Mua tinh trùng người nước ngoài là khát khao, mong muốn của nhiều chị em muốn làm mẹ đơn thân
Mới đây, thông tin một người mẹ 29 tuổi đến từ Trung Quốc tiết lộ sang tận Mỹ mua tinh trùng và mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo khiến nhiều người sửng sốt. Toàn bộ quá trình lựa chọn tinh trùng của những người bán khỏe mạnh, có vẻ ngoài đẹp, rồi chuyện canh trứng, thụ tinh nhân tạo, đặt phôi vào tử cung đều được thực hiện tại Mỹ. Và con gái cô chào đời với vẻ ngoài lai tây rất xinh đẹp.
Mặc dù bị mạng xã hội "ném đá" rất nhiều về câu chuyện này nhưng không thể phủ nhận hiện nay có rất nhiều chị em muốn làm mẹ đơn thân, muốn sinh được những đứa con lai xinh xắn nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo từ nguồn tinh trùng của người nước ngoài.
Nhiều năm trở lại đây, thỉnh thoảng lại xuất hiện những câu chuyện về nữ giám đốc này, nữ doanh nhân kia… lặn lội sang nước ngoài mua tinh trùng để thụ tinh nhân tạo, mong ngóng một đứa con lai sớm chào đời.
Bên cạnh nguyên nhân mong muốn "sở hữu" con lai xinh đẹp, nhiều mẹ đơn thân nhiều tiền cũng cho rằng việc lặn lội sang tận nước ngoài mua tinh trùng ngoại quốc còn là vì không tin tưởng nguồn cung cấp tinh trùng trong nước, bao gồm cả chất lượng cũng như dịch vụ.
Đây là câu chuyện vốn không còn mới mẻ và thực tế tiềm ẩn nhiều hiểm họa, rủi ro nhưng đáng tiếc vì ham mê có con đẹp như người ngoại quốc, nhiều chị em vẫn âm thầm, lén lút tìm cách qua mặt để thụ tinh nhân tạo với tinh trùng người nước ngoài.
Mua tinh trùng người nước ngoài, người muốn làm mẹ đơn thân đang phải đối mặt với những gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Theo thông tư hướng dẫn về hỗ trợ sinh sản của Bộ y tế, nghiêm cấm các trường hợp mua bán tinh trùng, trứng hay phôi. Theo quy định của Luật hiến, ghép mô, tạng, tuyệt đối nghiêm cấm việc mua bán tinh trùng dưới mọi hình thức. Nếu có việc hiến tặng, xin, cho thì việc làm này xuất phát từ lòng nhân đạo chứ tuyệt đối không được mua bán".
Do đó, nếu có bất cứ hành vi mua bán tinh trùng, trứng… phục vụ cho bất cứ các đối tượng nào cũng là vi phạm pháp luật, không được phép. Với những người có hành vi này nếu bị phát hiện đều bị xử lý thích đáng. Hiện tại, Pháp luật Việt Nam cũng không cho phép thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi đối với người nước ngoài, có thể bị phạt tiền. Nếu mua – bán tinh trùng bằng cách quan hệ trực tiếp thì được xét vào hành vi mua bán dâm.
Theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định 10/2015/NĐ-CP về việc cho, nhận tinh trùng thì việc tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Mặc dù hiện nay, luật pháp nhiều nước, trong đó có nước ta, quy định cấm hoàn toàn bất cứ hình thức mua bán tinh trùng, trứng hay phôi thai, đặc biệt những người muốn nhận tinh trùng người nước ngoài… nhưng vì bị cám dỗ bởi khoản tiền lớn nên nhiều người vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này. Không thiếu những cơ sở hoạt động trái phép với những lời đường mật có cánh… khiến nhiều người bỏ một số tiền lớn để mua tinh trùng người nước ngoài với mong muốn sở hữu con lai xinh đẹp, khỏe mạnh.
Thực tế, việc mua tinh trùng người nước ngoài cũng không loại trừ những rủi ro bệnh tật tiềm ẩn đi kèm. Hiện nay, với tâm lý sính ngoại, ham mê hình thức, nhiều chị em có thể vẫn chưa biết đến những rủi ro đi kèm khi mua tinh trùng người nước ngoài - hậu quả chẳng kém gì mua bán tinh trùng trong nước vì chưa qua sàng lọc, kiểm tra cẩn thận.
Trong đó, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm rất lớn. Nguyên nhân là việc mua bán hiện nay đang bị cấm, dẫn tới hành vi làm "chui", đối tượng bán tinh trùng có thể không hoàn toàn khỏe mạnh, không được làm các xét nghiệm về bệnh di truyền, HIV, viêm gan và một số bệnh lý nguy hiểm khác.
Chưa kể, việc bán "con giống" tốt không chỉ dừng lại với một người mà có thể xảy ra với nhiều người khác nhau theo nguyên lý "mía ngon đánh cả cụm" cũng như tham lam lợi nhuận tiền bạc, điều này dẫn đến nguy cơ xác suất kết hôn cận huyết ngày càng lớn.
Theo chuyên gia, việc mua bán tinh trùng người nước ngoài không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn có thể để lại những hậu quả xấu cho cả người cho và người nhận tinh trùng. Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm bệnh tật còn là những tranh chấp pháp lý có thể phát sinh sau này.
Bình thường, việc lấy tinh trùng phải theo một quy trình chặt chẽ.
Người cho phải có sức khỏe tốt. Khi đồng ý cho tinh trùng, người này sẽ được kiểm tra máu để chắc chắn không có bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV, viêm gan B, giang mai) và kiểm tra tinh dịch đồ. Nếu kết quả tinh dịch đồ đủ điều kiện sẽ được trữ lại, trữ khoảng 3 mẫu, sau 3 tháng người cho tinh trùng này được kiểm tra lại. Nếu xét nghiệm máu âm tính với các bệnh trên, chính thức mẫu tinh trùng của người này được trữ trong ngân hàng tinh trùng và có thể để trong vài chục năm.
Mẫu tinh trùng được lấy bằng phương pháp thủ dâm, không phải quan hệ trực tiếp. Để tránh các hệ lụy như việc hai bên cho – nhận tinh trùng biết mặt nhau dẫn tới chuyện đòi con sau này, mọi mẫu hiến tại ngân hàng đều được đánh mã số và đảm bảo tính vô danh của người hiến cũng như người sử dụng mẫu. Những tinh trùng này sẽ được mã hóa và chọn ngẫu nhiên khi tiến hành hỗ trợ sinh sản.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)