Viêm gan siêu vi C và các biến chứng thường gặp

16/08/2018 14:56:11

Các biến chứng của viêm gan C rất nghiêm trọng, nhưng có thể phòng tránh bằng các phương pháp chữa trị kháng virút.

Viêm gan siêu vi C và các biến chứng thường gặp

Viêm gan siêu vi C là một bệnh lý mãn tính, nó làm suy mòn cơ thể con người một cách từ từ và nó trở thành căn bệnh nguy hiểm. Virút viêm gan C đã tồn tại nhiều thập kỷ qua mà không hề có bất cứ biểu hiện cụ thể nào trên gan.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và gây bệnh, virút viêm gan C tấn công, hủy hoại tế bào gan, khi gan bị hủy hoại thì xuất hiện các mô sẹo, từ đó dẫn đến các biến chứng như; xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Nếu hệ miễn dịch hoạt động kém thì có thể gây nên những biểu hiện của bệnh.

Các biến chứng

Xơ gan:

Theo các chuyên gia nghiên cứu về bệnh dịch, có khoảng 20% số người không được chữa trị khỏi viêm gan C sẽ bị xơ gan trong vòng 20 - 30 năm sau.

Khi gan bị xơ, do virút viêm gan C gây ra sẽ làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh tạo nên các vết sẹo và tạo nên những mô sợi. Chúng làm chậm dòng chảy của máu qua gan, gây ứ trệ máu trong các tĩnh mạch của hệ thống tiêu hóa.

Ở giai đoạn đầu của xơ gan thường chỉ có những biểu hiện rất mơ hồ như: mệt mỏi, chán ăn hoặc đau nhẹ ở vùng bụng bên phải nhưng đôi khi không có bất cứ biểu hiện nào.

Suy gan:

Khi bị xơ gan do viêm gan C, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nghiêm trọng hơn, bởi vì các mô sẹo do virút gây ra tiếp tục phát triển làm cho chức năng gan giảm đi, lâu dần dẫn đến suy gan.

Suy gan được biểu hiện bởi các dấu hiệu rất nghiêm trọng như: vàng da, vàng mắt, đi tiểu giảm, chân tay bị sưng phù, cổ trướng, thay đổi tính cách.

Viêm gan siêu vi C và các biến chứng thường gặp - 1

Xơ gan và suy gan do virút viêm gan C là những biến chứng rất nghiêm trọng và việc điều trị kháng virút là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng để thải loại virút nhằm phòng tránh các biến chứng và khi đã bị xơ gan, suy gan thì việc ghép gan là phương pháp được khuyến khích áp dụng.

Lây nhiễm viêm gan C qua con đường truyền máu, đường tình dục và từ mẹ sang con

Ung thư gan:

Ngoài biến chứng xơ gan và suy gan virút viêm gan C còn gây nên ung thư gan. Khi bị nhiễm virút viêm gan C, thì nguy cơ bị ung thư sẽ gấp 12 lần so với những người không bị nhiễm và trên thực tế ung thư gan thường xảy ra ở những người bị xơ gan.

Bên cạnh đó, các yếu tố có tác dụng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan do viêm gan C gồm lạm dụng bia rượu, hút thuốc, nhiễm HIV hay virút viêm gan b , béo phì, hàm lượng sắt trong gan cao.

Các biến chứng khác:

Virút viêm gan C ngoài việc tấn công và hủy hoại gan thì các biến chứng của bệnh còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận và hệ thống khác trong cơ thể.

Bởi vì trong khi nhiễm virút viêm gan C thì cơ thể hình thành kháng thể để chống lại, chính kháng thể này tạo ra những phản ứng gây ra các tác hại đến các cơ quan khác của cơ thể như thận bị tổn thương, tê, ngứa và đau do tổn thương dây thần kinh, đau khớp, da mẩn đỏ, loét.

Ngoài ra, viêm gan siêu vi C cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh khác bao gồm đái tháo đường, trầm cảm...

Xơ gan và suy gan do virút viêm gan C là những biến chứng rất nghiêm trọng

Hạn chế biến chứng thế nào?

Do chưa có vắcxin phòng ngừa viêm gan C nên việc phòng ngừa các con đường lây bệnh giữ vai trò quan trọng. Các con đường lây nhiễm viêm gan C như qua con đường truyền máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.

Chúng ta cần bảo vệ chính bản thân mình cũng như bảo vệ cho những người xung quanh khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Khi bị nhiễm virút viêm gan C, thì nguy cơ bị ung thư gan sẽ gấp 12 lần so với những người không bị nhiễm

Khi không may bị mắc viêm gan C, người bệnh không quá lo lắng mà cần đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt liệu pháp điều trị không nên bỏ cuộc.

Do đặc tính của bệnh viêm gan C là âm thầm, không gây cho người bệnh biểu hiện gì cụ thể cho nên tốt nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm vì càng phát hiện sớm thì cơ hội khỏi bệnh càng cao.

Theo BS Hồ Văn Cưng (Sức khỏe & Đời sống)