Tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện tình yêu cảm động, vợ chồng hi sinh vì nhau nhưng có vẻ nó chỉ có trên tiểu thuyết, trên phim chứ ngoài đời hàng ngày vẫn là nhan nhản đánh ghen, ngoại tình, phản bội...
Hầu hết, người ta bắt đầu 1 tình yêu hào hứng, mong ngóng được về chung 1 nhà thế nào thì lúc kết thúc cũng muốn nhanh chóng trở thành người dưng của nhau như thế. Nhưng dù xã hội có thay đổi nghiệt ngã thế nào cũng đừng vội mất niềm tin vào hôn nhân, bởi đâu đó những điều kì diệu vẫn có thể xảy ra.
Gia đình chị là vị khách hàng thân thuộc của tôi. Từ lúc chị gặp tai nạn, anh đặt đồ ăn sẵn nhiều hơn vì công việc bận rộn, thời gian rảnh anh để chăm vợ, chơi với con. Ngày trước khi tôi mới chập chững "vào nghề", người dạy tôi các công thức món ăn là chị nên anh bảo quen với vị đó và may có tôi giữ được đúng "tinh thần" anh mong muốn trong mỗi món ăn.
Rồi từ khách hàng chúng tôi trở thành bạn bè, chị thoải mái chia sẻ cho tôi nghe câu chuyện tình yêu của anh chị, cả những biến cố sau này.
Chị bảo, chuyện của anh chị không hoa mỹ hay ngôn tình gì, nó nhẹ nhàng và tự nhiên như những cặp đôi yêu nhau khác thôi. Có điều hạnh phúc chẳng được bao lâu thì tai nạn ập đến cướp đi đôi chân của chị. Chị đã từng muốn tự tử, muốn kết thúc cuộc sống sau những ngày dày vò trong bệnh viện.
Thời gian sau tai nạn chị phải ngồi xe lăn, tập quen với cuộc sống mới khó khăn vô cùng. Rồi 1 ngày, chị vô tình nghe thấy cô hàng xóm khen anh lúc anh đi chợ về: "Đảm như ông anh mình có vợ rồi cũng đầy em gái mê mệt ấy nhỉ. Nhất chị nhà đấy, lấy được chồng đẹp trai còn chu đáo". Nhưng chỉ sau khi anh quay đi họ lại nhìn nhau lắc đầu: "Ở với vợ què cụt thế kia đúng là phí đời".
Vậy là sau 1 đêm khóc ướt gối, chị quyết định đòi ly hôn - một quyết định "ngang ngạnh" đến quặn thắt tim gan. Họ mới cưới được 3 năm, anh mới bước sang tuổi 32, thanh xuân phơi phới sao có thể ở với kẻ tật nguyền như chị cả đời được. Nếu yêu anh, chị làm thế này chắc được gọi là tình nghĩa, là nhân đạo rồi.
Ngay hôm ấy, chị đập phá đồ đạc, chửi bới anh, làm mọi thứ khiến anh rời xa mình. Cuối cùng, anh đã "thua" chị, anh nhờ bà ngoại lên với chị vài ngày cho chị bình tâm. Anh vơ vài bộ quần áo cùng ít vật dụng cá nhân rồi rời khỏi nhà. Anh đi đâu chẳng ai biết, anh chỉ dặn chị hãy dành 1 tuần để suy nghĩ kĩ rồi anh sẽ trở về.
Sau 7 ngày anh xuất hiện với gương mặt xanh xao, hốc hác và 1 bên mắt băng bó. Anh bảo anh đi công tác gặp tai nạn rồi khi chị vặn vẹo vài câu anh lại nói anh bị tai nạn lao động. Anh làm thợ hàn, chấn thương thế này là chuyện bình thường. Thế nhưng sau khi đi khám và tháo băng bác sĩ bảo thị lực anh giờ rất yếu, đề phòng luôn trường hợp nó sẽ ảnh hưởng cả mắt bên kia, xấu hơn còn bị mù.
Chị khóc rất nhiều, ân hận vì đã quá nóng nảy với anh. Trong suốt 1 tuần ấy chị đã bình tâm lại, chấp nhận mọi thứ. Chị còn đứa con 2 tuổi, không thể hèn nhát với cuộc đời này được.
