Ngày 19/7, trên một trang fanpage của Thái Lan đã đăng tải bức ảnh một hàm răng đang được niềng. Tuy nhiên thay vì là một hàm răng đẹp đẽ đều tăm tắp thì cư dân mạng phải phát hoảng khi thấy phần hàm trên chĩa thẳng ra bên ngoài, thậm chí còn nhìn thấy cả phần chân răng bên trong.
Theo như chia sẻ trong bài viết thì hàm răng trên là tác phẩm của một nha sĩ ở Phillipines chưa được cấp giấy phép hành nghề. Vị nha sĩ này đã dùng dây thép và tiến hành niềng răng lại. Tuy nhiên, loại dây thép này lại gây áp lực rất lớn lên răng, khiến cho hàm răng của khách hàng bị kéo ngửa ra bên ngoài. Điều quan trọng hơn là sẽ không có cách nào có thể làm cho hàm răng này quay về giống như cũ.
Niềng răng là gì?
Niềng răng là một thuật ngữ được sử dụng trong nha khoa. Nó là một phương pháp sử dụng các dụng cụ nha khoa để sắp xếp lại các răng mọc lệch lạc, hô, móm, thưa,.. giúp mang đến cho bạn vẻ đẹp thẩm mỹ cho nụ cười cũng như cho khuôn mặt.
Những nguy hiểm khi niềng răng sai cách
Niềng răng cần chọn những nơi uy tín, đảm bảo an toàn bởi nếu niềng răng không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả như:
- Sử dụng lực kéo quá mạnh khi niềng răng: Bằng cách tạo một lực kéo thông qua các mắc cài được làm bằng kim loại hoặc bằng sứ, bác sĩ sẽ dần dần điều chỉnh răng về đúng vị trí. Tuy nhiên việc điều chỉnh lực cần hết sức lưu ý vì nếu tác động lực kéo quá mạnh có thể khiến cho vùng chân răng, nướu bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ viêm chân răng, chết tủy.
- Nhổ sai răng cần thiết: Một số trường hợp cần phải nhổ bớt răng lệch, răng chèn khi niềng để hàm răng đều đẹp hơn. Tuy nhiên nếu bác sĩ nhổ sai răng thì khách hàng sẽ tốn khá nhiều thời gian để bình phục và thực hiện lại.
- Không cân bằng được khớp cắn lý tưởng: Khớp cắn lý tưởng là khi 2 hàm cắn chặt vào nhau sẽ khớp khít với nhau nhằm thực hiện tốt khả năng nhai, phát âm. Vì thế nếu bác sĩ không đưa được 2 khớp cắn cân bằng thì sau khi niềng răng vẫn có thể tái phát.
Lưu ý khi niềng răng
Khi đã niềng răng cần chú ý tới thói quen sinh hoạt, ăn uống và cách bảo vệ răng miệng để đảm bảo sự thành công cũng như tránh gây ra những hậu quả xấu:
- Ăn thực phẩm mềm: Khi niềng răng bạn không nên ăn đồ cứng, dai phải nhai nhiều. Nên lựa chọn các thức ăn mềm, dễ nhai nuốt để tránh đau mỏi hàm, hay làm lệch, đứt niềng răng. Hoa quả nên cắt nhỏ cho dễ ăn.
- Đánh răng đúng cách: Khi niềng răng, khả năng thức ăn và mảng bám mắc lại sẽ xảy ra nhiều hơn do có các móc cài, lò xo, sợi chun,... Vì vậy, cần chú ý thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ để không gây hại men răng, viêm lợi.
Lựa chọn bàn chải lông mềm và kem đánh răng có khả năng làm sạch cao. Ngoài ra, bạn cũng cần sự trợ giúp của chỉ nha khoa để loại bỏ triệt để thức ăn thừa.
Tái khám đúng hẹn: Việc đi khám theo lịch trình sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát quá trình dịch chuyển của răng để đưa ra những điều trị đúng đắn nhất.
Theo Thùy Dương (Khampha.vn)