Thông tin trên VietNamNet, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, mới đây, một trường hợp bệnh nhân nam (20 tuổi) sinh viên một trường đại học lớn tại Hà Nội đến viện khám khi bệnh ung thư gan đã ở giai đoạn cuối.
"Trước đó, nam sinh không có biểu hiện bất thường. Chỉ trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân thấy đau tức vùng hạ sườn phải, gầy sút cân, chán ăn. Là thanh niên khỏe, sức chịu đựng tốt, chỉ khi đau đến mức không chịu được, nam sinh mới đến bệnh viện để thăm khám. Tuy nhiên chúng tôi chụp chiếu đánh giá và rất tiếc khi thấy toàn bộ gan là tổ chức ung thư thể thâm nhiễm trên nền viêm gan B, men gan tăng nhiều và không thể can thiệp điều trị bệnh ung thư gan mà chỉ điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ", nữ bác sĩ chia sẻ.
Do đến viện muộn, không thể can thiệp kịp thời, diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ 2 tuần sau, nam sinh xuất hiện tình trạng vàng da tắc mật. Mấy tuần sau đó, bệnh nhân tử vong.
Theo số liệu thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan là ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc cũng như tử vong ở Việt Nam.
Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng người mắc viêm gan B, C ở nước ta rất cao. Hơn nữa, Việt Nam còn là nơi tiêu thụ nhiều bia, rượu dẫn đến tăng cao tỷ lệ bệnh chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan.
Cũng theo số liệu thống kê, Việt Nam gần 70% bệnh nhân đến viện khi kích thước khối u lớn, không thể phẫu thuật được, do đó tiên lượng xấu. Đặc biệt thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19, nhiều người ngại đến bệnh viện thăm khám. Sau đó, khi hết giãn cách, số bệnh nhân ung thư gan đến viện nhiều hơn và đa số lúc này tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư gan
1. Da bị vàng hơn so với da bình thường
Phần lớn, các bệnh nhân bị bệnh ung thư gan đều có dấu hiệu này. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là vì một trong hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chỉ số sắc tố mật - Bilirubin bên trong cơ thể bị tăng bất thường do tế bào ung thư bước sang giai đoạn phát triển đã phá hủy và khiến tế bào gan bị phá hủy.
Thứ hai, ống dẫn mật bị tắc cũng như các khối u không ngừng phát triển dẫn đến dịch mật dần tích tụ lại, trong thời gian dài, xuất hiện hiện tượng vàng da.
2. Sút cân bất thường
Đây cũng là một trong những dấu hiệu ung thư gan điển hình mà người bệnh có thể chủ quan. Tham gia vào quá trình chuyển hóa và trao đổi chất là vai trò chính của gan, vì vậy, khi gan bị tổn thương, chức năng sẽ giảm, người bệnh theo đó có thể bị sút cân. Ngoại trừ trường hợp người bệnh đang thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện để giảm trọng lượng cơ thể, nếu không phát hiện được nguyên nhân khác, bạn cần đi khám kịp thời.
3. Sưng và đau bụng nhẹ
Khi phát hiện khối u lớn trong gan, ta có thể dùng tay sờ cảm nhận được. Vì vậy, bụng sưng có kèm đau nhẹ hay chướng bụng chính là một dấu hiệu cho thấy các khối u đang tiếp tục phát triển trầm trọng.
4. Cơ thể mệt mỏi
Các chuyên gia cho rằng, khi chức năng của gan suy giảm, glycogen không thể chuyển hóa thành glucose như thông thường nên dẫn đến việc thiếu hụt năng lượng trầm trọng cho cơ thể. Cũng vì nguyên do này, nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan trong giai đoạn đầu thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi, đuối sức,... Nếu tình trạng này kéo dài, bạn cũng cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh.
5. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Chức năng gan giảm tác động đến quá trình tiêu hóa - hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn nên đã gây ra các triệu chứng chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, không cảm thấy ngon miệng, trong người khó chịu, khó tiêu,… Đó cũng là lý do khiến cơ thể bị sụt cân như đã đề cập ở phần trên.
6. Nước tiểu có màu tối
Vấn đề tăng chỉ số bilirubin không chỉ khiến da bị vàng hơn mà còn thể hiện qua màu sắc của nước tiểu. Nếu nhận thấy nước tiểu chuyển từ màu vàng, vàng sẫm sang màu tối như nâu thì cần cẩn trọng với nguy cơ của bệnh ung thư gan.
7. Da mọc nhiều mụn
Mọc mụn là một hiện tượng bình thường của cơ thể trong giai đoạn dậy thì, đối với người trưởng thành là do rối loạn nội tiết nên khó phân biệt được với các bệnh lý. Khi tế bào ung thư gan hình thành, việc thanh lọc độc tố trở nên suy giảm, các chất độc bị tích tụ lại càng nhiều thì mụn trứng cá cũng xuất hiện trên mặt, thậm chí còn dẫn đến mất cân bằng nội tiết và hormone.
8. Da bị ngứa
Nếu da bạn bị mẩn ngứa mà không thể thuyên giảm dù đã dùng các loại thuốc đặc trị da liễu thì cũng không thể bỏ qua dấu hiệu ung thư gan. Nguyên nhân gây ra ngứa là từ acid mật bị lắng lại tại da nên đã kích thích tới các thụ thể của dây thần kinh cảm giác.
Muốn phòng tránh ung thư gan, đây là 5 điều bạn cần làm ngay lập tức
1. Thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine phòng bệnh
Cho đến nay, mặc dù đã được các chuyên gia nghiên cứu sâu rộng, nhưng nguyên nhân gây ung thư gan vẫn được cho là rất phức tạp và vì không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của bệnh. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ gây bệnh và xử lý mầm bệnh.
