Mới đây, vụ việc một người mẹ ở Long An bất ngờ ném con trai gần 2 tháng tuổi từ tầng 5 của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) xuống đất, khiến cháu bé tử vong, đã gây xôn xao dư luận. Theo kết quả điều tra ban đầu của công an, người mẹ có dấu hiệu trầm cảm.
Trong khi đó, khi chia sẻ với bác sĩ, người mẹ cho biết vì con bệnh nặng, thường xuyên quấy khóc và không có tiền điều trị nên chị lâm vào stress, mệt mỏi. Bản thân người mẹ cũng không biết vì sao lại tự sát hại con ruột.
Đây chỉ là một trong rất nhiều bi kịch gia đình xảy ra trong thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
Dấu hiệu và hệ quả khôn lường của bệnh trầm cảm sau sinh
Thuật ngữ "trầm cảm sau sinh" được dùng để mô tả một loạt các thay đổi về thể chất và cảm xúc mà nhiều bà mẹ mới sinh con phải trải qua.
Báo Lao Động dẫn thông tin theo chuyên trang sức khỏe WebMD, nồng độ estrogen, progesterone và các hormone sinh sản nữ tăng gấp 10 lần khi phụ nữ mang thai. Sau đó, chúng sẽ giảm mạnh khi em bé ra đời.
Ngoài những yếu tố về mặt sinh học, sự thay đổi về thể chất, cảm xúc, tài chính và xã hội đều làm tăng nguy cơ trầm cảm. Đây được coi là một rối loạn nghiêm trọng và có thể dẫn đến những hành động cực đoan như làm hại em bé, tự tử.
Các rối loạn tâm lý sau sinh được chia ra làm 3 loại. Trong đó, baby blues là mức độ nhẹ nhất, tiếp đến là trầm cảm sau sinh và rối loạn tâm thần sau sinh.
Trang Cleveland Clinic cho hay 50-75% mẹ bỉm gặp phải tình trạng baby blues sau khi "vượt cạn". Những biểu hiện thường gặp là buồn nôn, hay khóc mà không rõ lí do, buồn bã và lo lắng. Tình trạng này thường bắt đầu trong tuần đầu tiên sau khi sinh và thuyên giảm trong vòng 2 tuần mà không cần điều trị.
Khác với baby blues, trầm cảm sau sinh nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi sinh và kéo dài đến 1 năm.
Các tổ chức y tế khuyến cáo gia đình nên quan tâm, chú ý nếu phát hiện sản phụ có các phản ứng sau: cảm thấy buồn hoặc khóc nhiều, có ý nghĩ làm tổn thương em bé hoặc bản thân, không quan tâm đến em bé, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, rối loạn ăn uống, đau đầu hoặc gặp các vấn đề về dạ dày.
Đặc biệt, khi người bệnh bắt đầu có ý nghĩ tự tử, làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, gia đình và chính sản phụ nên tìm đến sự can thiệp của y tế.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trầm cảm sau sinh có thể diễn biến xấu và trở thành rối loạn tâm thần sau sinh. Đây là một dạng trầm cảm sau sinh cực kỳ nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Tình trạng này tương đối hiếm, chỉ gặp ở 1 trong 1.000 sản phụ. Các triệu chứng bao gồm kích động nghiêm trọng, lú lẫn, cảm giác vô vọng và tội lỗi, mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác, tăng động... Rối loạn tâm thần sau sinh cần được điều trị ngay lập tức vì có nguy cơ tự tử và gây hại cho em bé là rất cao.
Nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến những đứa trẻ: người mẹ mất kết nối với con. Trẻ có thể có các vấn đề về hành vi hoặc học tập, trẻ có nguy cơ cao bị béo phì hoặc rối loạn phát triển và suy giảm các kỹ năng xã hội.
Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ sản phụ có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 10 năm (kết quả nghiên cứu năm 2017).
Có nên tách con khỏi người mẹ trầm cảm?
Để can thiệp, hỗ trợ cho bà mẹ trầm cảm sau sinh, Dân Trí dẫn lời chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng cần có những tác động theo mô hình tâm - sinh - xã (tâm lý - sinh lý - xã hội).
Các mẹ cần có những hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, được phụ giúp chăm sóc con. Vai trò của người chồng, mẹ chồng và người thân rất quan trọng. Gia đình hãy khuyến khích mẹ nói lên hết cảm xúc, khó khăn của mình. Không chỉ ca tụng, khoác lên họ "thiên chức" làm mẹ tuyệt vời mà cần phải có các hành động cụ thể trợ giúp họ.
Về góc độ sinh lý, khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh nặng, gia đình không nên theo dõi tại nhà mà cần đưa đến các cơ sở y tế để được "sơ cứu tâm lý". Sau đó, tùy tình trạng bệnh mà chuyển đến nơi có chuyên khoa tâm thần, dùng thuốc để hỗ trợ họ trong giai đoạn này.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, không nên tách đứa trẻ ra khỏi mẹ khi sản phụ đang gặp căng thẳng. Bởi việc tách rời con khỏi mẹ sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống tâm trí của trẻ, làm mẹ có cảm giác bị mất con, cách xa con. Thay vào đó hãy phụ người mẹ chăm sóc bé.
Chỉ khi mẹ có biểu hiện cực đoan, loạn thần tự phát thì mới tạm thời cho con cách xa khỏi mẹ. Khi đã can thiệp ổn hơn, cần mang đứa trẻ trở lại để hai mẹ con có sự gắn bó.
Về phía xã hội, cần có sự đầu tư, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho sản phụ.
PN (Nguoiduatin.vn)