11 Tháng 5 Ngày - bộ phim đánh dấu màn Nam tiến đầu tiên của Khả Ngân đã đi được quá nửa chặng đường và dần chinh phục được không ít khán giả. Thay vì vô số lời chỉ trích như ở giai đoạn khoảng 10 tập đầu tiên về tính cách nhân vật cũng như diễn xuất của Khả Ngân, thời điểm hiện tại, phim nhận được nhiều lời khen vì sự đầu tư chỉn chu cho hình ảnh, bối cảnh, âm nhạc. Diễn xuất của Khả Ngân cũng được khen ngợi là dễ chịu và dễ thấm hơn. Tuy nhiên, 11 Tháng 5 Ngày vẫn nhận về không ít bình luận trái chiều, và lần này là vì kịch bản.
Lời thoại đậm chất triết lý, nghe nhiều phát bực lên được
Lời thoại là một hạn chế của 11 Tháng 5 Ngày khi những từ ngữ biểu cảm mạnh hoặc gần gũi với giới trẻ gần như không được đưa lên phim. Thay vào đó, ngôn từ của các nhân vật đa phần đều rất hoa mỹ lại thêm cách nhấn nhá, ngắt nghỉ, nhả thoại đầy kĩ thuật của các diễn viên, nghe vài ba lần thì hay chứ tới vài chục tập phim thì quả là có chút mệt mỏi. Đặc biệt là trong những câu chuyện của hai nhân vật chính, Nhi (Khả Ngân) và Đăng (Thanh Sơn), khán giả đôi khi cảm thấy phát bực vì những màn "dạy đời" nhau bằng loạt lời thoại đậm chất triết lý của họ.
- Tại sao mọi người cứ luôn đề cao những thứ yếu đuối hi sinh vô nghĩa vì người khác vậy. Trong khi thứ duy nhất cần được trân trọng là gì anh biết không? Là bản thân mình.
- Thục Anh nó chọn cách hi sinh để gìn giữ những thứ tốt đẹp còn lại của tình yêu, để rồi được gì, được gì ngoài đứa trẻ không cha và một thằng tồi không phải trả giá?
- Cả tôi và cô đều không có đủ tư cách để nói về sự được mất trong cuộc đời người khác vì chúng ta không sống cuộc đời của họ, những gì mà chúng ta trải qua không giống như họ và điều quan trọng nhất là chúng ta không thể đau hộ nỗi đau của họ.
- Tôi đã chứng kiến những tháng ngày của mẹ,không lúc nào được thanh thản, tôi đã thấy nỗi đau của mẹ khi không làm được cái điều quá đỗi đơn giản với bà nội tôi là sinh ra một đứa con trai.
- Cái ngày mà cuộc đời của mẹ tôi kết thúc và tôi đã ở đó. Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được tất cả mọi thứ, việc mà tôi có thể làm là đứng nhìn mẹ hi sinh chịu đựng, nhìn mẹ cố gắng đến kiệt quệ chỉ để làm tròn trách nhiệm, cái thứ trách nhiệm chết tiệt ấy.
Đây chỉ là một đoạn hội thoại khá ngắn (đã được lượt bớt) của hai nhân vật Đăng - Nhi nhưng khán giả lại có thể rút ra cả một rổ chân lý với những lời thoại mà chắc chắn ở ngoài đời, con người ta không dùng để giao tiếp với nhau. Thiết nghĩ, nếu con người thực sự nói chuyện với nhau bằng cách này thì mỗi người sẽ đều sở hữu một bộ não của bậc hiền triết, để hoa mỹ hóa những lời nói dung dị thường ngày, dĩ nhiên đây là điều không cần thiết.
Tình tiết bắt đầu trở nên lê thê
Nói lê thê có lẽ cũng không hoàn toàn đúng nhưng câu chuyện ở 11 Tháng 5 Ngày hiện tại đang diễn ra khá chậm, thậm chí suốt cả một tập phim chỉ được gói gọn bằng vài ba cuộc hội thoại của nhân vật. Trong những diễn biến gần đây, biên kịch dành khá nhiều thời gian để giải quyết câu chuyện của Thục Anh (Lương Thanh), ngoài tình tiết khá hấp dẫn xoay quanh việc lật mặt gã Sở Khanh tên Dũng thì phim được cài cắm không ít trường đoạn dài lê thê, tất cả chỉ để phục vụ cho việc các nhân vật cãi vã, giáo huấn hoặc an ủi lẫn nhau.
Là một bộ phim trẻ trung, màu sắc, bối cảnh đều đẹp mắt nhưng kịch bản đôi khi lại không được đồng bộ với sự "trẻ" ấy. Biên kịch dành quá nhiều thời lượng cho những màn đối thoại lê thê, lề mề khiến một vài tập phim cũng cũng trở nên dài dằng dặc tới mức buồn ngủ.
11 Tháng 5 Ngày lên sóng vào 21h40 thứ Hai đến thứ Tư hàng tuần trên kênh VTV3.
Theo Lin (Trí Thức Trẻ)