Trái ngược với sự lo lắng của vợ, anh nhìn chị cười: "Anh giờ kém gì em đâu, thành kẻ khuyết tật rồi. Chúng ta chẳng phải 1 cặp đôi trời sinh sao. Sau này anh có mù thì em làm đôi mắt cho anh, anh làm đôi chân cho em, đừng nghĩ đến ly hôn nữa".
Bắt đầu từ hôm ấy chị như được hồi sinh, chị chấp nhận số phận và đấu tranh kiên cường để thắng nó. Chị còn đôi tay và khối óc mà, chị vẫn viết lách, thêu thùa kiếm tiền được, không trở thành gánh nặng cho chồng. Chị cũng không gặng hỏi anh 1 tuần ấy anh đã đi đâu, làm gì và nghĩ gì nữa.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua đến khi con chị chuẩn vào lớp 4. Vào một ngày đẹp trời, con trai chị về nhà khoe bố mẹ thằng bé đoạt giải cuộc thi Olympic Toán của trường. Chị vui đến òa khóc, còn anh vô tư bê thốc thằng bé lên, bảo đưa kết quả các thứ cho bố xem. Điều đáng nói là những con số rất nhỏ trên điện thoại mà anh vẫn đọc được rõ ràng, cả đề thi của thằng bé anh cũng phấn khởi đọc đọc rồi phân tích xoa đầu khen nó giỏi.
Chị thấy lạ buông câu vu vơ: "Đuổi con ruồi trên đĩa xôi đi anh" thì anh bất giác nhìn ra phía bàn ăn rồi vẫn cười với thằng con trai đáp nhanh gọn: "Hạt vừng đen ấy mà em" rồi lại tíu tít chuyện tiếp.
Chị nhớ lại những lúc anh nheo mắt đọc mãi không rõ 1 bài báo trong điện thoại phải nhờ chị đọc hộ. Chị nhớ lúc anh làu bàu trong bếp câu muôn thuở "mắt kém làm gì cũng khó" rồi quay sang vợ "em hộ anh với, chắc mỗi em làm được cái món này chứ anh chịu". Và rất rất nhiều chi tiết như thế chị nhìn thấy trong 7 năm qua vậy mà giờ hạt vừng bé tí xíu cách xa thế kia anh còn nhìn được. Thì ra mắt anh không hề kém, anh đang lừa dối chị.
Chị khóc, chị gào lên như lòng tự trọng của mình bị tổn thương, anh làm thế để làm gì, biến chị thành trò cười trong ngôi nhà này hay muốn thương hại 1 kẻ khuyết tật như chị?
"Anh xin lỗi, anh đã giấu em nhiều thứ. Vì hôm ấy anh sợ em nghĩ quẩn nên nhờ mẹ và cô út lên với em. Anh ở chỗ làm, mọi thứ mẹ vẫn thông báo cho anh biết. Anh bị đau mắt hàn là thật. Nhưng chườm với bôi thuốc mấy hôm anh chợt nghĩ ra cách này để em khỏi mặc cảm. Anh xin lỗi, chỉ vì anh yêu em...", anh nắm lấy tay chị nói trong nước mắt. Đây là lần thứ 3 chị thấy anh khóc, lần đầu chị sinh con, lần thứ 2 chị đuổi anh đi khi chị mất đôi chân và lần này sẽ là lần cuối cùng anh khóc vì chị.
Chị bảo, vì cuộc đời đã cho ta 1 quả chanh chua thì phải kiếm thêm chút đường để được cốc nước chanh bổ dưỡng chứ đừng vứt đi. Giờ thì chị trân trọng từng phút giây được bên anh, chẳng cần nghĩ đến sự chênh lệch hay tình cảm ấy sẽ bền đến bao giờ. Bởi có thể yêu ngày nào hãy làm cho ngày yêu ấy thật vẹn tròn. Hi sinh trong tình yêu không phải là việc vô nghĩa, quan trọng là hi sinh cho đúng người.
Theo Ross (Nhịp Sống Việt)