Ngày 2/7, tạp chí khoa học Cell công bố kết quả nghiên cứu về chủng virus hiện gây bệnh Covid-19 ở đa số các trường hợp hiện nay. Theo đó, biến thể này dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác gấp 3-6 lần so với nguyên bản.
Ngay sau khi xuất hiện, D614G nhanh chóng trở thành chủng virus thống lĩnh, phổ biến trên khắp thế giới.
Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ), Đại học Duke (Mỹ) cùng với Đại học Sheffield (Anh) hợp tác để đưa ra báo cáo trên. Biến thể virus D614G có tác động nhỏ nhưng rõ rệt ở cấu trúc protein nhô lên khỏi bề mặt của virus.
“Dữ liệu đã chỉ ra rằng có một đột biến đơn có thể khiến virus nhân bản nhanh hơn và làm lượng virus tăng cao”, chuyên gia dịch tễ học Anthony Fauci cho hay. Bác sĩ này là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ; cố vấn y tế của nhiều đời tổng thống nước này.
Tuy nhiên, triệu chứng của các bệnh nhân không nặng hơn trước đây. “Chúng ta chưa thấy mối liên hệ liệu bệnh nhân có bị tác động mạnh hơn hay không. Dường như virus nhân bản nhanh và dễ lây nhưng đây vẫn là giai đoạn cần khẳng định thêm”, bác sĩ Fauci thận trọng.
Kết quả ban đầu được chia sẻ vào tháng 4 nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến khảo sát, phân tích trên 999 bệnh nhân Anh. Theo đó, những người này nhiễm số lượng virus nhiều hơn nhưng mức độ nguy hiểm không cao hơn.
Nhà virus học Nathan Grubaugh tại Trường Y tế Công cộng Yale cho rằng kết quả này không tác động nhiều tới cộng đồng.
“Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xem xét liệu kết luận trên có ảnh hưởng tới việc phát triển vắc xin và thuốc hay không. Tuy nhiên, tôi không nghĩ chủng virus D614G sẽ thay đổi các cách kiểm soát dịch bệnh”, ông Grubaugh cho hay.
Theo An Yên (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/virus-gay-benh-covid-19-hien-tai-lay-nhanh-gap-3-6-lan-653835.html