Vì sao người hiến tạng phải tự bỏ 17 triệu đồng để xét nghiệm?

21/03/2018 19:33:56

Trước thông tin người hiến tạng phải tự bỏ tiền để trả chi phí xét nghiệm, đại diện Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã lên tiếng.

Hiến tạng là nghĩa cử nhân văn giúp hàng chục nghìn bệnh nhân cần ghép tạng được cứu sống. Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời đã tạo nên sức lan tỏa lớn khiến con số người đăng ký hiến tạng tăng đột biến.

Tuy nhiên câu chuyện về một trường hợp bà hiến thận cho cháu gái nhưng phải tự trả 17 triệu tiền chi phí làm thủ tục xét nghiệm khiến nhiều người e ngại bởi đã hiến tự nguyện lại còn mất phí.

Không phải ai hiến mô tạng cũng mất phí xét nghiệm

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia, về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế, khẳng định nhiều người đang nhầm lẫn việc đăng ký hiến tạng sẽ mất tiền và người hiến tạng nào cũng mất tiền xét nghiệm.

Ông Phúc chỉ rõ theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, có hai đối tượng với quyền lợi tương ứng:

- Người hiến mô tạng lúc sống: Sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí sau khi hiến, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép tạng, được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Người hiến tạng lúc sống cũng được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ nếu không thể đi về trong ngày; được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại khám sức khỏe định kỳ… Những người có thẻ BHYT nếu đăng ký hiến tạng được BHYT thanh toán một số các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, nước tiểu hay chiếu chụp X-quang...

- Người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác: Sẽ được được truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, có chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài…

Với người hiến tạng sau khi chết não, mọi thủ tục xét nghiệm để xác định có thể ghép được cho các bệnh nhân khác hay không hoàn toàn do bệnh viện chi trả, gia đình người hiến không phải bỏ ra bất kỳ khoản nào. Thậm chí, chi phí khám chữa bệnh giai đoạn đầu của người hiến tạng cũng được bệnh viện hỗ trợ.

Với người hiến mô tạng khi còn sống, hiện chủ yếu là nguồn tạng từ người cùng huyết thống và gia đình tự sắp xếp.

"Bên cạnh nguồn hiến tạng cùng huyết thống, chỉ có một số ít trường hợp hiến tạng vô danh, vô vụ lợi, nhưng Luật hiến ghép mô cơ thể người và Luật BHYT chưa đề cập đến vấn đề chi phí xét nghiệm, nên các bệnh viện cũng chưa có cơ sở để thanh toán", ông Phúc giải thích về việc người dân phải tự bỏ chi phí xét nghiệm khi hiến tạng cho người nhà.

Như vậy, số lượng người hiến khi còn sống không nhiều và đa phần là gia đình hiến cho nhau. "Với các trường hợp hiến tặng cho người trong gia đình thì đây không phải là vấn đề lớn. Còn với các trường hợp hiến tặng cho người ngoài, chúng tôi cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn đề ai sẽ là người chi trả tiền cho các xét nghiệm trước khi hiến vì cũng thấy có những điều bất cập", ông Phúc nói thêm.

Vì sao người hiến tạng phải tự bỏ 17 triệu đồng để xét nghiệm?
Sau khi đăng ký hiến tạng, mỗi người sẽ được cấp một thẻ hiến tạng. Ảnh: HQ.

Khuyến khích nguồn tạng từ người chết não

Theo Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế, ngành y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng ở bệnh nhân chết não - trừ một số trường hợp đặc biệt của người hiến tặng vô danh, vô vụ lợi mới tiếp nhận tạng từ người cho còn sống.

"Nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong rồi không hiến nữa. Như vậy ngân sách sẽ đội lên khủng khiếp. Bởi chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…). Người hiến thận khi còn sống thì phải chụp cắt lớp, dựng hình 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến... Nhưng BHYT chưa thanh toán danh mục này, còn các bệnh viện không đủ tài chính để chi trả", ông Phúc phân tích những bất cập.

Ông cũng thừa nhận sau 12 năm đi vào hoạt động, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng tồn tại những bất cập cần sửa đổi, bổ sung, trong đó liên quan đến chế độ BHYT. 

Hiện Luật chưa quy định thanh toán các loại xét nghiệm liên quan đến người hiến tạng khi còn sống cũng như người ghép mô, tạng có thẻ BHYT được thanh toán toàn bộ chi phí sàng lọc trước khi ghép tạng, nên bệnh nhân có thẻ BHYT không được thanh toán đồng bộ.

"Trong các cuộc thảo luận trước đây, chúng tôi cũng đã cho rằng, để tránh việc trục lợi chính sách, BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống.

Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, vô vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây đang là vấn đề chúng tôi thực sự thấy “vướng”. Chúng tôi cũng mong chờ những ý kiến đa chiều để chính thức đề xuất với BHYT và các đơn vị hữu quan", ông Phúc nói.

Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)