Tôi thường xuyên bị táo bón, tôi nghe mọi người mách nên sử dụng nước chanh pha mật ong vào buổi sáng vừa có tác dụng giảm béo, chống táo bón, đẹp da. Tuy nhiên, tôi sử dụng nửa năm nhưng không thấy tác dụng. Bác sĩ tư vấn giúp tôi nên dùng như thế nào cho hiệu quả? Xin cảm ơn bác sĩ! Lê Thúy Ngà (Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Ly Na, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, tư vấn:
Về công dụng của chanh tươi và mật ong:
Chanh tươi giàu axit citric và vitamin C, các chất này giúp kéo nước vào trong lòng ruột nên làm mềm phân. Chanh còn có các vitamin khác như B1, riboflavin,… Tuy nhiên vị chua từ chanh gây ảnh hưởng đến người có bệnh lý dạ dày do tăng lượng axit.
Theo y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc. Mật ong có công năng bổ dưỡng tỳ vị, tăng sinh lực, dưỡng huyết, nhuận phế, nhuận tràng, trị các chứng ho mãn tính, ho ra máu, thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa vi khuẩn. Mật ong còn có tác dụng làm đẹp, chữa lành vết thương, giải độc cơ thể.
Ngoài ra, mật ong từ lâu đã được biết đến là chất nhuận tràng tự nhiên. Các prebiotic, men có trong mật ong giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Do đó, uống nước chanh, mật ong pha ấm hàng ngày bạn làm khỏe thêm hệ tiêu hóa và hỗ trợ trị táo bón.
Chanh giúp hỗ trợ tiêu hóa vì axit trong quả chanh kích thích sản sinh axit clohidric có tác dụng làm tiêu thức ăn. Uống một ly nước chanh ấm vào buổi sáng sẽ tốt cho dạ dày hoặc ngay khi bị đầy bụng sẽ giúp làm giảm triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, người có sẵn bệnh lý viêm dạ dày hoặc trào ngược cần thận trọng khi sử dụng nước chanh tươi.
Về việc bạn sử dụng nước chanh mật ong để trị táo bón không thấy hiệu quả, tôi xin chia sẻ một số thông tin y khoa về bệnh lý táo bón để bạn hiểu hơn.
Tình trạng táo bón có thể biểu hiện bằng một trong những triệu chứng như số lần đi cầu ít hơn 3 lần/tuần; khó rặn; phân khô cứng; cảm giác không đi hết phân.
Táo bón có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng từ chế độ ăn không hợp lý đến do một số bệnh lý nghiêm trong. Nhìn chung, có thể chia nguyên nhân thành 3 nhóm sau:
- Chậm vận chuyển phân: Các yếu tố làm chậm vận chuyển phân bao gồm chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, dùng một số loại thuốc như thuốc giảm đau và chống trầm cảm. Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn có thể do tắc nghẽn ruột do chít hẹp hay khối u.
- Rối loạn thần kinh ruột: Bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng đến vận động ruột.
- Rối loạn chức năng sàn chậu: Yếu cơ khung chậu làm giảm sự di chuyển của phân trong trực tràng có thể góp phần gây táo bón.
Do đó, để cải thiện tình trạng táo bón, chúng ta cần bổ sung đủ chất xơ, uống đủ nước (tầm 2-2,5 lít nước/ ngày), vận động thường xuyên và tránh nhịn đi cầu.
Trong trường hợp chị vẫn chưa thấy có hiệu quả, có thể hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng bệnh lý nếu có hiện tại và các thuốc đang sử dụng có gây táo bón hay không, bổ sung các yếu tố khác như ăn đủ chất xơ, uống đủ nước và vận động hỗ trợ thêm. Nếu triệu chứng vẫn kéo dài cần đi khám sớm để tìm kiếm các nguyên nhân nếu có và ngừa các biến chứng như trĩ, mạch lươn, sa trực tràng.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)