Ann Dan tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, Trung Quốc và làm báo 6 năm. Khi công việc vẫn đang phát triển tốt, cô bất ngờ chuyển hướng, tìm cho mình một con đường mới, làm quản lý, marketing rồi trở thành một chuyên gia thương hiệu. Trải qua 2 lần hôn nhân đổ vỡ nhưng cô chưa khi nào mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân.
Hôn nhân như ngôi nhà giản dị, mong manh
+ Ở tuổi ngoài 30 và có đủ trải nghiệm từ những cuộc tình đổ vỡ trong quá khứ, chị định nghĩa thế nào về tình yêu và định nghĩa thế nào về hôn nhân?
Tình yêu như quả táo đỏ trong truyền thuyết vậy: lung linh và căng mọng. Không ai cưỡng nổi sức hấp dẫn của nó.
Nhưng hôn nhân thì khác, nó khiến tôi liên tưởng đến ngôi nhà trên thảo nguyên: giản dị và mong manh. Có nó không khó nhưng giữ được lại không hề đơn giản.
+ Nhà văn Trương Ái Linh có câu: "Hôn nhân là mồ chôn tình yêu, nhưng nếu mồ yên mả đẹp thì vẫn tốt". Chị nghĩ thế nào sau 2 lần "chôn" tình yêu vào những nấm mồ?
Tôi là một người trân trọng và tôn thờ cảm xúc của con người. Tình yêu, hôn nhân là cực hạn cho điều đó. Tôi không thích cách ví von của thế hệ trước! Họ bị trói buộc bởi những quan niệm khắt khe đến nghiệt ngã của định kiến. Không được tự do yêu đương, không dám yêu nhiều để lựa chọn, rồi bối cảnh xã hội khiến người ta chỉ đành gật đầu với một người đủ tiêu chuẩn nhưng không khiến họ đủ yêu để thay đổi bản thân, chấp nhận những điểm xấu của người kia để sống hạnh phúc.
Công việc cũng vậy, hạnh phúc cũng thế, chẳng có cái nào chỉ vì may mắn mà có được.
Hãy kéo dài tuổi thọ của tình yêu
+ Với chị, tình yêu đóng vai trò như thế nào trong hôn nhân? Người ta bảo khi kết hôn một vài năm thì tình yêu không còn nữa, vậy hôn nhân không có tình yêu chẳng phải sẽ tốt hơn sao?
Không có tình yêu thì lấy đâu ra động lực để cùng nhau dung hòa tốt xấu? Những người không yêu sống cùng nhau không khác nào phải tiếp khách từ sáng đến đêm. Giả lả, gượng ghịu... chẳng phải rất mệt mỏi sao?
Đúng là sau một vài năm kết hôn, tình yêu sẽ phai nhạt. Nhưng không phải do nó tự hết, mà bởi những thứ vặt vãnh đời thường khiến hai người hết yêu. Vậy nên, khi tình yêu còn đủ lớn, hãy dung hòa hai bên để kéo dài tuổi thọ của tình yêu. Hiểu nhau quá rồi, luôn thoải mái, dễ chịu khi ở bên người kia, còn có thể chia sẻ mọi thứ thì lý do gì ta từ bỏ mà tìm một người mới đây?
+ Rất nhiều người trẻ hôm nay chọn sống chung mà không kết hôn, để mỗi người có một khoảng tự do riêng và thích thì ra đi mà không phải lằng nhằng thủ tục giấy tờ chia chác. Nhưng nếu yêu nhau mà luôn tâm niệm thích ra đi lúc nào thì ra đi thì có phải một mối tình nghiêm túc hay không?
Đổi lại, nếu suy nghĩ người kia có thể ra đi bất cứ lúc nào nếu ta không đủ tốt thì có phải mình sẽ luôn cố gắng hoàn thiện hơn để giữ chân họ không?
Bản năng của con người rất buồn cười. Khi yêu, chưa thực sự là một phần của nhau thì ra sức tô điểm cho bản thân để chinh phục họ. Nhưng đến khi về chung một nhà, có ràng buộc về giấy tờ rồi thì mặc nhiên người ta là của mình, không đi đâu được nên chẳng cần cố gắng nữa. Họ trở nên xuề xòa, xấu xí, thô lỗ trong mắt người bạn đời. Sốc là đương nhiên!
+ Người ta thường bảo những cô gái đổ vỡ một lần là do số phận nhưng đổ vỡ lần hai là do dại dột. Chị có chạnh lòng với câu nói này không khi áp vào hoàn cảnh của mình?
Nguyên nhân là nó phải diễn ra như thế!
Tôi luôn quan niệm, những gì xảy ra là thứ chắc chắn sẽ phải xảy ra. Đó là những thử thách mà cuộc đời dành cho chúng ta, là thứ ta không được lựa chọn. Nhưng thái độ khi đối diện và bước qua là quyền của chúng ta. "Những gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn", tôi rất thích câu này.
Đừng lo giữ người khác, giữ mình đi kìa!
+ Một cuộc hôn nhân lành lặn hay sứt mẻ thì xã hội đều gán cho đàn bà. Quan điểm truyền thống, phụ nữ phải là người giữ lửa. Vậy cứ phải canh lửa như thế chẳng phải phụ nữ rất mệt mỏi sao?
Đúng, rất mệt mỏi. Xã hội đang thay đổi, tôi nghĩ quan niệm cũng cần thay đổi. Không có mối quan hệ nào vững bền được nếu một người cứ xây, một người cứ hững hờ (chứ đừng nói là phá). Tổ ấm là của chung thì cả hai người phải cùng giữ chứ! Mà đừng lo giữ người khác, giữ mình đi kìa. Giữ cho mình đủ tử tế, đủ bản lĩnh, biết san sẻ, yêu thương thì lo gì không hạnh phúc.
+ Các khóa học dạy kỹ thuật phòng the ngày càng nở rộ, các chuyên gia phòng the ngày càng có uy tín trên mạng xã hội, song các gia đình có hạnh phúc hơn không thì chưa có số liệu thống kê. Theo chị, phụ nữ có cần giỏi phòng the để giữ chồng không?
Trong marketing, bài học vỡ lòng là phải hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng để đáp ứng. Vậy, cần thiết hay không còn tuỳ thuộc vào "đối tác" của bạn có muốn hay không!
+ Có những người phụ nữ ngoài 30 đã không còn cơ hội yêu đương, lại có những người phụ nữ ngoài 50 vẫn say mê yêu đương và vẫn được nhiều người đàn ông thành đạt theo đuổi. Theo chị là vì sao?
Tuổi không còn trẻ, đổ vỡ vài lần không phải là vấn đề đâu, vấn đề là ở người đó sống, làm việc, cư xử như thế nào. Nếu là người phụ nữ có giá trị thì ở tuổi nào cũng vẫn thu hút.
+ Giữa ba tình huống: Yêu - cưới, yêu - không cưới, cưới - không yêu, chị chọn cái nào và vì sao?
Tất nhiên là phải yêu hẵng bước vào một mối quan hệ. Điều đó thể hiện sự tử tế!
Còn yêu phải cưới hay yêu không cưới đều không quan trọng. Người phương Tây có một quan điểm rất hay là họ có thể yêu một người và chung sống trong nhiều năm mà không kết hôn để chắc chắn về cảm xúc và sự phù hợp của hai người. Nên khi cầu hôn và kết hôn, họ hạnh phúc vô cùng. Vậy, cứ yêu đã, cưới hay không đâu còn là vấn đề nếu hai người thực sự hạnh phúc.
Theo ĐX (Pháp Luật & Bạn Đọc)