Cô cá xanh đãng trí Dory là nhân vật được yêu thích nhất của Pixar nói riêng và Disney nói chung; còn anh chàng bạch tuộc Hank là nhân vật hoạt hình khó nhất họ từng tạo ra.
1. Finding Nemo là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Pixar được đề cử Oscar
Chuyến phiêu lưu tìm kiếm cá hề con Nemo đem về cho Pixar giải Oscar đầu tiên vào năm 2003, sau 8 năm sản xuất phim hoạt hình. Ít ai nhớ rằng, thời điểm này Pixar vẫn còn là một xưởng hoạt hình độc lập, được Steve Jobs và công ty Apple góp vốn để duy trì hoạt động. Tới năm 2006, "ông lớn" Disney mới mua lại Pixar và tiếp nối những thành công của hãng.
Finding Nemo được đề cử tổng cộng 4 giải Oscar và chiến thắng ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất. Bộ phim lọt vào Top 10 phim hoạt hình xuất sắc mọi thời đại do Viện phim Mỹ bình chọn năm 2008. Không chỉ vậy, Finding Nemo còn thắng lớn tại phòng vé với 921 triệu USD doanh thu toàn cầu, xứng đáng với danh hiệu phim ăn khách thứ nhì trong cả năm 2003.
2. Dory là nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất
Vượt mặt hai nhân vật chính Nemo và Marlin, thậm chí những nhân vật đình đám sau này của Disney như Baymax cũng chỉ xếp sau Dory về mức độ… được hâm mộ. Trang fanpage riêng của Dory có hơn 25 triệu lượt Likes. Cô nàng cá xanh đãng trí giữ vững danh hiệu nhân vật hoạt hình được yêu quý nhất của cả Pixar và Disney.
3. Khác biệt cơ bản của Finding Nemo và Finding Dory
Được coi như phần tiếp theo của Finding Nemo với kịch bản là một cuộc tìm kiếm, đồng thời quy tụ một số nhân vật được yêu quý của bộ phim trước, nhưng Finding Dory có một điểm khác biệt căn bản so với siêu phẩm hoạt hình năm 2003. Đó là cuộc đấu tranh của nhân vật chính. Nếu trong Finding Nemo, cá hề Marlin gặp phải cả vấn đề khách quan và chủ quan, thì cô cá Dory trong bộ phim của mình lại phải đối mặt với vấn đề chủ quan nhiều hơn: chứng mất trí nhớ ngắn hạn.
Các nhà làm phim tiết lộ rằng họ rất khó khăn khi xây dựng câu chuyện của Dory. Họ muốn căn bệnh của Dory phải là thứ gì đó vui vẻ, đáng được ca ngợi, chứ không phải biến Dory thành một nhân vật hài hước và ngu ngốc. Khán giả sẽ thấy Dory đấu tranh từng ngày giải quyết vấn đề của mình.
4. Mất ba năm rưỡi để lên kế hoạch cho từng khuôn hình
Quá trình làm phim hoạt hình luôn tốn thời gian, nhất là khi Disney/Pixar vốn cực kỳ tỉ mẩn. Con số 3 năm rưỡi không hề đáng ngạc nhiên so với 13 năm để đưa bộ phim này ra rạp. Riêng phân cảnh Dory tới Viện Hải Dương học lần đầu tiên đã "ngốn" tới 146 lần quay, 13 tháng và 18 nghệ sĩ hoạt hình tham gia hoàn thiện.
5. Bộ phim vừa gần gũi lại vừa hoài cổ
Đạo diễn Andrew Stanton là người làm nên thành công của Finding Nemo năm 2003. Khi bắt tay thực hiện Finding Dory, ông muốn khán giả cảm thấy mình đang chứng kiến một câu chuyện thú vị từ một người mà mình biết rất rõ. Chính vì vậy, bối cảnh phim được đặt ra chỉ 6 tháng sau khi cuộc tìm kiếm Nemo kết thúc. Khán giả sẽ không thấy những yếu tố quá hiện đại xuất hiện trong Finding Dory, ví dụ như mạng xã hội, như các bộ phim hoạt hình gần đây.
