Virus nCoV tấn công bệnh nhân nặng, gây tử vong ở Việt Nam thế nào?

17/08/2020 15:04:06

Khoảng 50% bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi ở nước ta đều liên quan đến chảy máu và tử vong ngay những ngày đầu tiên.

Đến đầu giờ chiều ngày 18/7, Việt Nam đã công bố 24 trường hợp tử vong trên tổng số 964 ca mắc Covid-19. Tất cả các bệnh nhân tử vong đều ghi nhận trong giai đoạn mới, kể từ ngày 31/7 đến nay.

Đáng lưu ý, các cơ sở y tế báo cáo vẫn còn khoảng 10 bệnh nhân Covid-19 nặng, tiên lượng xấu.

Là chuyên gia hỗ trợ BV Trung ương Huế cơ sở 2 ngay từ những ngày đầu tiên, theo dõi sát các ca bệnh nặng, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, những bệnh nhân mắc các bệnh nền liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là những bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Đặc biệt các bệnh nhân suy tim, suy thận mạn.

Trên nền các cơ quan suy chức năng, tình trạng mất cân bằng trong cơ thể sẽ xảy ra. Đơn cử, nếu thận suy giảm sẽ khiến tim không ổn định, từ đó có thể gây rối loạn đông máu.

“Khi bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong các ngày thứ 7 đến ngày thứ 15 là những ngày virus tấn công mạnh nhất vào các cơ quan. Gần 50% bệnh nhân không qua khỏi vừa qua đều liên quan đến chảy máu trong phế nang, chảy máu đường tiêu hoá, tiết niệu”, PGS Hiếu thông tin.

Với bệnh nhân suy thận mạn, tình trạng diễn biến xấu đi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bản thân bệnh nhân ngày thường đã như ngọn nến leo lắt, khi Covid-19 ập đến giống như một cơn bão nên ngọn nến rất dễ tắt. Bệnh nhân thường không qua khỏi ngay trong những ngày đầu tiên mắc bệnh.

Cũng đang trực tiếp “chia lửa” với BV Trung ương Huế, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ thêm, virus SARS-CoV-2 tấn công qua thụ thể trên tế bào có tên gọi ACE2. Vì vậy tất cả tế bào nào mang điểm tiếp nhận ACE2 đều bị virus tấn công.

Tế bào mang thụ thể ACE2 có nhiều ở đường hô hấp, thận, tim, gan, não, mạch máu, vi mạch, thành mạch máu… đây là điểm đích virus tấn công.

Khi bị tấn công vào mạch máu sẽ gây phản ứng, tạo đông máu trong các vi mạch. Nếu đông máu trong các vi mạch phổi dẫn tới suy hô hấp nghiêm trong, nếu đông máu các cơ quan khác sẽ khiến các cơ quan này mất tưới máu, mất chức năng, từ đó dẫn tới hội chứng suy đa phủ tạng.

Theo BS Cấp, bản thân virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể đã gây tổn thương, gây suy đa phủ tạng, nhưng nếu bệnh nhân có bệnh nền như suy thận, suy tim… sẽ nặng hơn rất nhiều.

“Covid-19 có tỉ lệ tử vong nhất định, bệnh nền cũng đã có sẵn tỉ lệ tử vong rất lớn. 2 bệnh nếu phối hợp với nhau khiến tỉ lệ tử vong gia tăng rất nhiều lần”, BS Cấp nhấn mạnh.

BS Cấp cho rằng, vừa qua nhiều bệnh nhân Covid-19 rất nặng, cả ngành y tế, các đoàn thể, các cấp đã cùng cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu sống được. Đây là nỗi đau với cả nhân dân và với ngành y tế…

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)

 

Nổi bật