Nhìn bề ngoài, "Điệp viên 007" và "1917" chẳng có điểm gì chung, một bên là phim siêu điệp viên ăn khách nhất phòng vé, với bối cảnh hiện đại, vũ khí tối tân và cuộc sống xã xỉ; bên còn lại là hành trình của 2 người lính đơn độc thời thế chiến I giữa bối cảnh chiến hào ẩm ướt lép nhép bùn đất, đồng quê hoang tàn, rồi thị trấn đổ nát. Tuy nhiên xem kĩ bạn sẽ thấy một vài điểm tương đồng, đặc biệt là câu chuyện sau hậu trường.
Trước khi bắt tay thực hiện tác phẩm vừa đoạt giải Quả cầu vàng "1917", Sam Mendes từng đạo diễn 2 phần gần đây nhất của loạt phim "James Bond" là "Skyfall" và "Spectre". Trong đó, Roger Deakins - tay máy chỉ đạo toàn bộ cảnh quay của "1917" cũng chính là người đã hợp tác trong "Skyfall" 7 năm về trước. Và Michael Lerman làm trợ lý đạo diễn của Mendes trong “1917” và cả 2 phần James Bond.
Lerman từng úp mở rằng hào quang của 007 đã truyền cảm hứng cho tác phẩm về đề tài phản chiến trong hầu hết quá trình sản xuất. Nếu không có 007 có lẽ "1917" đã mang một diện mạo rất khác, điều đó cho thấy mối liên hệ giữa "James Bond" và "1917" còn sâu sắc nhiều hơn thế.
Single-shot của “1917” là sự mở rộng ý tưởng của “Spectre”
"1917" không phải lần đầu tiên Mendes "chơi phim" theo kiểu one-shot (cú máy dài theo chuyển động nhân vật, không gián đoạn). "Spectre" mở đầu ấn tượng bằng bằng one-shot dõi theo 007 khi anh rình rập trong Ngày tưởng niệm người chết ở Mexico. Tương tự "1917", Sam Mendes bám sát gót James Bond từ khi anh đứng xem cuộc giễu hành, đến khi bước vào khách sạn rồi trèo lên mái nhà và tìm điểm thuận lợi để đặt khẩu súng bắn tỉa của mình mà không cần cắt dựng.
Lerman cho biết, Mendes và anh cũng áp dụng chính xác lịch trình đã dùng cho đoàn phim khi thực hiện "Spectre" vào "1917". Cụ thể ekip sẽ luyện tập 4 đến 5 tiếng một ngày, sau đó quay trong khoảng 4 đến 5 tiếng tiếp theo và kết thúc công việc. Việc sản xuất bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết, vì thế ekip "1917" luôn phải có kế hoạch dự phòng để không bị mất quá nhiều thời gian. Các buổi diễn tập không chỉ tập cho cảnh quay ngày hôm đó mà còn cho cả cảnh ngày hôm sau, trong trường hợp ghi hình vào sáng sớm.
Thủ thuật tạo ánh sáng
"1917" về cơ bản không sử dụng nhiều ánh sáng nhân tạo, vì máy quay phải di chuyển liên tục, nhưng ở bối cảnh trong thị trấn Écoust đổ nát, nhà quay phim Roger Deakins đã có cơ hội chơi lớn. Đoạn phim được dựng cảnh vào ban đêm, hiệu ứng ánh sáng được tạo ra từ một nhà thờ đang bùng cháy, mang đến một tháp chiếu sáng khổng lồ cho đội quay. Deakins đã rút kinh nghiệm từ "Skyfall", anh cũng từng thiêu rụi 1 ngôi nhà để tạo nguồn sáng lớn tương tự cho cảnh phim cuối.
Trung thực với hình ảnh và tránh xa kĩ xảo
Một trong những điều đáng trân trọng là "1917" không sử dụng quá nhiều hiệu ứng hình ảnh. Sam Mendes đã cố gắng giữ cho từng khung hình và đặc biệt là các cảnh hành động thật nhất có thể. Không phải chỉ với phim chiến tranh mang ý nghĩa lịch sử Mendes mới làm thế, mà trước đây khi chỉ đạo "James Bond" anh cũng đã ưa thử thách, ưa làm khó mình bằng việc cố gắng thực hiện thủ công toàn bộ các pha chiến đấu nguy hiểm và tránh xa đồ họa hết mức có thể.
Kĩ thuật đó được thực hiện hiệu quả trong cả 2 phần "James Bond" mà Mendes đạo diễn. Lerman cho biết Sam thực sự yêu thích cách tiếp cận trung thực đó và sẽ còn lặp lại trong nhiều tác phẩm của mình sau này.
"1917" là tác phẩm thuộc mảng đề tài phản chiến do Sam Mendes đồng biên kịch và đạo diễn. Bộ phim được thực hiện dựa trên câu chuyện có thật được cựu binh Lance Corporal Alfred H. Mendes (Ông nội Sam Mendes) kể lại.
"1917" do Universal Pictures sản xuất, công chiếu lần đầu tại Anh vào ngày 4/12/2019 và phát hành tại Hoa Kỳ ngày 25/12/2019. Phim nhận vô số lời khen ngợi về âm nhạc, quay phim, bối cảnh và màn hóa thân của nam chính.
"1917" đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng lớn, nổi bật nhất gần đây là chiến thắng thuyết phục ở Hạng mục phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Quả cầu vàng. Phim đồng thời nhận 10 đề cử tại Oscar 92, bao gồm 3 hạng mục quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Trúc An (SHTT)