"Deadpool", "Ám ảnh kinh hoàng 2" hay "Captain America: Civl War" được Times và Taste of Cinema xếp vào danh sách phim đặc sắc trong nửa năm qua.
The Lobster
The Lobster là phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn người Hy Lạp - Yorgos Lanthimos. Ra mắt lần đầu ở Liên hoan phim Cannes 2015, phim đoạt giải Jury Prize. Tác phẩm gây sốt ở các rạp chiếu nghệ thuật Bắc Mỹ và châu Âu trong hai tháng đầu năm nay.
Trong bộ phim tình yêu viễn tưởng, Colin Farrell vào vai người đàn ông độc thân bị buộc phải vào ngôi nhà chung The Hotel để tìm bạn đời. Nếu sau 45 ngày mà không tìm được ai ưng ý, anh sẽ bị biến thành động vật. Bộ phim lãng mạn được xây dựng theo phong cách hài hước châm biếm với nhiều yếu tố giễu nhại thâm thúy. Trên trang Rotten Tomatoes, phim nhận được 90% nhận xét tích cực, chủ yếu nhờ cách kể chuyện đầy sáng tạo.
The Witch
|
Nửa đầu năm 2016 có nhiều phim đầu tay xuất sắc được thực hiện. Với tác phẩm The Witch, đạo diễn Robert Eggers đưa tên tuổi mình vào nhóm các nhà làm phim được giới chuyên môn kỳ vọng khi phim đạt thành công cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật.
Chiếu lần đầu ở Liên hoan phim Sundance 2015, tác phẩm kinh dị có tiết tấu chậm, kể câu chuyện về một gia đình vào những năm 1630 gặp phải thế lực hắc ám. Giống The Conjuring của James Wan, The Witch không có những hình ảnh khiến người xem giật mình trong chốc lát. Nó chậm rãi đẩy người xem vào thế giới căng thẳng, tạo ra nỗi sợ lớn dần trong mỗi cảnh phim để mang đến một cái kết rợn người.
Deadpool
|
Bộ phim dán nhãn 17+, đẫm máu và hài hước về siêu anh hùng, đánh dấu sự trở lại rực rỡ của tài tử Ryan Reynolds sau lần hóa thân mờ nhạttrong X-Men Origins: Wolverine (năm 2009). Câu chuyện về chàng trai mắc ung thư giai đoạn cuối bỗng trở thành siêu nhân dị dạng được đạo diễn Tim Miller xử lý trung thành với truyện gốc.
Không chỉ trở thành phim 17+ ăn khách nhất lịch sử (778 triệu USD), phim còn nhận được đánh giá tích cực từ hầu hết nhà phê bình với những cảnh quay hành động mãn nhãn và yếu tố hài hước, cùng sự nhập vai xuất sắc của Ryan Reynolds.
Krisha
|
Bộ phim dài đầu tay của đạo diễn trẻ Trey Edward Shults chuyển thể từ phim ngắn cùng tên do chính anh đạo diễn một năm trước. Cốt truyện xoay quanh một phụ nữ nghiện ngập gặp lại gia đình mình vào Lễ tạ ơn sau 10 năm biệt tích.
Krisha Fairchild - người cô của đạo diễn - vào vai nữ chính cùng tên. Trước đó, họ đã làm việc cùng nhau trong ba bộ phim ngắn đầu tay của Shults. Nhiều người thân và bạn bè của Shults cũng tham gia diễn xuất, phần nhiều là do kinh phí eo hẹp.
Phim tâm lý độc lập từng đoạt cả hai giải Grand Jury và Audience Award tại Liên hoan South by Southwest Film Festival năm ngoái. Ngoài ra, tác phẩm cũng tranh giải ở hạng mục International Critics' Week tại Cannes 2015. Phim được đánh giá cao ở cách kể chuyện nhiều lớp lang và một số đột phá về cách quay.
Zootopia
|
Câu chuyện hoạt hình lấy lại phong độ cho hãng Walt Disney. Cốt truyện kể về một cô thỏ vượt qua mọi thử thách để chinh phục ước mơ làm cảnh sát. Phim được 99% bài bình luận trên báo Mỹ đánh giá tích cực. Tác phẩm có kịch bản theo khuôn mẫu cổ điển, vẽ ra thế giới đặc sắc về một thành phố như mơ. Đây là tác phẩm hiếm hoi của Disney trong vài năm trở lại đây trở thành hiện tượng ở phòng vé khắp thế giới - thu gần nửa tỷ đô sau 10 ngày chiếu.
Cây viết Rosa Prince của tờ The Daily Telegraph chỉ ra rằng nhân vật nữ chính của phim, Judy Hopps, là hình mẫu nhân vật mới của Disney. Judy Hopps cho thấy nhân vật nữ của Disney giờ hướng vào sự nghiệp, thay vì tình yêu gia đình hay tình cảm nam nữ.
