Thời buổi hiện đại, tư tưởng của tầng lớp thanh niên thoáng hơn nên với nhiều người đàn ông, chuyện "tậu trâu được nghé" họ xem là song hỉ, niềm vui nhân đôi. Ngược lại vẫn có những anh chàng "dám làm" nhưng không "dám chịu" thậm chí còn phủ nhận cả những lời hứa hẹn thương yêu từng trao cho bạn gái của mình. Giống chàng trai trong câu chuyện mới được đăng tải trên mạng xã hội dưới đây.
Câu chuyện như sau: "Yêu nhau hai năm, không ít lần bạn trai chủ động muốn 'vượt rào' mà em không đồng ý. Em không bài xích chuyện 'ăn cơm trước kẻng' mà đơn giản chỉ muốn giữ cho tới khi hai đứa chính thức thành vợ thành chồng. Những lúc bị em 'từ chối', anh luôn tỏ thái độ hằn học, khó chịu bảo em không yêu, không tin tưởng bạn trai nên mới 'đề phòng' như vậy. Mỗi lần như thế, em phải giải thích rất mệt mỏi. Thành thử 'giữ' được hơn năm, anh 'đòi hỏi' quá, em cũng đành 'chiều lòng' vì không muốn tình cảm hai đứa bị rạn nứt. Hơn nữa, anh cũng luôn miệng hứa hẹn sẽ cưới ngay khi sắp xếp được công việc ổn định hơn.
Cách đây 3 tháng, em thử que 2 vạch. Khác hẳn với lời hứa hẹn lúc trước, khi em thông báo có bầu anh chỉ đáp lại vỏn vẹn 1 câu: 'Đã nói là uống thuốc vào rồi cơ mà. Em cố tình để ép cưới phải không'.
Sau rồi anh cũng quyết định cưới. Có điều hôm gặp mặt hai bên gia đình, bố mẹ em không đòi hỏi yêu cầu gì nhiều ở nhà trai, bảo để nhà anh chủ động cho thoải mái. 5 lễ, 7 lễ thế nào là tùy. Riêng khoản lễ đen là quy định bắt buộc vì đó là phong tục quê em. Bố mẹ chỉ yêu cầu nhà anh bỏ lễ 10 triệu gọi là cho có lệ, đẹp mặt trước họ hàng.
Ngay khi nhà gái thông báo có khoản lễ đó, nhà anh tỏ thái độ luôn, nói bố mẹ em cổ hủ, kết hôn do đôi bên tự nguyện còn thách cưới. Không chỉ vậy, bố mẹ anh còn mặc cả lên xuống như mua mớ rau ngoài chợ khiến gia đình em khá sốc. Tuy nhiên bố mẹ em cũng nhẹ nhàng giải thích rằng, đó là tục lệ quê hương không thể bỏ.
Không 'thỏa thuận' được, mẹ chồng tương lai em đứng dậy về trong tâm thế không lấy gì làm vui vẻ. Buồn hơn cả, ngay tối ấy bạn trai gọi em đi nói chuyện. Anh khẳng định sẽ không chuẩn bị lễ đen, rằng nếu em đồng ý như vậy thì cưới, không thì thôi.
Mặc dù ức chế nhưng em vẫn nhẫn nhịn, giải thích với anh, 10 triệu không phải là khoản lớn nhưng nó thể hiện sự tôn trọng của nhà trai dành cho nhà gái, là thể diện của cô dâu. Không ngờ anh ấy cười nhạt bảo: 'Thể diện gì nữa. Thích thể diện đã không để thế. Chửa ễnh ra, tôi cưới cho là may. Hoặc nếu thích đẹp mặt thì nhà em tự bỏ tiền vào phong bì rồi đưa anh, coi như hôm ăn hỏi anh diễn với thiên hạ'.
Ôi, em nghe mà choáng váng luôn, những gì anh nói trước đây và bây giờ trái ngược nhau hoàn toàn, cảm giác đúng là lật mặt như trở bàn tay. Ức quá em cười bảo: 'Thôi, thế thì khỏi cưới xin làm gì. Nếu anh coi việc lấy tôi chỉ là ban ơn, giải quyết cái bụng bầu thì khỏi. Coi như tôi có mắt như không nên trao thân nhầm người. Con tôi cũng không cần người bố như anh. Về bảo bố mẹ anh khỏi phải sang nhà tôi ăn hỏi nữa'.
Tuyên bố xong, em đứng dậy về. Bố mẹ nghe em kể đầu đuôi lại mọi việc, ông bà tán thành quyết định của em rồi bảo con gái cứ yên tâm dưỡng thai, lo sinh nở. Ông bà sẽ chăm con chăm cháu, quyết không gả con gái cho người chồng như vậy".
Hôn nhân là việc trọng đại cả đời người nên không thể nhắm mắt quyết định chỉ vì một lý do nào không xuất phát bởi tình yêu và sự tự nguyện của đôi bên. Theo dõi câu chuyện, nhiều người cho rằng thái độ của anh chàng trên khiến cô gái thất vọng mà muốn dừng chuyện ăn hỏi cưới xin lại cũng là điều dễ hiểu. Bởi ngay từ đầu anh đã là người nói được, không làm được, lúc yêu hứa hẹn đủ điều nhưng khi có chuyện lại không muốn chịu trách nhiệm. Một người đàn ông như thế không thể là chỗ dựa cả đời cho phụ nữ.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)