Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến mâu thuẫn hôn nhân chính là sự bất đồng kinh tế giữa hai vợ chồng. Về nguyên tắc chung, tài chính gia đình là của chồng công vợ, đôi bên bình đẳng nhưng nhiều người đàn ông lại giữ lối suy nghĩ ích kỷ luôn cho rằng bản thân là trụ cột gia đình nên có quyền quyết định, kinh tế phải do họ cầm, không tôn trọng suy nghĩ của vợ. Từ đó dẫn đến bất hòa đôi bên, đẩy hôn nhân tới vực thẳm đổ vỡ giống như câu chuyện của người vợ trẻ mới chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây.
Câu chuyện như sau: "Em bị vỡ kế hoạch, cưới xong đẻ liền 3 năm hai đứa, nếu thuê giúp việc cũng mất ít nhất 6, 7 triệu 1 tháng. Đã vậy giao con cho họ cũng không yên tâm nên chồng em bảo vợ nghỉ việc 1 thời gian ở nhà chăm con. Đợi chúng nó lớn, mọi thứ ổn hơn đi làm lại cũng chưa muộn.
Tuy nhiên, sau khi vợ nghỉ việc, chồng em thay đổi luôn thái độ. Hàng tháng nhận lương, anh không đưa hết cho vợ như trước mà tự giữ tay hòm chìa khóa, em muốn mua sắm gì đều phải ngửa tay xin. Nhiều lúc mệt mỏi, em cằn nhằn thì anh quát vợ không kiếm ra tiền, đừng đòi hỏi cầm tiền. Bực nhất là mỗi lần có khách khứa đến chơi, chồng em toàn mang vợ ra móc máy rằng lấy vợ như lấy nợ, em không được bằng vợ người ta nên anh không được nhờ. Thậm chí, trước mặt nhà ngoại anh cũng nói như vậy khiến bố mẹ em muối mặt bao nhiêu lần.
Đợt này công việc của chồng em gặp trục trặc, anh ấy toàn giận cá chém thớt, suốt ngày đá thúng đụng nia với vợ. Đi làm về được vợ cơm bưng nước rót phục vụ tận miệng không sao, chứ về thấy nhà cửa bừa bộn, cơm chưa nấu là kiểu gì cũng quay ra nói vợ ăn bám, vô dụng.
Cách đây chục hôm, 2 đứa nhóc nhà em đều ốm sốt, quấy khóc cả ngày, em không làm ăn gì được. Gọi điện giục chồng về sớm đỡ đần mà anh vẫn đi tới 7h tối mới về. Thấy chưa có cơm, anh quát ầm rằng em ở nhà chỉ ăn với chơi mà không nấu nổi bữa cơm cho chồng. Em giải thích vài lời, chồng xua tay bảo vin lý do lý trấu. Chán quá em không nói nữa, bế con đi rửa ráy rồi cho chúng đi ngủ. Anh đói tự vào bếp nấu ăn.
Lúc sau đi ra em đã thấy chồng sắp mâm ngồi ăn nhưng lại không lấy đũa bát cho vợ. Em hỏi, anh ấy trợn mắt bảo: 'Cô có lao động gì đâu mà phải ăn đủ ngày 3 bữa'.
Thực sự khi ấy em tủi thân phát khóc nhưng cố nhịn, không rằng không nói quay về phòng. 30 phút sau anh ấy dọn mâm thì nhân viên giao hàng mang pizza tới cho em. Lão đỏ mặt bảo: 'Cô giỏi nhỉ, dám giấu tiền mua đồ ăn một mình. Để xem thằng này không đưa tiền cho nữa thì cô lấy gì bỏ vào miệng'.
Giả câm không đáp lời song liên tiếp những ngày sau đó em không nấu cơm cho chồng, cứ tới bữa lại gọi cơm hàng thật linh đình về ngồi ăn một mình. Bữa nào thanh toán cũng mất vài trăm làm chồng choáng váng. Tới ngày thứ 5, anh ấy không chịu được nữa, gằn giọng hỏi vợ: 'Cô đào đâu ra tiền mà ăn tiêu như phá mả thế?'. Lúc này em mới lên tiếng: 'Anh nên nhớ 1 điều, trước nay chưa bao giờ tôi sống phụ thuộc vào tiền anh kiếm ra nên không có anh, tôi không chết đói được'.
Vừa nói em vừa lấy điện thoại mở phần tin nhắn Banking cho chồng xem, thấy đều đặn mỗi tháng vợ đều nhận 13, 14 triệu tiền lương mà lão choáng. Lão không hề biết, ở nhà chăm con em vẫn cộng tác làm fartime cho người ta, thu nhập chẳng kém cạnh gì lúc đi làm. Mắt tròn mắt dẹt nhìn vợ, chồng em đỏ mặt không nói thêm được lời nào. Biết chồng 'đuối' hẳn rồi, em đanh giọng tiếp: 'Giờ thì anh rõ không có tiền của anh tôi sẽ thế nào rồi đó. Từ nay tôi với anh cứ sống kiểu thân ai người ấy lo thế này cho thoải mái nhỉ. Hay anh thích ly hôn luôn, để tôi viết giấy? Nhà cửa cứ chia đôi là được'.
Tới đây chồng em mới cuống cuồng nhận sai, giải thích tại thời gian này làm ăn khó khăn nên tính nết cáu gắt thế. Đấy các chị nghe thấy có bực không cơ chứ".
Theo dõi hết câu chuyện ai cũng tán thành với hành xử dứt khoát của cô vợ. Mọi người đều nhận ra 1 điều, khi tự chủ về kinh tế, trong bất cứ tình huống nào phụ nữ đều có thể ngẩng cao đầu để quyết định cuộc đời của mình chứ không phải chờ đợi sự định đoạt từ một người đàn ông vô tâm, thiếu trách nhiệm. Vậy mới nói, tự túc là hạnh phúc, chẳng gì sung sướng bằng được làm chủ cuộc sống của mình phụ nữ ạ.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)