Captain America: Civil War
Tập thứ 13 của loạt phim về các siêu anh hùng nâng tầm vi thế và đẳng cấp của Marvel. Tác phẩm kể về cuộc nội chiến của các siêu anh hùng Marvel, dồn nén hàng loạt nhân vật được yêu thích, đồng thời giữ nguyên tính hài hước vốn là “đặc sản” của hãng. Ở ngay cả những khoảnh khắc kịch tính nhất, khán giả vẫn có thể bật cười trước một câu thoại hay một hành động bất ngờ.
Dài hai tiếng rưỡi, phim là bom tấn xứng tầm của mùa hè khi hội tụ đủ yếu giải trí – kỹ xảo mãn nhãn, câu chuyện lôi cuốn, có chiều sâu mà vẫn hài hước, nhân vật cá tính, các cuộc đối thoại hay.
The Jungle Book
Phiên bản người đóng của The Jungle Book mang vẻ đẹp tráng lệ. Trừ diễn viên chính gốc Ấn Độ - Neel Sethi, những yếu tố trong rừng như cây cối, đá, thác nước và các nhân vật động vật được dựng 100% bằng vi tính.
Với câu chuyện khốc liệt hơn hẳn phiên bản hoạt hình năm 1967 của Walt Disney, đạo diễn tài năng Jon Favreau mang lại một góc nhìn mới cho phim. Thay vì tạo ra một phim ca nhạc dành cho thiếu nhi, Favreau đặt yếu tố hành động làm nền cho phim. Cách làm này đã mang lại thành công đáng kể với doanh thu 929 triệu USD. Tác phẩm cũng nhận vô số nhận xét tích cực của các nhà phê bình với kỹ xảo, diễn viên lồng tiếng, khả năng đạo diễn của Favreau và âm nhạc của John Debney. Nhiều người cho rằng Favreau đã tạo được một kiệt tác khác bên cạnh bộ truyện gốc của Rudyard Kipling và phiên bản hoạt hình của Disney.
Everybody Wants Some!!
Tên tuổi đạo diễn Richard Linklater thường được biết đến qua bộ ba phim tình cảm Before Sunset, Before Sunrise và Before Midnight. Ít ai biết ông còn có những bộ phim khác thú vị không kém về đời sống những người trẻ Mỹ. Lấy bối cảnh ở những năm 1980, Everybody Wants Some!! mang đậm phong cách kể chuyện của Linklater - không có trọng tâm mà thay vào đó thể hiện mối tương quan của các nhân vật trong một tổng thể phim. Tác phẩm nói về tuần nghỉ cuối cùng trước khi vào năm học mới của các chàng sinh viên trong đội bòng chày.
Sở hữu số lượng nhân vật không nhỏ nhưng Linklater thể hiện tài năng kết nối nhân vật và làm nổi bật sự đặc biệt của mỗi cá nhân trong đó. Phim nhận được 88% nhận xét tích cực trên Rotten Tomatoes. Nhiều nhà phê bình thể hiện sự ngưỡng mộ với khả năng tạo cho người xem cảm giác hoài cổ của Linklater, cùng việc sử dụng hiệu quả dàn diễn viên trẻ không có nhiều kinh nghiệm.
The Nice Guys
The Nice Guys là phim của đạo diễn Shane Black, ra mắt lần đầu ở Liên hoan phim Cannes 2016. Trong tác phẩm, Russell Crowe và Ryan Gosling vào vai hai kẻ trái tính hợp tác để cùng điều tra bê bối của những tập đoàn kinh doanh ở Los Angeles vào thập niên 1970.
Bộ phim là một thử thách với đạo diễn và hai diễn viên chính, khi họ phải đặt mình vào một vị trí hoàn toàn mới. Shane Black thử thách bản thân với dòng phim hài sau thời gian thực hiện nhiều phim hành động. Ryan Gosling từ bỏ hình mẫu điển trai lịch lãm để trở thành một kẻ tưng tửng hậu đậu, còn Russell Crowe phải trở thành một kẻ nóng nảy dù trước đây, anh thường vào vai những người đàn ông điềm đạm và sâu sắc. Tuy vậy, cả ba đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạo nên một bộ phim thành công về mặt nghệ thuật với điểm số 91% trên Rotten Tomatoes.
The Conjuring 2
Bộ phim kinh dị 17+ mới nhất của đạo diễn James Wan đập tan định kiến rằng những phần phim ăn theo thường nhàm chán. Vẫn với hai diễn viên Patrick Wilson và Vera Farmiga vào vai cặp vợ chồng ngoại cảm Ed và Lorraine Warren như phần đầu tiên, lần này James Wan đưa người xem đến với vụ án Enfield năm 1977 nổi tiếng ở Anh.
Với một câu chuyện và nhân vật gần giống như cũ, James Wan khéo léo sử dụng ánh sáng và cách quay phim để tạo nên bầu không khí căng thẳng. Tâm lý người xem luôn căng ra với những âm thanh và hình ảnh ma quái. Nhiều nhà phê bình nhận xét The Conjuring 2 dù không dọa người xem bằng cách đưa những hình ảnh giật mình như nhiều bộ phim kinh dị khác nhưng vẫn tạo được cảm giác kinh hãi.
Theo Ba Duy (VnExpress.net)