sắp đi dự đám cưới. Cả một bức tranh toàn cảnh ngày vui lần thứ hai của Thư và Vũ cứ trông như là các khách mời vừa đi ăn xong... sáu lễ cưới khác nhau, sau đó tiện đường thì ghé ngang qua chỗ Thư và Vũ hẹn, ngồi một tý rồi về cho đôi trẻ được ấm lòng.
Đây có vẻ như là một cảnh quay kiểu chắp vá. Cứ như thể đoàn phim quá bận, tới mức không thể nhắn một tin báo cho các diễn viên mặc đồ màu nào đó (hoặc đỏ hoặc trắng) để chí ít được đẹp khung hình, hoặc nhìn chung với nhau trông cả hội giống như đi dự một lễ cưới nào đó.
Kết phim, lại một lần nữa khán giả phải tự "hiểu ngầm" rằng cả tám người có lẽ đã ăn cưới với nhau rất vui vẻ. Cả hai gia đình chắc đã gọi món gỏi cuốn, vịt nấu chao v.v... rồi sau đó cùng ăn. Tàn tiệc, ai về nhà nấy và Thư âm thầm dọn hết đồ đạc, bế cu Bon về nhà Vũ ở.
Những hạt sạn kể trên, cho thấy một sự cẩu thả và thiếu thống nhất trong những khâu như tổ chức, biên kịch và chuẩn bị. Có vẻ như vào những ngày quay cuối cùng, ai cũng mệt rồi nên mọi người đã cố gắng làm cho xong để còn... đi về. Nhưng chính vì vậy, lại vô tình làm hỏng giá trị của cả bộ phim truyền hình trước nay đều được khán giả rất đón nhận.
Hy vọng bốn tập ngoại truyện được chiếu vào ngày 13/08 lúc 20h trên kênh VTV Online sắp tới, chuyện này sẽ không lặp lại lần nào nữa.
Theo Paul (Helino)