Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho một người đàn ông Trung Quốc 63 tuổi, được chẩn đoán sốt rét ác tính. Người này nhập cảnh từ Bờ Biển Ngà (châu Phi) về sân bay Tân Sơn Nhất. Vì có triệu chứng sốt nên ông được đưa đến bệnh viện, lấy máu xét nghiệm. Kết quả cho thấy ông bị sốt rét với mật độ ký sinh trùng cao, suy thận, tổn thương gan...
Một cô gái khác, 24 tuổi cũng vừa xuất viện sau khi điều trị sốt rét ác tính. Cô là du học sinh từ Cameroon về TP.HCM. Triệu chứng ban đầu là sốt, uống thuốc không hạ. Đến ngày thứ 6, cô gái hôn mê, vàng da, xét nghiệm xác nhận bị sốt rét ác tính.
Ngày 1/6, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đang điều trị 2 bệnh nhân sốt rét trở về từ Angola, trong đó có một thai phụ. Các ca sốt rét xuất hiện trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, nhiều ca tử vong nên người dân xuất hiện tâm lý lo ngại. Nhất là khi, cả hai bệnh đều có triệu chứng sốt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận định, các bệnh nhân sốt rét nói trên nhiễm bệnh từ châu Phi. Bệnh do ký sinh trùng gây ra, lây truyền sang người khi bị muỗi Anophen nhiễm ký sinh trùng đốt. Loại muỗi này chỉ sống trong rừng núi, Việt Nam hiện rất hiếm người mắc sốt rét.
"Do đó người dân không cần lo xa hay hoang mang", bác sĩ Khanh nói.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, người dân chỉ nên nghĩ đến sốt rét nếu vừa đi về từ vùng lưu hành bệnh hoặc rừng núi. Ở Việt Nam, vùng lưu hành của sốt rét chủ yếu là tỉnh Bình Phước, khu vực Tây Nguyên, rừng núi, ven suối… Còn trên thế giới, 90% bệnh nhân sốt rét được ghi nhận tại châu Phi.
“Quan trọng là xác định yếu tố dịch tễ. Nếu người bệnh bị sốt vừa về từ vùng lưu hành bệnh, cần xét nghiệm xem có phải sốt rét hay không để điều trị kịp thời”, bác sĩ Quang nhấn mạnh. Ngoài ra, cần chú ý phân biệt triệu chứng sốt của bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sốt liên tục nhiều ngày, uống thuốc sẽ có đáp ứng nhưng sau đó sốt lại. Trường hợp nặng, bệnh nhân rơi vào sốc, suy đa tạng, đe dọa tính mạng người bệnh. Sốt xuất huyết lưu hành tại nước ta với đủ 4 type virus Dengue gây bệnh, đặc biệt ở vùng đô thị hóa, dân cư đông đúc.
Trong khi đó, bệnh sốt rét có đặc điểm sốt từng cơn kèm theo run người, ớn lạnh, vã mồ hôi. Mỗi ngày, người bệnh bị sốt 1 đến 2 cơn tùy loại ký sinh trùng gây ra. Mỗi khi hết cơn sốt, người bệnh sẽ rất mệt. Bệnh cũng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ở Việt Nam, sốt rét đã được kiểm soát hiệu quả. Bác sĩ Quang dẫn chứng, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là vùng “rốn” sốt rét nhưng nay các ca bệnh ngày càng ít đi. Để phòng bệnh, người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cần nằm ngủ có màn, màn chống muỗi được tẩm hóa chất diệt côn trùng và phun thuốc tồn lưu trong nhà; diệt muỗi, thoa kem, xịt thuốc chống muỗi; loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, úp vật dụng chứa nước đọng...
Với TP.HCM, bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng, căn bệnh cần lo ngại và phòng ngừa lúc này là sốt xuất huyết. Hiện TP có trên 10.000 ca sốt xuất huyết, 7 ca tử vong và nhiều ca nặng. Số ca nhiễm, ca nặng đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Tuần cuối của tháng 5, toàn TP ghi nhận 121 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là lật úp các vật dụng chứa nước đọng, không để lăng quăng sinh sôi.
Sốt rét là bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anophen. Sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới, 627.000 trường hợp tử vong, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở châu Phi.
Theo Linh Giao (VietNamNet)