Ly hôn là điều không ai muốn nhưng nó đã xảy ra và không gì có thể thay đổi. Thay vì bận lòng suy nghĩ ai đã gây ra lỗi, chúng ta nên học cách chấp nhận và cùng nhau vun đắp cho những mối quan hệ chung còn lại. Vậy nhưng anh chồng trong câu chuyện dưới đây sau khi ly hôn lại không có cách hành xử đúng mực với vợ con, khiến vợ anh bức xúc lên mạng xã hội than thở.
Câu chuyện như sau: "Em kết hôn năm 2013, năm 2015 thì ly hôn vì chồng ngoại tình. Lúc đó con em vừa tròn 2 tuổi.
Ra tòa, em giành quyền nuôi con. Theo quy định của tòa 1 tháng chồng phải gửi em 3 triệu tiền phụ cấp nuôi thằng bé. Song tính từ ngày ấy tới giờ cũng gần 3 năm mà em chưa nhận được 1 xu 1 hào nào từ chồng cũ.
Không chỉ vậy, sau khi ly hôn, anh ta cưới ngay ả bồ, chẳng quan tâm ngó ngàng gì tới con. Mặc dù em luôn tạo điều kiện cho anh được gần thằng bé. Bởi thật sự, hơn ai hết em hiểu, bố mẹ chia tay, con cái ở giữa là thiệt nhất. Tiếc là chồng cũ của em không nghĩ được như thế.
Sau mấy năm ly dị, em quyết định sẽ tái hôn cùng T. Anh ấy cũng khá hoàn cảnh, vợ anh mất khi đang mang bầu tháng thứ 7. Anh để tang vợ 3 năm mới quen em. Điều làm em mừng nhất là con em rất quý T. Mỗi lần anh tới nó ôm vai bá cổ rồi gọi anh bằng bố rất tình cảm tự nhiên. Bên ngoài nhìn vào chẳng ai nghĩ nó là con riêng của em hết.
Tin em chuẩn bị tái hôn đến tai chồng cũ. Hôm qua, tự nhiên anh ta tìm đến tận nhà em đòi quyền nuôi con. Có cả mặt chồng tương lai của em ở đó, anh ta bảo, anh ta chỉ chấp nhận để thằng bé cho em nuôi nếu em không đi bước nữa, dồn toàn tâm toàn sức chăm lo cho con. Còn em tái hôn, anh ta sẽ đón con về nuôi. Anh ta không chấp nhận để con mình gọi người khác là bố. Cũng không cần nhờ ai nuôi con cho mình.
Nghe giọng ngang ngược của chồng thật sự em khó chịu vô cùng. Trải qua ngần ấy thời gian, anh ta vẫn ích kỷ như trước, chỉ biết tới bản thân không bao giờ nghĩ cho người khác. Miệng nói, chân anh ta bước lại bế thốc con lên, nằng nặc đòi đón nó đi luôn khiến thằng bé sợ quá khóc ầm. T. thấy vậy chạy lại can mà anh ta hất ngược T. ra, thái độ cực mất lịch sự. Sau con em vừa khóc vừa gào: 'Con không muốn ở với bố. Con ở với mẹ và bố T. cơ. Bố bỏ con ra… con không ở với bố'.
Thằng bé gào tới lạc cả giọng, anh ta mới chịu bỏ con ra. Rời khỏi tay bố đẻ, nó chạy một mạch lại ôm T. nức nở khiến chồng cũ của em cứ ngây người nhìn. Lúc ấy em mới lên tiếng: 'Tôi chưa từng cản trở việc anh chăm lo cho con. Nhưng như anh thấy đó, con không chọn anh, vì sao chắc anh tự hiểu. Mấy năm nay anh không dành cho nó 1 sự quan tâm nào. Bảo làm sao con đón nhận anh. Kể cả có là ruột thịt đi nữa thì cũng phải vun đắp, chăm lo mới có tình cảm được. Không có gì là tự nhiên mà thành đâu'.
Đến đây thì chồng cũ em im lặng chấp nhận ra về, không dám nói thêm bất cứ 1 lời nào cả".
Theo dõi hết câu chuyện trên, rất nhiều người lên án anh chồng này thật vô tâm. Quá khứ của anh đã sai mà hiện tại anh lại không biết sửa nên mọi người phần nào hiểu vì sao ngày trước vợ cũ anh quyết định ly hôn. Chưa cần nói tới cách cư xử của anh đối với vợ cũ ra sao, nguyên việc 4 năm anh không một lời hỏi han, không gửi 1 đồng phụ cấp nuôi con như thế đã đủ nói lên sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của người bố.
Bất đắc dĩ vợ chồng mới phải chọn phương án ly hôn, đường ai lấy đi. Song dù vì lý do gì mà hai người không thể ở cùng nhau nữa thì người trong cuộc vẫn là người phải gánh chịu nhiều mất mát và tổn thương khó lành nhất. Tuy hôn nhân đã thực sự khép lại nhưng xung quanh vợ chồng vẫn còn rất nhiều mối quan hệ chung cần quan tâm như bố mẹ, con cái hoặc bạn bè.
Vậy nên sau ly hôn, chúng ta nên cố gắng tôn trọng đối phương, tôn trọng quá khứ của mình để đôi bên nhắc tới nhau như 1 ký ức đẹp. Cùng nhau lo cho con, chăm sóc những mối quan hệ chung tránh khắc thêm tổn thương không đáng có.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)