Nấm da đầu hoành hành vào mùa hè, gây nhiều bức bối khó chịu
Nấm da đầu là một dạng bệnh da liễu thường gặp ở cả nam và nữ. Bệnh nấm da đầu thường xuất hiện tại những vùng da đầu, gây ra tình trạng ngứa, tróc vảy, rụng tóc và ảnh hưởng nặng nề đến ngoại hình cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc tình trạng này.
Theo BS Nguyễn Thành (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nấm da đầu. Nấm da đầu có thể lây lan từ người bị nhiễm nấm qua người không bị bệnh thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng như khăn tắm, quần áo, sử dụng chăn màn chung…
Việc vệ sinh không sạch sẽ hoặc lười vệ sinh vùng da đầu cũng tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. "Khi mồ hôi tiết ra kết hợp với tế bào da chết ở trên đầu sẽ làm cho da đầu thành nơi thuận lợi giúp nấm da đầu phát triển", BS Nguyễn Thành nói.
Bên cạnh việc để đầu quá bẩn, một số thói quen xấu cũng có thể khiến bạn bị nấm da đầu. Nhiều người thường có suy nghĩ chủ quan, để đầu vẫn còn ẩm ướt, nhất là vào mùa hè, rồi leo lên giường đi ngủ. Thậm chí nhiều người còn quan niệm để thế cho mát, ngủ sẽ dễ chịu hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể gây nên nhiều bệnh, trong đó chứng nấm da đầu là tình trạng không thể bỏ qua.
Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước bẩn có chứa vi nấm gây bệnh để gội đầu thường xuyên, hay tiếp xúc với động vật nuôi như chó, mèo… bị nhiễm vi nấm đều có thể khiến chúng ta bị nấm da đầu.
Một số triệu chứng nhận biết bệnh nấm da đầu bao gồm: Đầu xuất hiện nhiều gàu, đầu ngứa, nổi mụn, rụng tóc, thậm chí là rụng tóc thành từng đám trên da. Nấm da đầu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra Kerion - một tình trạng viêm, gây đau đớn trầm trọng của da đầu. Kerion xuất hiện với biểu hiện: da đầu sưng phồng lên, mủ chảy màu vàng trên da đầu, làm cho tóc rơi ra hoặc có thể dễ dàng kéo ra.
Xử lý đúng cách khi bị nấm da đầu, tránh biến chứng bệnh nguy hiểm
Theo BS Nguyễn Thành, nếu thấy mình có những triệu chứng của bệnh nấm da đầu cần nhanh chóng thực hiện theo các bước sau:
- Vứt bỏ hoặc khử trùng (với thuốc tẩy) các đối tượng, vật dụng có thể bị nhiễm các bào tử nấm – ví dụ, mũ, lược, gối, chăn và kéo. Điều này nhằm để ngăn ngừa tái nhiễm sau khi điều trị nấm da đầu và ngăn ngừa sự truyền nhiễm cho người khác.
- Nếu đang dùng chung khăn mặt, quần áo với bất cứ ai cần dừng lại ngay lập tức. Sử dụng khăn rửa mặt riêng, thường xuyên giặt sạch khăn sau khi đã sử dụng một thời gian.
- Kiểm tra da đầu của các thành viên còn lại trong gia đình, nếu thấy xuất hiện nấm da đầu, rụng tóc thành mảng… cần nhanh chóng đưa nhau đến khám tại bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tại đây, bạn có thể được kê toa một số loại thuốc uống cũng như thuốc bôi, dầu gội chuyên dụng để điều trị nấm da đầu.
Ngoài việc dùng thuốc, bạn có thể sử dụng một số giải pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền từ lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) như sau:
- Sử dụng bồ kết: Đem nướng quả bồ kết khô trên than đỏ rồi đun sôi với nước. Để nguội rồi gội đầu, xả lại với nước sạch nhiều lần. Trong bồ kết có thành phần saponin giúp làm sạch rất tốt.
- Lá ổi non: Lá ổi đem rửa sạch. Cho lá ổi và nước vào nồi, đun cùng nước khoảng 20 phút rồi tắt bếp chờ nguội. Gội sạch bằng dầu gội dịu nhẹ rồi dùng khăn mềm lau khô.
- Muối: Trong muối biển có chứa thành phần hóa học mang tính kháng khuẩn cao và chứ nhiều khoáng chất tốt cho da như kẽm, vitamin A... vì thế đây là một nguyên liệu trị nấm da đầu hiệu quả. Bạn lấy 3 thìa muối biển pha với nước lạnh, sau khi gội đầu với dầu gội dịu nhẹ thông thường lấy hỗn hợp nước muối vừa pha gội lại lần nữa. Để ủ trong 30 phút sau đó gội lại bằng nước sạch.
Để phòng tránh nấm da đầu, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần gội đầu đều đặn, đúng cách để loại bỏ bã nhờn, vi khuẩn xuất hiện trên da đầu. Giữ vệ sinh mũ bảo hiểm, mũ che nắng, lược chải đầu... Từ bỏ thói quen xấu như để tóc chưa khô đi ngủ, ra đường khi tóc còn ướt hoặc để tóc tự khô sau khi dính mưa...
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)