Mẹ chồng Lan luôn coi Tuấn - con trai bà là nhất. Trong mắt bà, Tuấn chính là cục vàng, cục bạc. Bà nâng như trứng, chiều chuộng hết mực, không bắt làm việc nhà bao giờ.
Khi Lan lấy Tuấn, bề ngoài ai cũng bảo rằng cô số sướng, lấy được nhà chồng giàu có. Nhưng chỉ những ai trong chăn mới biết có rận. Thực tế Lan nhiều lần nuốt nước mắt vào trong từ ngày về làm vợ Tuấn.
Mẹ chồng luôn xét nét cô mọi mặt. Bởi lấy Tuấn về là Lan đã có chửa. Thời gian ốm nghén cô không làm được việc nhà, đã thế lại hay nhờ chồng dậy lúc nửa đêm để phục vụ mình. Mẹ Tuấn ở phòng bên thấy vậy xót con trai lắm.
Mỗi lần Lan làm sai điều gì không đúng ý bà, mẹ chồng cô liền gọi điện về tận quê nói chuyện với bố mẹ cô. Bà dùng những từ ngữ khinh miệt, dè bỉu rằng tại sao bố mẹ Lan không biết cách dạy con để cô giờ về làm dâu nhà bà thì ăn hại, cái gì cũng phải nhờ chồng.
Cũng vì căng thẳng quá khiến Lan sinh con non, đứa trẻ sức khỏe kém hơn những đứa cùng trang lứa, hay ốm sốt quấy khóc.
Suốt thời gian ở cữ, mẹ chồng Lan cũng chẳng thèm đỡ đần con dâu chăm cháu. Bà vẫn giữ thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình. Sáng đi tập dưỡng sinh rồi buôn chuyện đến trưa mới về ăn cơm. Nghỉ đến chiều thì bà lại đi sang nhà người này người nọ chơi, không thì đi hội khiêu vũ tuổi già. Nhưng cứ hễ bà về đến nhà thì Lan phải nấu xong cơm không bà lại càu nhàu.
Cả ngày Lan chỉ trông mong nhất là lúc chồng về, thay cô bế con 1 chút để nghỉ ngơi.
Cơ thể chưa kịp phục hồi còn yếu ớt, nhưng Lan làm hết mọi việc chẳng khác nào con ở. Vậy mà mẹ chồng vẫn không vừa mắt. Bà luôn nghĩ rằng cô ăn bám con trai bà, ăn bám gia đình này.
Bữa trước, Lan vừa cho con ngủ vừa tranh thủ nấu cơm, đến lúc gần xong thì con lại dậy kêu khóc. Cô mới nhờ chồng làm nốt công đoạn còn lại là sắp mâm cơm và gọi bà xuống ăn.
Nhưng khi lừa được con ngủ tiếp, Lan ngồi xuống bàn ăn thì lập tức bị bà nói kháy: "Ở cái nhà này có làm thì mới có ăn chứ cái loại ăn hại, cái gì cũng nhờ chồng thì cho ăn chẳng đáng".
Lan rơm rướm nước mắt vì tủi thân. Cô được chồng nói đỡ: "Vợ con cũng nấu cơm dọn dẹp nhà cửa rồi còn gì. Mẹ thông cảm, cô ấy chăm con cũng đã mệt mỏi lắm rồi".
Nhưng bà lại đập bàn cho rằng Lan đã "bỏ bùa" con trai bà: "Cái ngữ ấy nó cho mày ăn cái gì mà nghe nó răm rắp thế con. Cả ngày ở nhà đến bữa ăn không nấu nên hồn thì nhà ai chứa được. Tao trả tống về đằng ngoại".
Lan chịu hết nổi với mẹ chồng quá quắt này. Cô vùng đứng dậy nói: "Con lấy anh Tuấn cũng là do anh ấy 3 lần 4 lượt ngỏ lời chứ không phải dạng dễ dãi về đây để ăn bám nhà mẹ.
Lấy anh ấy con cũng phải từ bỏ giấc mơ, hoài bão của mình. Mà con cũng chưa ăn bám nhà này ngày nào. Suốt thời gian ở nhà con cũng tranh thủ hàng tối làm thêm để có tiền bỉm sữa cho con. Con hỏi mẹ từ ngày con về đây mẹ cho con được đồng nào, hay mua cho cháu được hộp sữa nào?.
Tiền chồng con đi làm thì cũng góp tiền ăn với mẹ hơn 1 nửa lương. Con cứ tưởng cùng là phụ nữ với nhau thì mẹ sẽ hiểu và thương con. Nhưng con nói thật là quá thất vọng mẹ ạ.
Nếu mẹ cảm thấy con ăn hại thì ngay ngày mai anh Tuấn sẽ ở nhà chăm con còn con đi làm cho. Tiền lương của con còn hơn anh ấy".
Ngay lúc Lan trút hết bực dọc trong người ra, mẹ chồng lại đứng đơ người ấp úng mãi không nói được thành lời.
Tuấn cũng không thể chịu đựng được sự khó tính của mẹ với vợ mình nên anh thêm lời: "Quá quắt quá thì con xin phép mẹ cho chúng con ở riêng, cơm cháo nuôi nhau cũng được". Sau đó anh dẫn cô về phòng.
Sau màn vùng lên của con dâu, mẹ Tuấn tự nhiên suy nghĩ. Từ đó bà đỡ bắt bẻ làm khó cô, thậm chí còn chủ động giúp con dâu trông cháu lo việc nhà. Bởi điều bà lo nhất là con trai mình đòi ra ở riêng và bỏ mặc thân già này một mình lủi thủi. Hơn nữa nếu Lan đòi đi làm, bà bắt con trai bà ở nhà trông con thì ai nhìn vào sẽ cười chê, mà ở nhà chăm con cũng khổ lắm chứ.
Dù suy nghĩ của bà mẹ chồng này vẫn còn tiêu cực nhưng với Lan cũng đỡ hơn trước. Bởi bà ít xét nét cô và cũng không còn gọi điện về quê "mách" bố mẹ Lan nữa.
Lan cũng thấy hôm đó mình nói hơi quá lời, nhưng giây phút tức nước vỡ bờ cô không kìm nén được. Đợi con đủ tuổi đi học mầm non, Lan sẽ đi làm để không mang danh là ăn bám!
Theo Hướng Dương HT (Nhịp Sống Việt)