Hàng vạn hộ dân hoang mang vì nước sạch bỗng có mùi lạ nồng nặc
Bắt đầu từ trưa ngày 10/10, một số khu dân cư phía nam Hà Nội (từ Linh Đàm đến Thanh Xuân, Mỹ Đình) nhận thấy nước máy có mùi lạ. Sáng 11/10, nước chuyển sang mùi khét nồng nặc như nhựa cháy. Được biết, đây đều là địa bàn người dân sử dụng nước sinh hoạt do Công ty CP Viwaco cung cấp nước sạch. Nguồn nước này được sản xuất tại Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), chuyển về Hà Nội qua hệ thống đường ống nước sạch sông Đà.
Trên các nhóm Facebook của cư dân các cư dân tòa chung cư như HH Linh Đàm, khu Kim Văn – Kim Lũ, VP3, VP5… đều đồng loạt lên tiếng về hiện tượng nước sinh hoạt có mùi khét như vỏ dây điện bị đốt, mùi này tương tự như mùi keo dán ống nhựa. Nhiều cư dân cho biết do nước máy có mùi khét nồng nặc nên họ phải sử dụng nước sau khi đã lọc qua bằng máy lọc nước để đánh răng, rửa mặt buổi sáng.
Đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin nước sinh hoạt bán cho các hộ dân bốc mùi lạ. Công ty đã liên hệ với bên cung cấp nước là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) để tìm hiểu thì được thông tin lại, mùi "lạ" ở nước có thể do trong quá trình vận hành đơn vị đã sử dụng lượng Clo quá quy chuẩn. Tuy nhiên để xác định được nguyên nhân chính thức phải đợi kết quả kiểm tra của Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày khônh thể thiếu nhưng kết quả xác định nguyên nhân gây mùi lạ ở nguồn nước phải chờ 7 ngày sau mới có. Điều đó dẫn đến người dân vô cùng hoang mang và không dám sử dụng loại nước này để đun nấu, uống nước, tắm giặt… bởi lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình.
Để hiểu rõ hơn về clo cũng như những hiểm họa khi clo còn dư trong nước, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trả lời về vấn đề này!
Clo là gì? Ứng dụng của nó như thế nào?
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, clo ở dạng khí có màu vàng lục nhạt, nặng hơn không khí khoảng 2,5 lần, mùi hắc khó ngửi và là chất độc mạnh.
Clo có thể sử dụng để:
- Khử trùng hồ bơi, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải.
- Tẩy trắng giấy, khử trùng, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, sơn... thuốc thử cho ngành công nghiệp hóa chất.
- Trong hóa hữu cơ: Clo được sử dụng làm chất oxy hóa và chất thế hydro (chẳng hạn như trong sản xuất cao su tổng hợp).
Vì sao trong nước ăn uống và sinh hoạt lại có clo dư?
Theo chuyên gia, clo có ưu điểm hơn hẳn các chất khử trùng khác là để lại một lượng clo thừa sau khử trùng có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà. Trong một số trường hợp, thiếu clo trong hệ thống phân phối có thể gây ô nhiễm sau xử lý.
"Cái này là truyền thống, cho đến bây giờ ở Việt Nam gần như 100% vẫn sử dụng clo để khử trùng. Tuy nhiên, việc sử dụng clo khử trùng phải có liều lượng nhất định, nếu trong công tác khử trùng nước mà cho dư clo so với quy định thì người dùng sẽ ngửi thấy mùi nồng nồng, khó chịu, đó chính là mùi clo dư, hay còn gọi là nước javen", PGS-TS Trần Hồng Côn nói.
Sử dụng nước chứa clo quá mức nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe?
Theo PGS. Côn, clo có tính oxy hóa rất mạnh, mức độ cho phép ở ngưỡng ăn là 0,5-1,5mg/l, nếu như vượt qua ngưỡng cho phép của bộ y tế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tùy theo nồng độ, thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Khi người dân ngửi mùi clo trong phòng kín quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Dấu hiệu là ho, khó thở, ngoài ra vì clo có tính oxy hóa mạnh nên có khả năng gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy các tế bào hồng cầu, thậm chí có thể gián tiếp tạo ra bệnh ung thư. Việc sử dụng nước ăn có chứa clo dư cũng nguy hiểm tương tự.
Người dân có thể tự xử lý clo dư trong nước hay không?
Chuyên gia khẳng định người dân có thể sử dụng cột than hoạt tính để khử clo trước khi dùng tuy nhiên đây là biện pháp rất đắt đỏ, rất ít người ứng dụng được. Nhiều người chỉ nhau dùng máy lọc nước để khử clo cũng không khả quan bởi clo dư có thể phá hủy màng lọc nhanh chóng. Cách tốt nhất vẫn là chờ kết quả kiểm tra chính xác và nhờ vào cơ quan chức năng xử lý nước từ nguồn.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)