Chuối là một trong những loại trái cây nhiệt đới được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn cầu, với khoảng hơn 100 triệu tấn được sản xuất hàng năm, chiếm 16% sản lượng trái cây trên toàn thế giới. Nhưng lượng tiêu thụ nhiều đi kèm với rất nhiều lãng phí. Hầu hết chất thải tạo ra khi tiêu thụ chuối là từ vỏ với khoảng 3,5 triệu tấn mỗi năm.
Một trong những lý do khiến chúng ta vứt bỏ quá nhiều vỏ chuối là do quan niệm rằng vỏ chuối không ăn được và không hữu ích. Trên thực tế, vỏ chuối rất ngon nếu được chế biến đúng cách, và quan trọng hơn, chúng rất tốt cho sức khỏe với nhiều tiềm năng có thể được sử dụng làm thực phẩm chức năng.
Vỏ chuối rất giàu protein, chất xơ, vitamin C, vitamin A, canxi, sắt, axit amin thiết yếu, axit béo không bão hòa đa, chất chống oxy hóa và kali. Đây là một nguồn cung cấp tốt của một số catecholamines bao gồm dopamine, epinephrine, norepinephrine và serotonin, rất quan trọng đối với sức khỏe tâm thần cũng như hoạt động của hệ thần kinh và giúp kiểm soát huyết áp. Vỏ chuối cũng có đặc tính chống oxy hóa, chống tiểu đường, chống tiêu chảy, chống khối u và chống loét.
Theo Spoonshot, một công ty phân tích xu hướng thực phẩm và đồ uống, các tìm kiếm trên Google cho cụm từ 'peel as food' (vỏ ăn được) đã có sự gia tăng đáng kể trong vài năm qua, với số lượng truy cập tăng gấp 3 lần kể từ năm 2015.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trên thế giới đã có nhiều cách sáng tạo để tận dụng vỏ chuối trong chế biến thực phẩm và đồ uống.
“Thịt” từ vỏ chuối
Banana Business là một công ty khởi nghiệp của Hà Lan. Họ có ý tưởng chống lãng phí thực phẩm bằng cách sản xuất các thực phẩm làm từ vỏ chuối, trong đó có một sản phẩm nhằm thay thế cho thịt lợn. Vỏ chuối của Banana Business được chế biến với công thức hỗn hợp gia vị riêng và trở thành loại nhân thay thế cho nhân thịt, được sử dụng cho món cuốn, salad và các món ăn khác.
Công ty Aya Comfort Food của Brazil thì mang đến cho khách hàng món "Bánh mì kẹp thịt vỏ chuối nướng, với loại nhân “thịt xông khói” làm từ vỏ chuối, ớt, hành tây và cà chua”.
“Snack” từ chuối giữ vỏ sấy khô
Dope Dry Munchies là một cửa hàng bán lẻ đồ ăn nhẹ trái cây sấy khô ở San Antonio, Texas. Hầu hết các món ăn nhẹ từ trái cây khô của cửa hàng này, bao gồm kiwi, dâu tây, lê, dứa và chuối đều có vỏ. Và theo nhận xét của khách hàng, các sản phẩm này đều rất ngon. Hầu hết trái cây sấy khô thương mại cũng có sulfur dioxide hoặc các chất bảo quản khác - nhưng Dope Dry Munchies cho biết họ không cần đến chất bảo quản.
Bột vỏ chuối
Với tình trạng khan hiếm lúa mì trong hai năm qua và sự gia tăng giá lúa mì do xung đột Nga-Ukraine gây ra, bột vỏ chuối có thể là sự thay thế hoàn hảo cho bột mì. Một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy bánh mì làm từ bột vỏ chuối có hàm lượng chất xơ cao hơn bánh mì làm từ bột mì nguyên cám. Bột vỏ chuối có thể được sử dụng để làm bánh mì, mì ống và món tráng miệng.
Bánh mì vỏ chuối
Tại hiệu bánh Zingerman’s Bakehouse ở Ann Arbor, Michigan (Mỹ), món bánh mì chuối được nướng bằng bột mì hữu cơ, bơ, trứng tươi, đường mía, một chút vani Madagascar và hai quả chuối chín có vỏ.
Trà vỏ chuối
Trà được làm bằng cách đun sôi vỏ chuối trong 10 phút, có thể mang lại tất cả các lợi ích dinh dưỡng của vỏ mà không cần phải ăn chúng. Nhưng điều làm cho loại trà này trở nên nổi tiếng là đặc tính gây ngủ, do magiê và kali là chất làm giãn cơ và axit amin L-Tryptophan được chuyển đổi thành 5-HTP trong cơ thể để sản xuất các kích thích tố gây ngủ như serotonin và melatonin.
Các chuyên gia ẩm thực và dinh dưỡng nhận định rằng thực phẩm từ vỏ chuối sẽ trở nên phổ biến với những người theo chế độ ăn thực vật do có nhiều công dụng tuyệt vời, giàu giá trị dinh dưỡng. Các phương tiện truyền thông ở Anh, Mỹ…cũng đang ra sức ủng hộ cho trào lưu này qua kênh truyền hình và trực tuyến.
Còn nếu như bạn vẫn chưa cảm thấy thuyết phục, thì thay vì vứt bỏ vỏ, hãy thử cắt nhỏ và ngâm trong nước để tạo thành “nước vitamin” cho cây trồng trong nhà hoặc sử dụng chúng làm phân trộn. Vỏ chuối cũng có hiệu quả trong một loạt phương pháp làm đẹp và thậm chí có thể dùng để đánh giày! Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc giảm lãng phí thực phẩm bằng cách giữ cho nguồn tài nguyên quý giá này không bị chôn lấp.
Theo Sỹ Anh (Phụ Nữ TPHCM)