Đôi khi, ly hôn đến từ những mâu thuẫn chẳng phải “đao to búa lớn” gì. Chỉ cần hai bên không tìm thấy tiếng nói chung, mệt mỏi với cuộc hôn nhân và không muốn bên nhau nữa, họ sẽ tính đến việc ra đi thôi. Nhiều lúc, nghe được vài câu chuyện ly hôn, người ta thảng thốt bởi chẳng có lý do gì dẫn đến chuyện ấy cả. Vậy mà cuối cùng, cuộc hôn nhân cũng phải kết thúc theo cách chẳng ai mong muốn.
“Vợ chồng em cưới nhau 5 năm nay, hai người làm công nhân viên chức bình thường. Vì con gái còn nhỏ nên em có mượn một cô giúp việc chăm bé. Nhà em cũng có mẹ chồng ở chung nữa. Bình thường, bà hay nấu nướng vì bà nấu ăn rất ngon. Cuộc sống cứ dần trôi như vậy. Gia đình cũng nhàn nhã, bình thường nhưng bây giờ, em chán nản với chính tổ ấm đấy.
Chồng em quá vô tâm các chị ạ. Em luôn cảm thấy bước về căn nhà có anh ấy thật sự rất ngột ngạt. Đêm về, hai vợ chồng chung giường, chẳng bao giờ đụng chạm vào nhau, cô đơn lắm.
Bình thường, sau khi đi làm về em toàn tranh thủ xới đất trồng rau sau nhà. Bé con cũng chạy loăng quăng lên phụ mẹ. Cô giúp việc tối sẽ về nhà mình còn mẹ chồng nấu nướng. Nghĩ thì có vẻ cái gì cũng hay cũng trơn tru nhưng chồng em luôn luôn ôm lấy máy chơi game, điện thọai vào những giây phút ấy.
Em làm xong việc thì đi tắm cho bé, tắm cho mình, giục chồng đi tắm rồi ăn tối. Bữa cơm, chỉ có em và mẹ chồng nói chuyện, chồng em im lặng, lừ đừ như thế. Ăn xong anh ôm lấy máy chơi game tiếp, đến giờ đi ngủ, quay lưng lại với em. Có lần em chạm vào anh ấy, định ôm nhưng bị gạt phắt ra, anh gắt: ‘Thả tay ngay’. Bẽ bàng quá, từ đó, em chẳng bao giờ chạm đến anh ấy nữa.
Hai vợ chồng em như hai người dưng. Chẳng có lý do gì dẫn đến như vậy cả, chồng em vốn ít nói, càng ngày lại càng lầm lì, tỏ ra xa cách vợ.
Trước đó, em có góp ý với anh ấy chuyện giúp đỡ em làm vườn, thi thoảng hỏi thăm bà nội hay nói chuyện cho nhà cửa ấm áp. Anh ấy toàn gắt gỏng: ‘Nói lắm mỏi mồm’. Thật không chấp nhận nổi đúng không ạ. Em cũng từng đề nghị chồng làm giúp mấy cái bệ trồng rau, nối ống nước, anh gạt phắt: ‘Vẽ chuyện, nước với chả non’ rồi bỏ đi. Em chịu đựng tình trạng này cả năm trời rồi.
Chồng em không đánh mắng vợ con nhưng rất gia trưởng và thích gắt gỏng, nói lời gay gắt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ban đầu em còn muốn thay đổi anh nhưng dần dần, em không còn như thế nữa. Hai vợ chồng cả ngày chẳng nói năng với nhau câu nào. Mẹ chồng có vẻ thấy không khí lạnh lẽo quá, khuyên con trai không được nên cũng về quê với bố chồng.
Cuối tuần, như người ta đưa con đi chơi công viên, gia đình dạo phố. Nhà em thì hai mẹ con đi, chồng ở nhà ôm máy chơi game. Tối hai mẹ con về, anh vẫn chơi game như thế, bát ăn mì vứt tứ tung. Em chỉ cần bảo anh rửa bát thì kiểu gì cũng bị chửi: ‘Ai khiến đụng tay vào, để đó tao làm’.
Không chỉ với em, với con anh cũng tỏ ra thờ ơ như thế. Làm bố mà chẳng tỏ ra cưng nựng con hay pha cho bé được hộp sữa. Nếu em có nói, anh sẽ quay sang gào thẳng vào mặt vợ: ‘Cảm thấy không sống được với nhau nữa thì cút đi. Thằng đàn ông không phải làm mấy cái việc thế này’.
Chịu đựng không nổi nữa. Em quyết tâm ly hôn. Em đã khóc rất nhiều vì đã đến bước đường ấy. Tính ra, giữa bọn em chỉ xảy ra xung đột vặt vãnh, chẳng có gì nghiêm trọng. Ấy vậy nhưng những sự vặt vãnh ấy đã vắt kiệt nhiệt huyết của em. Em mất niềm tin vào gia đình, tổ ấm hạnh phúc.
Ngày đưa đơn, anh trợn trừng mắt rồi bảo: ‘Cô dám à?’. Đến lúc này em việc gì mà không dám nữa. Em thu dọn xong xuôi rồi ra xe, bố đẻ em đang chờ. Em không hối tiêc cuộc hôn nhân ấy nữa và ra đi. Em kể chuyện ra, thật lòng em cũng không nói rõ được điều gì là trực tiếp nhất dẫn đến việc ly hôn. Nhưng thật sự, những thứ nhỏ bé nhất cũng góp phần khiến người ta mất niềm tin vào nó”.
Một vụ ly hôn thật sự kỳ lạ. Trong cuộc sống, có không ít những gia đình tan vỡ chỉ vì vài lí do tưởng chừng như chẳng nghiêm trọng như thế. Một khi sức chịu đựng có hạn, tất cả các phương án đều có thể nghĩ đến.
Một người chồng không thấu hiểu, thông cảm hay hỏi han vợ con thì chẳng ai có thể chịu đựng nổi. Không chỉ thế, anh ta còn gắt gỏng, gia trưởng nữa. Việc chia tay nhau chắc chắn sẽ nằm trong suy nghĩ của nhiều người nếu lâm vào trường hợp đó.
Gia đình là phải đồng cảm, thông cảm và sẻ chia. Nếu thiếu đi những thứ đó, gia đình sẽ chẳng còn trọn vẹn.
Theo Rena (Nhịp Sống Việt)