Nhiều năm liền, Nhật Bản luôn đứng ở vị trí đầu trong "Bảng xếp hạng tuổi thọ trung bình các nước", với tuổi thọ trung bình của nam giới lên tới 81 tuổi, trong khi nữ giới là 87 tuổi. Vậy làm thế nào mà Nhật Bản trở thành quốc gia sống thọ nhất thế giới?
Trên thực tế, người Nhật không chỉ sống thọ mà còn sống khỏe mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra quốc gia này có tỷ lệ béo phì khá thấp, chỉ khoảng 4%. Theo bảng xếp hạng của World Health Ranking, tỷ lệ người dân chết do đột quỵ, do ung thư vú, do bệnh gan… xếp gần chót bảng.
Một điều thú vị là người dân Nhật Bản được đánh giá là không thích thể thao, lười tập thể dục nhưng họ luôn duy trì được vóc dáng cân đối và tuổi thọ luôn cao nhất nhì thế giới.
Các chuyên gia giải thích, bí quyết sống thọ của người Nhật không nằm ở chế độ tập luyện mà chỉ gói gọn trong một từ đó là: Ăn.
Thói quen ăn uống giúp người Nhật Bản sống thọ
1. Một bữa ăn truyền thống ở đất nước Nhật Bản gồm rất nhiều món ăn, tuy nhiên trong mỗi đĩa thức ăn chỉ chứa một lượng nhỏ thực phẩm. Ngoài ra, mỗi thành viên khi dùng bữa đều có những khẩu phần ăn riêng. Nhìn chung, lượng thực phẩm người Nhật tiêu thụ trong một bữa ăn là không nhiều. Cách tiêu thụ thực phẩm này giúp họ kiểm soát lượng calo tiêu thụ, giữ vóc dáng cân đối, từ đó kéo dài tuổi thọ.
2. Bên cạnh việc kiểm soát lượng thức ăn, người Nhật ưa chuộng các món ăn nhẹ, ít calo như rau củ luộc. Bữa ăn phần lớn là đỗ xào, cải xanh, khoai lang, rau chân vịt, đậu phụ, đều là các loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng.
3. Nhật Bản là một quốc gia nằm ở ven biển, lượng hải sản tương đối dồi dào, nên người dân nơi đây có xu hướng tiêu thụ cá hoặc các loại hải sản mỗi ngày. Thực tế, trong thành phần của cá chứa nhiều protein, hàm lượng cholesterol cao, nếu dùng đúng cách sẽ giúp bổ sung các vi chất có lợi cho cơ thể. Vậy nên, chính lợi thế tự nhiên của đất nước đã hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, giúp người dân sống trường thọ.
4. Người dân Nhật Bản còn có xu hướng dùng ít dầu mỡ trong chế biến món ăn. Họ ưa chuộng các món ăn sống hoặc các món luộc. Đồng thời, nhà bếp được thiết kế mở giúp khói tỏa ra khi nấu nướng không ám lại trong nhà.
5. Trung bình một người dân Nhật ăn 1-2 củ tỏi một ngày vì tin rằng nó giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống bệnh ung thư. Theo Tổ chức Ung thư Quốc gia Mỹ, trong số các thực phẩm có khả năng chống ung thư cao nhất thế giới, tỏi là thực phẩm đứng vị trí hàng đầu vì các yếu tố có nhiều trong tỏi như strontium và selenium có thể ức chế sự phát triển của tế bào khối u và tế bào ung thư. Trong đông y, tỏi được đánh giá là "lương dược" có tác dụng khử trùng và ngăn ngừa bệnh tật.
6. Người Nhật rất thích ăn rong biển. Tại đây, rong biển không chỉ là thực phẩm mà còn được coi là một phương pháp ăn uống có tác dụng chữa trị và nâng cao sức khỏe. Rong biển là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và rất giàu các nguyên tố vi lượng khác nhau như protein, chất béo, carbohydrate, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, carotene, niacin và iốt. Ngoài có tác dụng ngăn ngừa xơ gan, huyết áp cao và bệnh tim, rong biển còn có thể ngăn ngừa bệnh béo phì.
7. Đậu phụ là thực phẩm quen thuộc của người Nhật Bản: Người Nhật rất thích ăn đậu phụ vì món ăn này giàu protein chất lượng cao và các nguyên tố vi lượng như sắt, magiê và kali… Đậu phụ có tác dụng cải thiện cấu trúc mỡ cơ thể, ngăn ngừa và chống lại các bệnh mãn kinh, cải thiện trí nhớ và sự tập trung tinh thần, ngăn ngừa và chống loãng xương.
Ngoài ăn uống, 3 yếu tố sau cũng giúp người dân Nhật Bản sống thọ
Có nhiều dịch vụ thư giãn: Ở Nhật Bản, hầu hết mọi nơi đều có suối nước nóng, người Nhật tin rằng suối nước nóng rất giàu khoáng chất có thể cải thiện trạng thái tinh thần và giúp ngăn ngừa, chữa trị nhiều loại bệnh.
Y tế phát triển và văn minh: Nhật Bản là một quốc gia phát triển và các cơ sở dịch vụ của họ, bao gồm cả chăm sóc y tế cũng tiên tiến hơn rất nhiều quốc gia khác.
Họ rất thích làm việc: Theo điều tra của Văn phòng Nội các Nhật Bản, khi mọi người đến tuổi nghỉ hưu, họ vẫn tiếp tục làm việc và tham gia các hoạt động xã hội thông qua một cách nào đó vì người Nhật luôn muốn mình được lao động, cống hiến.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)