Xôn xao video tế bào ung thư 'hút' vàng, 'sợ' tỏi sống: Chuyên gia Việt Nam nói gì?

06/12/2017 17:51:00

Theo TS. BS Lương Quốc Chính – Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, video này hoàn toàn là thông tin giả và gây hoang mang dư luận.

Video gây xôn xao cộng đồng mạng: Tế bào ung thư "hút" vàng, "sợ" tỏi sống 

Một video quay thử nghiệm "chứng minh" rằng các khối u ung thư "sợ" tỏi và "hút" vàng nhận được rất nhiều sự quan tâm sau khi được đăng tải công khai.

Video này được chia sẻ trên mạng xã hội Whatapp từ một nguồn giấu tên kết luận rằng, những người thường xuyên ăn tỏi có xu hướng ít bị ung thư hơn, trong khi những người thích đeo đồ trang sức vàng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Theo đó, đoạn video ghi lại việc một người lấy khối u ung thư đặt vào đĩa và thử bằng củ tỏi thì khối u teo lại co rúm, còn thử bằng vàng thì khối u hút chặt.

Từ kết quả "thí nghiệm" trong đoạn video này, một số người đã kết luận và đưa ra khuyến cáo rằng vàng có khả năng thu hút khối u và thậm chí có khả năng gây ung thư hoặc kích thích khối u phát triển. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết đây là thông tin bịa đặt.

Xôn xao video tế bào ung thư 'hút' vàng, 'sợ' tỏi sống: Chuyên gia Việt Nam nói gì?
Tế bào ung thư tự động hút nhẫn vàng. (Hình ảnh cắt từ video).

Bác sĩ tư vấn Phụ khoa và Chuyên khoa Ung bướu - Mohd Rushdan Md. Noor tại Malaysia cho rằng thông tin trong video này là giả mạo: "Đoạn video quay cảnh khối u ung thư hút vàng và co rúm lại khi tiếp xúc với tỏi là một trò lừa bịp".

Bác sĩ Mohd Rushdan tuyên bố trên một tài khoản mạng xã hội rằng: "Một số người lợi dụng ưu thế của video để đưa ra những giả định riêng cho mục đích nào đó".

Theo ông, khối u ung thư đã "chết" sau khi được phẫu thuật cắt bỏ khỏi cơ thể bởi nó đã bị "ngắt" khỏi nguồn cung cấp máu và chất dinh dưỡng từ tế bào."Vì vậy, khi bệnh nhân ung thư tử vong, các tế bào ung thư trong cơ thể cũng sẽ chết", ông nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Rushdan, khối u ung thư đã được loại bỏ thường được đặt vào dung dịch hóa chất formalin, sau đó nó sẽ được đưa tới phòng xét nghiệm bệnh lý để kiểm tra. "Chúng tôi không bao giờ để tồn lại bất kỳ khối u ung thư nào, hoặc đưa chúng cho bệnh nhân hoặc người nhà sau phẫu thuật".

"Các nhà nghiên cứu bệnh học có thể phân tích các tế bào để tìm đưa ra lý do bệnh nhân phải phẫu thuật bên cạnh các phương pháp điều trị khác".

Về nguyên tố vàng, bác sĩ này nhận định: "Một số nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng vàng có đặc tính chống ung thư mặc dù nó vẫn đang còn nhiều tranh cãi".

Chuyên gia Việt Nam: Chỉ là thông tin giả, gây hoang mang 

Theo TS BS Lương Quốc Chính – Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, video này hoàn toàn là thông tin giả và gây hoang mang dư luận.

Theo bác sĩ Chính, bình thường khi khối u được phẫu tích ra khỏi cơ thể thì không bao giờ có màu đen xì, hình thù giống cục phân như đoạn video đã đăng tải.

Thêm nữa, khi khối u bị phẫu tích khỏi cơ thể, đồng nghĩa với việc nó bị cắt đứt nguồn nuôi dưỡng, do vậy các tế bào, khối u sẽ sớm bị hủy hoại chứ không thể sống như một số status đăng tải đoạn video mô tả.

Ngoài ra, với bất cứ người bác sĩ nào, khi phẫu tích khối u ra khỏi cơ thể thì họ sẽ đặt nó ngay vào dung dịch formalin để cố định, bảo quản và gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh... chứ không bao giờ đưa nó cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Cuối cùng về việc vàng khiến khối u ung thư phát triển, bác sĩ Chính cho rằng một số loại thuốc chống ung thư như Cisplatin, Carboplatin và Oxaliplatin có thành phần chính là bạch kim.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy vàng (Gold (III)/Au) cũng có đặc tính chống ung thư như nhiều loại bạch kim khác. Các loại thuốc có bản chất là bạch kim, bạc và vàng được gọi là thuốc kim loại (metallodrugs).

Xôn xao video tế bào ung thư 'hút' vàng, 'sợ' tỏi sống: Chuyên gia Việt Nam nói gì? - 1
TS, bác sĩ Hoàng Đình Chân

Cùng quan điểm, TS, bác sĩ Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việtcho biết, thông tin trong video này hoàn toàn sai, nhảm nhí và khuyến cáo người dân không nên tin tưởng. Theo bác sĩ Chân, khối u ung thư không thể tự sống ngoài không khí và di chuyển như hình video chia sẻ.

Bác sĩ Chân cho biết, với những thông tin trên mạng xã hội như vậy chưa có kiểm chứng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – bác sĩ Việt công tác tại Mỹ cho biết thông tin đăng tải trong video này hoàn toàn không chính xác. Khối u ung thư khi được cắt bỏ khỏi cơ thể nó đã chết ngay do không còn mạch máu cung cấp.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần cho biết, qua tìm hiểu của anh video này đã từng đăng tải trên youtube là ví dụ về lừa đảo. Người quay clip có thể đã dùng chất lỏng hút nam châm (ferrofluid) và miếng nam châm bên dưới. Các bạn có thể xem thêm video khác thấy chất lỏng nam châm di chuyển thế nào.

Theo Ngọc Anh - Linh Chi (Trí Thức Trẻ)