Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về 2 toa "thuốc điều trị COVID-19" do một người tự xưng là thạc sĩ, bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ tên Đ.X.T. kê đơn.
2 toa "thuốc trị COVID-19" dùng cho mọi F0 từ nhẹ tới nặng, có bệnh nền hoặc không, 5 ngày hết bệnh?
Theo đó, thuốc "tấn công" COVID-19 do ông T. cung cấp được chia làm 2 toa.
Toa đầu tiên dành cho mọi F0 từ nhẹ tới nặng, có bệnh nền hoặc không, và toa thứ 2 dành cho đối tượng trẻ em có cân nặng dưới 15kg.
Với toa thuốc đầu tiên có 5 loại được liệt kê.
Đầu tiên là tinh dầu nhãn hiệu Đ. được quảng cáo có tác dụng "diệt virus".
Thứ 2 là một sản phẩm tên I. dùng để tăng sức đề kháng và điều hòa miễn dịch.
Thứ 3 là Azithromycine 500mg.
Hai loại còn lại là Hydroxycloroquine 200mg và Kẽm 70mg.
Ông T. lưu ý 5 ngày sau khi phát bệnh hoặc sau khi uống hết toa trên, F0 uống thêm Colchicine 1mg.
Với toa thuốc thứ 2 dành cho trẻ em dưới 15kg, "chuyên gia thẩm mỹ" bỏ đi sản phẩm I.
4 loại còn lại giữ nguyên nhưng giảm liều dùng xuống.
Ông T. cho biết sẽ phát túi thuốc hỗ trợ F0 hoàn toàn miễn phí, nhưng nếu ai có điều kiện hãy đóng góp để giúp các bệnh nhân khó khăn khác.
Chiều 30/8 trong vai người nhà một gia đình có nhiều F0, chúng tôi liên hệ số điện thoại mà ông T. cung cấp trên toa thuốc.
Bắt máy, người đàn ông xác nhận đó là toa thuốc của mình, mỗi túi thuốc hỗ trợ F0 sẽ được bỏ sẵn 5 ngày. Nếu muốn nhận thì phải chờ ngày mai nhưng không hứa trước có thể đến đúng hẹn, vì trong thời điểm này đi lại rất khó khăn.
Còn nếu cần gấp thì có thể ra tìm mua ở các tiệm thuốc tây.
Chúng tôi tỏ ý muốn xin "sơ cua" mỗi người 2 túi thuốc, phòng trường hợp uống xong vẫn chưa khỏi bệnh.
Tuy nhiên ông T. nói nếu 5 ngày không âm thì do tải lượng virus ban đầu quá cao, phải thải ra từ từ.
"Cái nào cũng phải có ngoại lệ. Lúc đó còn âm là do virus nó còn chứ không phải bệnh còn, mình không cần phải uống thuốc nữa" – người kê toa khẳng định.
Giới chuyên môn nói gì?
Chúng tôi chuyển 2 toa thuốc trên đến BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố, đơn vị đang quản lý chính BV dã chiến điều trị COVID-19 số 4 để tìm hiểu thực hư.
Xem xong, bác sĩ Nam… lắc đầu.
Ông cho biết có nhiều vấn đề trong các toa thuốc trên.
Thứ nhất, có hiện tượng lợi dụng vào nỗi lo sợ của người dân để quảng cáo, bán sản phẩm thuốc, chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, bản thân thuốc Hydroxycloroquine là "thuốc độc" nếu uống bừa bãi. Ngày xưa thuốc này được dùng để điều trị sốt rét và các bệnh lý tự miễn (như lupus).
Thời điểm mới bùng dịch COVID-19, một vài nơi trên thế giới đã từng dùng loại thuốc này. Cũng có một số hiệu quả nhưng không thể tự tiện sử dụng. Nếu uống bừa bãi có thể gây ngộ độc, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.
"Mọi người đang bị hoang mang quá đỗi, dẫn đến việc dùng được thuốc gì thì cứ dùng, "làm mồi" cho rất nhiều người xấu".
Trong tình hình hiện tại ở TP.HCM, nếu chẳng may ngộ độc thuốc thì việc nhập viện điều trị là rất khó khăn" – bác sĩ Nam nói.
Cùng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 bác bỏ công dụng thần kỳ của toa thuốc "5 ngày hết bệnh" trên.
Chuyên gia cho biết Azithromycine 500mg là kháng sinh, trong khi đó bản chất của COVID-19 là nhiễm siêu vi. Nếu uống kháng sinh thì khá khó hiểu.
Còn Kẽm là thuốc "vô thưởng vô phạt".
Riêng Hydroxycloroquine, bác sĩ Khanh nhận định nếu dùng quá liều có thể ảnh hưởng đến tim.
Phân tích chi tiết hơn, BS Lê Thiên Lam, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức chia sẻ, một số nước trên thế giới đã có nghiên cứu liên quan đến coronavirus ở bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
Kết quả là không xác định được lợi ích của Azithromycine trong việc điều trị COVID-19, bất kể nó được dùng cùng hay không với thuốc Hydroxychloroquine.
Với sản phẩm tinh dầu Đ., bác sĩ Lam cho biết thông thường tinh dầu long não được khuyến cáo không ngậm nuốt hay nhỏ trực tiếp vào miệng.
Cũng không có chỉ định dùng cho trẻ dưới 7 tuổi và phụ nữ mang thai, người huyết áp cao, người có tiền sử về bệnh thần kinh.
Do đó, không hiểu lý do gì mà ông T. cam đoan toa thuốc dành cho mọi đối tượng F0, kể cả có bệnh nền (?!)
Đặc biệt với Colchicine, đây là thuốc thường dùng để trị gout. Từ ngày 8/7/2021, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã khuyến cáo không sử dụng thuốc này cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện vì không làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong.
Với sản phẩm tên I., tháng 7/2021 đã bất ngờ được Bộ Y tế đưa vào danh sách 12 loại thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.
Tuy nhiên ngay sau đó, công văn hướng dẫn sử dụng loại thuốc trên đã bị cơ quan chức năng thu hồi khẩn cấp.
Bác sĩ Lam nhận định, chưa biết sản phẩm này có tác dụng trị COVID-19 hay không nhưng chắc chắn người dân sẽ… tốn tiền.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Đ.X.T. hiện được cấp phép hành nghề tại phòng khám thẩm mỹ ở quận 3 (TP.HCM).
Trên trang cá nhân, bác sĩ T. cũng đăng tải một số bài viết liên quan đến việc điều trị COVID-19 và khuyên dùng nhiều loại thuốc, sản phẩm khiến giới chuyên môn bất ngờ.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19 tại nhà" gồm 7 loại và phải được bác sĩ kê đơn.
Theo đó, danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc Covid-19 tại nhà có 7 loại thuốc:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol: Có loại cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg; cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.
- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: Vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
- Thuốc sát khuẩn hầu họng Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối).
- Thuốc kháng virus sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Lựa chọn một trong các thuốc sau: - Dexamethason 0,5 mg (viên nén) - Methylprednisolon 16 mg (viên nén) - Prednisolon 5mg (viên nén).
- Thuốc chống đông máu đường uống: Lựa chọn một trong 2 thuốc sau - Rivaroxaban 10mg (viên) - Apixaban 2,5 mg (viên).
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng cho biết thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu là loại thuốc bắt buộc kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định.
Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)