Tiêm vắc xin cho nhóm từ 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi
Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.
Trước đó, vào ngày 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với một số Bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022. Chia sẻ về giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương:
- Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10-2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Việc rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12 sẽ do Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
- Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn được học tập trung tại trường). Nếu đồng ý tiêm chủng cho con em mình thì cha mẹ, người giám hộ sẽ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo công văn.
- Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm, cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, thành đối với các loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này.
Trẻ em cần tiếp cận sớm với vắc xin để hoàn thiện miễn dịch cộng đồng
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ cho biết, bệnh Covid-19 ở trẻ em thường nhẹ, nhất là trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng là thấp. Trong số các ca Covid-19 diễn biến nặng, trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ chiếm 2-4,8%.
Về mặt sức khỏe, trẻ em cũng sẽ chịu những ảnh hưởng lâu dài nếu mắc bệnh. Tương tự như người lớn, những trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh lý nền, tình trạng cũng sẽ nặng hơn nếu mắc Covid-19. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em có bệnh lý nền cũng thấp hơn nhiều ở người lớn.
"Và đương nhiên, trẻ em cũng là đối tượng cần được tiếp cận sớm với vắc xin để hoàn thiện lá chắn miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và các địa phương đã thu thập danh sách trẻ em để tiêm vắc xin ngừa Covid-19", ông Thái nói.
TS. Thái cũng cho biết thêm, trẻ em cũng đóng góp vào chuỗi lây truyền, nếu mắc sẽ là nguồn lây quan trọng trong cộng đồng và là nguồn duy trì virus rất khó kiểm soát. Ngoài ra, tỉ lệ các biến chứng do mắc bệnh cao hơn nhiều so với tiêm chủng, do đó việc tiêm phòng cho trẻ cũng hết sức quan trọng, nhằm hạn chế những nguy cơ này.
Theo TS Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) - hiện nay, trên thế giới có 3 loại vaccine đã sử dụng tiêm cho trẻ em: Pfizer, Sinopharm, Abdala. Đối với nhóm trẻ em cấp 3 và trẻ có yếu tố nguy cơ cao, TS Minh cho rằng nên tiêm trước bằng vắc xin Pfizer. Lý do là nhóm trẻ này khi mắc Covid-19 cũng có nguy cơ nặng hơn các nhóm trẻ ít tuổi hơn. Cần tiêm một loại vắc xin có hiệu quả cao để bảo vệ trẻ, TS nói.
Sau này khi tiêm mở rộng, chúng ta có thể lấy dữ liệu lâm sàng của các nước đã triển khai tiêm vắc cho trẻ em như UAE, Trung Quốc, Cu Ba đã triển khai tiêm cho trẻ.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)