6. Nhiều nhân vật nữ hơn
Finding Dory sẽ có nhiều nhân vật nữ góp mặt hơn so với Finding Nemo. Điểm danh sơ sơ đã có Jenny – mẹ của Dory, Destiny – cá mập voi, bạn thời thơ ấu của Dory… Lý do cho việc có nhiều nhân vật nữ đơn giản là vì đội viết kịch bản phim có nhiều nữ, đứng đầu là Victoria Strouse.
7. Con người xuất hiện ít hơn
Câu chuyện tập trung vào các sinh vật biển, vậy nên mặc dù có quang cảnh Viện Hải Dương Học và tác động của loài người trong chuyến phiêu lưu của Dory, nhưng con người luôn được đơn giản hóa để tránh mất tập trung cho khán giả. Thường thì nhân vật người sẽ ở dạng bóng, hoặc xuất hiện tay chân, giọng nói, cùng một số thủ thuật khác.
8. Hank là nhân vật hoạt hình khó nhất Pixar từng tạo ra
Concept Art 1 cảnh có Hank |
Đây là nhân vật đầu tiên được tạo bởi sự kết hợp giữa nghệ thuật và hoạt hình máy tính. Mất khoảng 1 năm chỉ để tạo ra Hank, với sự tập trung dồn vào những chiếc xúc tu sao cho chân thực. Trong phim, một cảnh có Hank xuất hiện trong bể cá mất tới sáu tháng thực hiện. Các nhà làm phim thừa nhận đây là nhân vật khó nhất họ từng làm.
9. Lý do Hank có 7 chiếc xúc tu
Mỗi nhân vật trong Finding Dory đều có một khiếm khuyết nào đó. Dory thì mất trí nhớ ngắn hạn, Hank mất một chiếc xúc tu, Bailey hỏng bộ phận radar sinh học còn Destiny thì bơi không được giỏi. Ít ai ngờ rằng, lý do cho việc này xuất phát từ chuyện các nhà thiết kế không thể ráp đủ số xúc tu vào bạch tuộc Hank!
Khi bắt đầu tạo ra Hank, các nhà làm phim thiết kế và chau truốt từng phần một của cơ thể Hank. Khi ghép lại, họ nhận ra chỉ có 7 chiếc xúc tu đặt vừa vặn. Sau một hồi chỉnh sửa, đạo diễn cùng các nghệ sĩ quyết định cho Hank "cụt" luôn một xúc tu và viết lại kịch bản để hợp lý hóa chi tiết đó.
10. Nam diễn viên lồng tiếng cho Nemo không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình
Hayden Rolence – lồng tiếng cá Nemo trong "Finding Dory" |
Đơn giản là bởi anh ấy đã quá lớn! 13 năm trôi qua, cậu bé 9 tuổi Alexander Gould – người lồng tiếng cho cá con Nemo - nay đã 22 tuổi và không còn chất giọng non nớt khi xưa. Các nhà làm phim phải chọn một diễn viên khác là cậu bé 12 tuổi Hayden Rolence. Quá trình thử giọng diễn ra rất lâu trước khi việc lồng tiếng bắt đầu, vậy nên Rolence được dặn dò không nên kể cho bất kỳ ai về việc cậu tham gia bộ phim này, kể cả bà cậu!
Alexander Gould cuối cùng được thu xếp một vai lồng tiếng cameo - người lái xe tải, để sống lại cảm giác tham gia vào bộ phim hoạt hình đình đám một thời.
Hai diễn viên lồng tiếng chính đều trở lại với nhân vật của họ: Albert Brooks trong vai cá bố Marlin và Ellen DeGeneres trong vai Dory. Ellen tâm sự bà hào hứng chờ đợi suốt… 13 năm, thậm chí tham gia vận động việc làm phần tiếp theo của Finding Nemo để được hóa thân thành Dory một lần nữa.
Ellen DeGeneres giới thiệu về Finding Dory trong show truyền hình nổi tiếng của mình |