Để tầm soát ung thư gan, người ta áp dụng các phương pháp sau: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi; Đánh giá chức năng gan qua các xét nghiệm ALT(GPT), AST(GOT), GGT, định lượng Bilirubin toàn phần; Tầm soát nhiễm virus viêm gan B, C qua xét nghiệm HCV Ab miễn dịch tự động và xét nghiệm HBs Ag bằng phương pháp test nhanh; Tầm soát qua xét nghiệm định lượng AFP, CEA, CA 19.9, tầm soát u gan qua siêu âm ổ bụng hoặc CT scan vùng bụng.
Đặc biệt, xét nghiệm viêm gan B, C và chích phòng ngừa viêm gan B nếu chưa nhiễm bệnh là một cách phòng ngừa ung thư gan hữu hiệu, cần được thực hiện trước tiên. Các kết quả thống kê cho thấy có đến trên 80% bệnh nhân bị ung thư gan do tiến triển từ viêm gan virus B, 5% là do virus viêm gan C.
Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư gan (bệnh nhân viêm gan B, C, viêm gan do bia rượu, xơ gan…) nên tầm soát phòng định kỳ tối thiểu 3-6 tháng/lần.
2. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý trong sinh hoạt hàng ngày
Các thực phẩm không đảm bảo không phải yếu tố chính gây ung thư gan nhưng chúng cũng góp phần vào việc tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Do đó, nếu ăn uống cẩn thận hơn chúng ta có thể có thêm cơ hội để phòng chống ung thư gan.
Thức ăn bị mốc: Chất aflatoxin trong thức ăn bị mốc có thể gây ung thư gan, thời gian phát bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 24 tuần. Vì vậy cần bảo quản thức ăn cẩn thận, khi thấy bị mốc cần bỏ ngay, đặc biệt là đậu nành, lạc, khoai lang, mía, dầu đậu phộng.
Thực phẩm chứa lượng muối cao: Ăn thực phẩm chứa hàm lượng muối cao góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của ung thư gan. Chính vì vậy, khi chế biến thức ăn, bạn nên chế biến món ăn nhạt. Ngoài ra, dưa cà muối chua không những mặn mà có chứa một lượng nitrosamine cao được chứng minh gây ung thư gan, do vậy tốt nhất không ăn đồ muối chua hoặc ăn hạn chế.
Dầu, mỡ biến chất: Dầu mỡ để lâu sinh ra chất hóa học MDA, có thể tạo ra polymer phản ứng với protein và DNA trong cơ thể, gây đột biến cấu trúc protein, làm cho tế bào đột biến thành tế bào ung thư. Vì vậy, các chuyên gia khuyên khi sử dụng dầu thực vật và mỡ động vật không nên lưu trữ quá lâu, đặc biệt không sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần.
Đồ ăn giàu protein: Các loại thực phẩm quá giàu protein đều không có lợi cho gan, gây tích tụ các chất thải độc hại ở gan nói riêng và cơ thể bạn nói chung. Vì vậy, với một số thức ăn giàu protein có thể kể đến như trứng, cá, sữa, thịt, gia cầm..., người bệnh nên sử dụng với mức độ vừa phải. Nếu bạn lo lắng về việc người bệnh thiếu protein, bạn có thể thay thế những thực phẩm trên bằng các loại đậu để đảm bảo dinh dưỡng với lượng protein vừa phải cũng tốt cho sức khỏe.
Một gánh nặng lớn nữa cho gan đó chính là đường - xuất hiện trong các loại đồ ngọt, đồ uống giải khát, bánh kẹo…. Thói quen ăn thiên về đồ ngọt nhiều cũng sẽ mang lại phản ứng bất lợi cho gan.
3. Duy trì thái độ sống lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Rượu bia và thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan, điều này nguy hiểm hơn nếu thói quen đó có ở những người bị viêm gan B, C. Rượu bia khiến gan không thể lọc hết các chất độc, từ đó các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo, gây xơ gan mãn tính và dẫn tới ung thư gan.
Bên cạnh đó, cũng không nên sử dụng những loại thức uống có ga, không hút thuốc lá hoặc các chất kích thích khác. Bên cạnh đó, ngày nay nhiều người ngủ rất muộn và thức khuya đã trở thành một trạng thái bình thường của họ. Một số người làm việc cả ngày lẫn đêm, khiến cho gan hầu như không được nghỉ. Khi cơ quan này không được thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến việc tự sửa chữa các tế bào chết, và sẽ khiến nó rơi vào trạng thái cực kỳ mệt mỏi, dần yếu đi và bị tổn thương.
Vì vậy, lời khuyên dành cho các bạn là ngay lập tức chú ý đến việc điều chỉnh lịch sinh hoạt, chú ý nghỉ ngơi phù hợp, vận động ngoài trời với cường độ phù hợp.
4. Cân bằng cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan
Tâm trạng của bạn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì vậy, tốt nhất là bạn có thể học hỏi những cách đơn giản để kiểm soát cảm xúc của mình, luôn giữ tinh thần lạc quan.
5. Cải thiện chức năng gan kịp thời
Nếu bạn kiểm tra sức khỏe thấy chỉ số bất thường về men gan và bilirubin, nghĩa là các tế bào gan đã bị tổn thương tương đối nghiêm trọng. Hãy bổ sung các loại thực phẩm và thuốc chứa vitamin C, vitamin B và các loại thuốc khác có tác dụng tốt cho gan.
Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng quá nhiều thuốc sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể, đồng thời làm trì hoãn thời gian phục hồi chức năng gan.
PN (Nguoiduatin.vn)