Bridge of Spies (biên kịch Matt Charman, Ethan Coen & Joel Coen): Lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật, đội ngũ biên kịch tạo nên câu chuyện về mặt trận không tiếng súng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi Mỹ và Liên Xô đang ở thế đối đầu căng thẳng nhất, một luật sư tại Brooklyn, New York có nhiệm vụ đại diện cho chính phủ xứ sở cờ hoa trao đổi con tin với cường quốc châu Âu. Không có những cảnh hành động rượt đuổi, nhưng Bridge of Spies vẫn lôi cuốn người xem cho tới tận phút chót bởi phần cốt truyện kịch tính, chặt chẽ, giàu chi tiết, nhưng cũng không kém phần cảm động. Ảnh: Fox |
|
Ex Machina (biên kịch Alex Garland): Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên mà nhà biên kịch nổi tiếng đồng thời trực tiếp làm đạo diễn. Có cốt truyện khá đơn giản khi đặt ra giả thiết rằng con người đã chế tạo thành công một người máy hoàn hảo và có thể chung sống với nhân loại, nhưng xuyên suốt Ex Machina là hàng loạt những chi tiết mang đậm tính triết học, đòi hỏi người xem phải tư duy, động não. Đây cũng là bộ phim chứa đựng một trong những đoạn kết ám ảnh nhất của điện ảnh thế giới năm 2015. Ảnh: A24 |
|
Inside Out (biên kịch Pete Docter, Meg LeFauve, Josh Cooley): Xưởng hoạt hình Pixar chứng tỏ đẳng cấp khi trình làng Inside Out hồi mùa hè 2015 và thu về 856 triệu USD toàn cầu. Chuyến hành trình của năm cảm xúc Vui, Buồn, Giận, Sợ và Chảnh trong tâm trí cô bé 11 tuổi Riley không chỉ chinh phục các em nhỏ, mà còn chạm đến trái tim của khán giả lớn tuổi, giúp đây được đánh giá là tác phẩm hay nhất đến từ Pixar kể từ Toy Story 3 (2010). Giới truyền thông quốc tế cho rằng lẽ ra Inside Out nên nhận được cả đề cử cho Phim truyện xuất sắc, thay vì chỉ Phim hoạt hình và Kịch bản gốc xuất sắc. Ảnh: Disney |
|
Spotlight (biên kịch Josh Singer & Tom McCarthy): Cuộc điều tra về nạn ấu dâm trong giới Nhà thờ Công giáo tại Boston, Mỹ của các phóng viên tờ The Boston Globe hồi năm 2001 được biến thành một tác phẩm điện ảnh lôi cuốn, giàu cảm xúc và có thể truyền cảm hứng cho cả những người làm báo, lẫn những nạn nhân của “thứ bệnh dịch” tương tự trên toàn thế giới. Spotlight đặt ra câu hỏi lớn về niềm tin tôn giáo khi nó bị vấy bẩn bởi chính những người truyền bá. Cùng với The Big Short và The Revenant, đây là một trong ba tác phẩm có nhiều khả năng nhận giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: Open Road Films |
|
Straight Outta Compton (biên kịch Jonathan Herman & Andrea Berloff): Là câu chuyện về nhóm nhạc hip hop huyền thoại N.W.A., nhưng Straight Outta Compton thực tế còn là tiếng nói về nạn phân biệt chùng tộc đối với người da màu, những xung đột tầng lớp giàu nghèo và vấn đề tự do ngôn luận tại nước Mỹ. Bởi thế mà khi ra mắt hồi mùa hè 2015, bộ phim có kinh phí chỉ 28 triệu USD vượt qua nhiều ông lớn tại phòng vé, thu về tới hơn 200 triệu USD và nhận được nhiều lời khen có cánh từ giới phê bình. Ảnh: Universal |
|
The Big Short (biên kịch Charles Randolph & Adam McKay): Chuyện phim dựa trên cuốn sách ăn khách The Big Short: Inside the Doomsday Machine của nhà báo Michael Lewis. Kịch bản điện ảnh do Randolph và McKay thực hiện đã nỗ lực miêu tả cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 tại Mỹ xuất phát từ bong bóng địa ốc vỡ tan dưới nhiều góc độ, với giọng điệu châm biếm, mỉa mai và đầy cay đắng. Cái khó của họ là phải tìm cách giải thích cho khán giả nhiều thuật ngữ tài chính xa lạ nhưng rất quan trọng trong đường dây cốt truyện. The Big Short cũng có tên ở hạng mục Phim truyện xuất sắc và mới thắng giải cao nhất của Hiệp hội Sản xuất phim nước Mỹ (PGA). Ảnh: Paramount |
|
Brooklyn (biên kịch Nick Hornby): Dựa trên cuốn tiểu thuyết được ca ngợi cùng tên của Colm Tóibín, Brooklyn là câu chuyện cảm động về một cô gái người Ireland nhập cư tới New York, Mỹ trong thập niên 1950 và nhận được nhiều sự giúp đỡ tại nơi đất khách quê người. Biên kịch Nick Hornby đã chuyển tải thành công những cung bậc cảm xúc trong chuyến hành trình của nhân vật chính Eilis từ sách sang kịch bản phim. Dĩ nhiên, công lớn còn đến từ Saoirse Ronan và người đẹp 21 tuổi cũng nhận được đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Fox |
|
Carol (biên kịch Phyllis Nagy): Giống như Brooklyn, Carol cũng lấy bối cảnh tại New York, Mỹ vào thập niên 1950. Tuy nhiên, đây là câu chuyện tình đồng tính éo le giữa hai người phụ nữ khác biệt về xuất thân, tính cách, và được dựa trên cuốn tiểu thuyết The Price of Salt của Patricia Highsmith. Kịch bản phim đầy lãng mạn nhưng không kém phần day dứt, được kể lại đầy tinh tế qua diễn xuất tài tình của Cate Blanchett và Rooney Mara. Tất cả giúp Carol trở thành bộ phim đồng tính được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua. Tiếc là phim lại không nhận được đề cử ở hạng mục Phim truyện xuất sắc. Ảnh: Weinstein Company |
|
The Martian (biên kịch Drew Goddard): Fan của cuốn tiểu thuyết The Martian do Andy Weir chắp bút rất hài lòng với phần kịch bản chuyển thể đến từ Drew Goddard. Và Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) cũng đồng tình khi trao đề cử cho The Martian. Các chi tiết liên quan đến khoa học và sự sống trên sao Hỏa được giản lược nhưng vẫn giữ được độ chính xác cao. Ngoài ra, tinh thần lạc quan xuyên suốt bộ phim cũng là yếu tố giúp The Martian được khen ngợi. Ảnh: Fox |
|
Room (biên kịch Emma Donoghue): Emma Donoghue cũng chính là tác giả cuốn tiểu thuyết gốc Room - tác phẩm văn học từng lọt vào danh sách rút gọn giải thưởng Man Booker Prize danh giá năm 2010. Chuyện phim là cuộc đấu tranh sinh tồn của hai mẹ con Ma - Jack khi họ bị một gã biến thái giam cầm, bạo hành và lạm dụng suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, điều khiến Room trở nên đáng nhớ là cuộc chiến của Ma và Jack không dừng lại ngay khi họ thoát ra ngoài, bởi những hậu chấn tâm lý đang chờ đợi họ cũng là rất kinh khủng. Ảnh: A24 |