Tôm là loại hải sản yêu thích của nhiều người không chỉ vì ngon miệng, mà còn vì nó chứa lượng protein cao, gấp nhiều lần so với cá, trứng và sữa. Ăn tôm đã lâu, nhưng không phải ai cũng biết cách loại bỏ phần đường chỉ đen ở thân tôm (ruột tôm), bởi bộ phận này chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hơn bạn tưởng.
Mới đây, tài khoản Tik Tok nổi tiếng "Kính Hiển Vi" đã tiếp tục thực hiện đoạn clip soi ruột tôm khiến bao người phải đứng hình.
Clip soi ruột tôm dưới kính hiển vi |
Theo hình ảnh phóng đại 40 lần ở kính hiển vi có thể thấy ruột tôm là nơi chứa rất nhiều chất bẩn và kim loại nặng. Ở mức phóng đại 400 lần, có thể nhận ra có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong ruột tôm, loại vi khuẩn này có thể gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn từ vết thương cho người ăn. Ở mức phóng đại 1000 lần, có thể thấy rất nhiều vi khuẩn đang bơi lội tưng bừng, thật khó tưởng tượng kết quả sẽ ra sao nếu chúng ta tiêu thụ hết số vi khuẩn này...
Nói về ruột tôm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho hay: "Ruột của tôm là đường chỉ đen đậm nằm ngay sát trên lưng tôm thường thấy rõ hơn ở những con tôm lớn. Tôm là động vật ăn tạp, thức ăn của chúng khá đa dạng gồm côn trùng, tảo, ấu trùng, xác động vật... như vậy, ruột là nơi chứa các chất bã thải thức ăn của hệu tiêu hóa, chứa nhiều chất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại đối với sức khỏe của con người. Khi tôm được nấu chín, ruột tôm sẽ không gây hại nhưng lại có vị đắng, sẽ làm giảm vị ngon của thịt tôm".
Chính vì thế, vị chuyên gia khuyên mọi người dù ăn tôm sống hay chín cũng nên làm sạch đường chỉ đen này.
Ngoài tránh ăn ruột tôm, các gia đình cũng không nên phạm phải những đại kỵ dưới đây khi thưởng thức loại hải sản ngon lành này.
5 sai lầm cần tránh khi ăn tôm kẻo rước độc vào người
1. Tránh ăn tôm chết
Tôm tươi rất giàu histidine, nhưng khi chết histidine bị vi khuẩn phân hủy thành chất histamine gây hại cho cơ thể con người. Ngoài ra, tôm thường chứa vi khuẩn gây bệnh và các chất độc hại trong dạ dày và ruột nên sau khi chết nó sẽ rất nhanh bốc mùi, hư hỏng, không thể ăn được. Tôm chết càng lâu, chất độc tích lũy trong tôm càng nhiều, cố ăn có thể xảy ra ngộ độc.
2. Không nên ăn quá nhiều tôm một lúc
Nếu ăn tôm quá nhiều, chúng ta sẽ bị thừa chất, gây rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, khó tiêu, dẫn đến tiêu chảy… Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mọi người chỉ nên ăn khoảng 170 gram tôm mỗi tuần.
3. Không ăn tôm sống
Các loại hải sản như cua, ốc, tôm, cá có thể nhiễm ấu trùng sán, trứng sán thể bám vào các loại rau thủy sinh. Nếu ăn những thực phẩm này mà không được nấu chín sẽ khiến sán, ấu trùng chui vào cơ thể, nguy hiểm nhất là chui lên não.
4. Thực phẩm không được ăn cùng tôm
- Tôm ăn cùng bí ngô: Có thể gây ra bệnh kiết lỵ.
- Tôm dùng cùng nước ép: Có thể gây tiêu chảy hoặc ngộ độc.
- Ăn tôm cùng thực phẩm giàu vitamin C: Chất asen có trong tôm khi kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C rất dễ tạo ra chất độc gây chết người.
- Tôm kết hợp với đậu nành: Sẽ gây khó tiêu.
- Tôm ăn cùng cà chua số lượng lớn: Gây ra ngộ độc thực phẩm.
- Hạn chế ăn thịt gà và tôm: Có thể gây ngứa ngáy.
5. Những người không nên ăn tôm
- Người đang bị ho: Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), nếu ăn tôm mà không bóc vỏ, bỏ càng thì vỏ tôm và càng sắc nhọn sẽ dễ mắc ở cổ vọng, gây ngứa và tình trạng ho trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người bị dị ứng với tôm: Tôm vốn là thực phẩm giàu protein, cho nên một số người bị dị ứng với tôm sẽ nổi mẩn đỏ hoặc nổi các nốt sưng. Bạn hãy chú ý hiện tượng này để hạn chế hoặc không ăn.
- Người bị cường giáp nên ăn ít tôm: Trong tôm có chứa nhiều iốt, có thể khiến tình trạng bệnh cường giáp trở nên trầm trọng hơn.
- Người dễ bị tiêu chảy: Những người dễ bị tiêu chảy và yếu bụng thì tốt nhất nên ăn ít hải sản, trong đó có tôm để tránh xảy ra hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.
- Bệnh nhân gút bị bệnh gút, tăng axit uric máu và viêm khớp: Những người này không nên ăn tôm vì dễ gây lắng đọng tinh thể axit uric trong khớp làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Theo Đậu Đậu (Pháp Luật & Bạn Đọc)